Lý do đại sứ Mỹ tại LHQ từ chức

Hôm 9-10 (giờ Mỹ), bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), bất ngờ gửi đơn từ chức và có cuộc trò chuyện trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân người phụ nữ quyền lực này bất ngờ rời khỏi vị trí mà theo ông Trump “rất nhiều người mong muốn đạt được”.

Nói về công việc của mình tại LHQ, bà Haley cho biết đó là “niềm vinh dự của cả cuộc đời”. Giới quan sát nhìn nhận Haley là một phụ nữ cá tính, độc lập, có đường lối đối ngoại riêng, dù hỗ trợ ông Trump nhưng cũng sẵn sàng bất đồng với tổng thống như bà khẳng định: “Khi tôi muốn thách thức tổng thống, tôi làm một cách thẳng thắn”.

“Ngôi sao sáng” từ chức

Việc Haley bất ngờ từ chức được truyền thông đánh giá là một cú sốc với Washington giữa lúc các chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm vấn đề Iran, Syria, Triều Tiên, Nga, Trung Quốc… đang vào giai đoạn kịch tính và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến rất gần.

Ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục cho biết Haley có ý định từ chức từ sáu tháng trước để “có thời gian nghỉ ngơi”. Trong khi một nguồn thạo tin nói với CNN rằng lý do thật sự phía sau việc từ chức của nữ chính trị gia có thể liên quan đến tài chính. Bà ấy cần kiếm tiền để lo cho hai con của mình. Tuy nhiên, hai lý do này không thuyết phục dư luận.

CNN dẫn nguồn tin gần gũi với quan hệ giữa ông Trump và bà Haley cho biết nữ đại sứ Mỹ đã “mất liên lạc” với tổng thống trong thời gian gần đây. Khi ông Rex Tillerson còn làm ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Trump vẫn thường xuyên tham vấn ý kiến Haley và nữ đại sứ thường xuyên xuất hiện tại Phòng Bầu dục. Đến khi Mike Pompeo đảm nhận vị trí ngoại trưởng và John Bolton đảm nhiệm vị trí cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, sự liên lạc giữa ông Trump với bà Haley giảm đi đáng kể. Bà Haley được cho là đã bị “đứng ngoài cuộc” trong các quyết sách quan trọng những tháng gần đây.

Đỉnh điểm là hồi tháng 4, khi Haley tuyên bố sẽ sớm áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga thì ông Trump phủ nhận. Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, đã “chữa cháy” bằng việc giải thích Haley đã nhầm lẫn nhưng nữ đại sứ thẳng thắn “tôi không nói nhầm”. Tuần trước Haley thông báo với ông Trump quyết định từ chức nhưng không báo cho ông Pompeo lẫn Bolton.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley. Ảnh: REUTERS

“Nếu Tổng thống Trump đang nghe theo ông Bolton và Pompeo và phớt lờ ý kiến của bà Haley, đó có thể là lý do khiến bà từ chức” - TS Matthew F. Filner, học giả Fulbright đang nghiên cứu và giảng dạy tại Nhật Bản, trả lời Pháp Luật TP.HCM. Ông Filner giải thích “các đại sứ thường chỉ từ chức khi họ có quan điểm rất khác so với tổng thống… Tôi nghĩ Haley có bất đồng mạnh mẽ với ông Trump và bị tổng thống yêu cầu từ chức. Tôi đoán ông Trump đã nói với Haley nếu bà ấy không từ chức và ủng hộ mình, tổng thống sẽ sa thải Haley và điều đó ảnh hưởng sự nghiệp chính trị của bà”.

PGS David G. Embrick, ĐH Connecticut nhận định rằng “xung đột nội bộ đảng Cộng hòa và các thành viên Nhà Trắng quá rõ ràng. Không còn nghi ngờ gì về việc Haley trước đây thường xuyên chỉ trích ông Trump. Tôi tin rằng những bất đồng về việc Nhà Trắng giải quyết một số vấn đề đối ngoại chính là nguyên nhân khiến Haley quyết định từ chức”. Ông Embrick nhận xét phong cách điều hành của Haley mâu thuẫn với một số người khác trong đảng Cộng hòa, bao gồm Ngoại trưởng Pompeo.

GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế ĐH Maine (Mỹ), cũng nhận định “lý do chính khiến Haley từ chức là xung đột nội bộ giữa những người cực hữu theo ông Trump, trong đó có cố vấn an ninh John Bolton và những người bảo thủ trong đảng Cộng hòa. “Bà Haley không đồng ý với Bolton và Nhà Trắng về vấn đề Iran và Triều Tiên cũng như những vấn đề liên quan đến phụ nữ” - ông Long nói.

Ông Long cho rằng nếu bà Haley không từ chức bây giờ để giữ thể diện thì đến sau ngày bầu cử vào đầu tháng 11 tới, ông Trump cũng sẽ bắt bà ấy từ chức. Hôm 8-10, nhóm Citizens for Responsibility and Ethics (Công dân vì nghĩa vụ và đạo đức) ở Washington nộp đơn lên Bộ Ngoại giao tố cáo bà Haley và chồng được một số “đại gia” mời đi máy bay riêng nhưng khai sai sự thật về giá trị đã nhận. Một ngày sau bà Haley gặp ông Trump từ chức. “Chắc đây không phải là việc ngẫu nhiên” - ông Long nhận định.

Khả năng chạy đua vào Nhà Trắng

Bà Haley sẽ rời ghế đại sứ Mỹ tại LHQ vào cuối năm nay nhưng khẳng định sẽ không tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2020 như tin đồn trước nay. GS Long nhận định: “Tôi cũng nghĩ bà Haley sẽ không ứng cử tổng thống Mỹ năm 2020 vì ông Trump đã nói sẽ tái ứng cử. Trừ trong trường hợp Trump bị truất phế nếu đảng Dân chủ sẽ chiếm cả lưỡng viện kỳ tới”. Theo ông Long, đây là điều khó có thể xảy ra vì việc ông Trump đưa được Kavanaugh vào Tòa Tối cao đã giúp ông Trump nhận được thêm sự ủng hộ của các thành phần bảo thủ và cực hữu ở Mỹ.

“Trong trường hợp ông Trump không tái tranh cử thì Phó Tổng thống Mike Pence cũng sẽ là người được đảng Cộng hòa ủng hộ, trừ khi bà Haley muốn ra tranh cử với ông ấy” - ông Long giải thích thêm.

PGS Embrick cũng tỏ ra hoài nghi việc Haley sẽ tranh cử tổng thống năm 2020: “Tôi nghĩ khả năng lớn hơn chính là bà ấy sẽ tạo ra một khoảng cách nào đó với Trump và ứng cử tổng thống vào năm 2024 hoặc sau đó”.

TS Filner cũng cho rằng khó có khả năng bà Haley sẽ tranh cử năm 2020. Theo Filner, hiếm khi có ai đó đứng ra thách thức tổng thống đương nhiệm trong cùng một đảng. Vì điều đó gần như chắc chắn sẽ thất bại và thường chỉ có người không nuôi những tham vọng lâu dài mới làm điều đó.

“Haley biết rằng nếu thách thức Tổng thống Trump để trở thành đại diện của Cộng hòa vào năm 2020, bà ấy sẽ thất bại và sẽ không còn cơ hội để trở lại đường đua vào Nhà Trắng trong tương lai. Tôi nghĩ Haley tin rằng ông Trump sẽ thất bại vào năm 2020 và bà ấy có thể đạt được vị thế mạnh vào cuộc bầu cử năm 2024. Thậm chí nếu ông Trump tiếp tục thắng cử năm 2020 thì Haley vẫn còn cơ hội để chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tiếp theo nếu bà ấy ủng hộ ông Trump” - ông Filner nhận định.

Chọn Haley là quyết định sáng suốt của ông Trump

Năm 2017, khi trả lời phỏng vấn CNN, bà Haley thuật lại cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump. “Tôi là một nữ chính trị gia, tôi muốn tham gia vào quá trình đưa ra quyết định… Tôi không muốn là một người ngoài cuộc hay đơn giản chỉ là người phát ngôn. Tôi muốn nói ra chính kiến của mình”. Bà Haley nói với ông Trump rằng bà muốn là một thành viên nội các và thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Quan trọng hơn hết, Haley muốn được quyền thể hiện chính kiến và nói những gì mình muốn.

Dù Haley là người từng chống đối ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ra ứng viên Cộng hòa tranh cử tổng thống 2016, Tổng thống Trump đã đồng ý với đề nghị của bà. “Được thôi… Đó là lý do tôi đề nghị bà đảm nhiệm vị trí này” - Tổng thống Trump đáp lời. Nhiều người cho rằng ông Trump suốt hai năm qua có thể sai lầm trong nhiều quyết định nhưng việc chọn bà Haley trở thành đại sứ Mỹ tại LHQ là một quyết định sáng suốt.

Ai sẽ thay thế Haley?

Dù Tổng thống Trump ca ngợi tố chất của con gái Ivanka nhưng ông nói rằng việc chọn Ivanka thay thế Haley tại LHQ sẽ gây tranh cãi. Bà Ivanka đã viết trên Twitter sẽ không thay thế vị trí của Haley. Ông Trump cho biết hiện đã có danh sách ngắn gồm năm ứng cử viên, trong đó có bà Dina Powell, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược tại Nhà Trắng. Con rể của ông Trump là Jared Kushner cũng có thể trở thành tân đại sứ Mỹ tại LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm