Ngày 30-4 trong ký ức một trinh sát đặc công

Ông là Lê Tranh, mọi người vẫn hay gọi là Năm Tranh (75 tuổi, xã Long Phước, TP Bà Rịa-Vũng Tàu), từng là trinh sát đặc công, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1962, ông đi bộ đội và được chọn để huấn luyện thành một trinh sát đặc công, giữ vai trò chủ chốt trong nhiều trận đánh ở tỉnh nhà.

Tinh thần thép của trinh sát đặc công

“Đây là vết đạn trong trận đánh ở Bình Giã, chúng bắn trúng phía trên đầu gối chân phải. Vết thương bên hông phải thì trong trận nào không nhớ rõ nữa, trên ngực hiện vẫn còn mảnh đạn găm vào, cũng không nhớ rõ nữa...” - ông chỉ vào những vết thương do chiến tranh để lại trên người mình và bắt đầu câu chuyện.

Ông Năm Tranh bảo vết thương khiến ông nhớ đời nhất là viên đạn bắn trượt quai hàm bên trái trong một trận đấu của chiến dịch Mậu Thân năm 1968. “Như có ông bà cầm khẩu súng lách đi vậy đó, giờ mới còn sống ngồi đây” - ông hóm hỉnh.

Người lính đặc công phải nhanh nhẹn, quan sát tốt và đầu óc phải nhanh nhạy để xử lý tình huống ngay khi có biến xảy ra, thậm chí là dùng hai tay để đi rà bom, mìn. Họ phải trải qua nhiều thử thách của ban huấn luyện để thấy được năng lực của mình. “Quan trọng nhất là anh có dám làm, có đủ dũng cảm để sẵn sàng chết hay không. Vậy nên mấy cô gái ngày đó hay bảo yêu ai thì yêu chứ đừng yêu lính đặc công vì chết lúc nào không hay” - ông Năm Tranh tếu táo.

Qua nhiều trận đánh, ông Năm Tranh trở thành người chỉ huy chiến trận, người đưa ra kế sách và quyết định nên đánh hay lùi. Trong trận đánh Long Bình - Long Điền, tổ phục kích của ông bị lộ. Ông quyết định cho mọi người chia thành ba mũi tấn công, mỗi mũi hai người liên tục ném lựu đạn vào phía địch, vừa ném vừa hô to “Xung phong” nhưng lại cho mọi người rút lui để đảm bảo an toàn. “Dù trong bất cứ tình huống nào, trinh sát đặc công cũng phải giữ tinh thần thép, bình tĩnh để đưa ra quyết định!” - ông nói.

Ông Năm Tranh kể về những năm tháng ông tham gia kháng chiến chống Mỹ, về thời khắc đất nước thống nhất. Ảnh: THANH TUYỀN

Tấm ảnh chân dung mà ông Năm Tranh đã chạy vào tiệm chụp lại ngay trong ngày 30-4 luôn được ông giữ gìn như một kỷ niệm. Ảnh: THANH TUYỀN

Có chết cũng phải trong tư thế hiên ngang

Với bản thân, ông Năm Tranh chưa bao giờ cho phép mình cúi đầu, quỳ gối trước kẻ địch. Chính vì vậy, khi trở thành chỉ huy của một trung đội rồi, ông vẫn luôn là người tiên phong trong những lần đi thám thính tình hình của địch, luôn là người dẫn đầu đoàn đi khảo sát dù nguy hiểm luôn rình rập. Ông tâm niệm là người chỉ huy phải táo bạo, đồng hành cùng lính trên mọi mặt trận. Lính đặc công thì càng phải thắt chặt tình đoàn kết trong đội, luôn yểm trợ nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Tôi nhớ lắm, cứ trước mỗi trận đánh là anh em lại phân công ai đánh mũi này, anh yểm trợ ở mũi kia để đảm bảo an toàn... Mọi người làm việc rất hăng say, luôn nêu cao tinh thần đồng đội. Anh em tụi tôi có chết cũng phải trong tư thế hiên ngang” - ông nói.

Ký ức sống động ngày 30-4

Dù đã 42 năm sau ngày thống nhất đất nước nhưng cứ mỗi lần ngồi nhớ về thời khắc lịch sử đó, ông Năm Tranh bảo lòng cứ chộn rộn như chỉ vừa mới hôm qua thôi.

“Lúc đó, tôi ở chiến trường Dốc Mơ - Gia Kiệm, nghe tin miền Nam đã được giải phóng, mấy thằng bạn cùng đơn vị tôi ôm nhau khóc quá chừng, có đứa thì hét lên: “Sống rồi tụi bây ơi. Giải phóng rồi, độc lập rồi, được sống rồi!”. Rồi cả đám cứ ôm nhau, ôm hết đứa này qua đứa khác mãi không thôi. Mừng quá mà!” - ông nhớ lại.

Chỉ tay về phía bức ảnh chân dung của mình treo ngay ngắn trên tường, ông Năm Tranh hào hứng kể tiếp: “Cũng trong ngày hôm đó, tôi được trao quân hàm thượng úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 445. Niềm vui nhân đôi, tôi chạy ngay vào tiệm chụp ảnh gần chỗ mình nhờ họ chụp lại bức ảnh chân dung để kỷ niệm. Giờ nó là kỷ vật duy nhất mà tôi giữ gìn mãi nhớ về cái ngày thấy mọi người cùng khóc, cùng cười. Nó cứ sống mãi ở trong đầu mình vậy đó”.

Tôi đã trải qua một giai đoạn chiến tranh đầy khốc liệt nên hiểu rõ giá trị của sự yên ấm, được sống trong hòa bình. Quá khứ sẽ mãi còn nhưng tôi càng trân quý cuộc sống hiện tại của mình, là xương máu của biết bao thế hệ đổ xuống. Tôi còn được sống để nhìn thấy hòa bình đã là một may mắn.

Ông LÊ TRANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm