Người Sài Gòn tử tế - Bài cuối: Lòng tốt cứ thế lan tỏa...

LTS: Chúng tôi không thể kể hết những nghĩa cử đẹp, những tấm lòng thơm thảo của những người tử tế ở Sài Gòn bởi nó nhiều vô kể. Để kết thúc loạt bài này, chúng tôi giới thiệu góc nhìn về lòng tốt của người Sài Gòn của tác giả cuốn sách Chuyện nhỏ Sài Gòn (*).

 “Người tốt ở Sài Gòn có hiếm không? Thời bây giờ, ở Sài Gòn liệu còn bao nhiêu người tử tế?”. Nhiều bạn hỏi tôi vậy, dĩ nhiên tôi khẳng định là nhiều, nhiều lắm...

Nắm tay một cụ già để đưa cụ qua đường thì ở Sài Gòn ai cũng có thể làm, ai cũng có thể là người tốt. Cùng chia sẻ khó khăn với người khác thì ở Sài Gòn có triệu người. Làm một bình trà đá miễn phí, góp một bữa cơm trưa cho người nghèo, hay giúp chỗ trọ cho một sinh viên khó khăn thì cũng đến vạn người. Chẳng qua là họ không kể bởi họ coi giúp đỡ người khác là làm cho chính mình.

Đôi khi người ta giúp người khác rồi lẳng lặng bỏ đi, không cần nhận một lời cảm ơn, không cần phải ghi tên họ, bởi ở Sài Gòn người ta không quá quan trọng chuyện xưng danh, ghi danh, mọi thứ cứ âm thầm trôi đi, như một mạch ngầm giữa Sài Gòn, âm thầm lan tỏa mà không cần kèn khua trống gõ.

Nhà báo Nam Đồng (nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) và nhiều nhà hảo tâm khác đã giúp người nghèo có được bữa ăn ngon với giá chỉ 2.000 đồng ở hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười. Ảnh: T.MẬN

Trả nợ Sài Gòn

Có thể đối với mọi người, việc nấu 100 phần ăn trưa thật ngon rồi chở đến bệnh viện để giúp bệnh nhân nghèo hoặc người nhà có hoàn cảnh khó khăn qua bữa trưa là một hành động đẹp, một nghĩa cử cao quý, là từ thiện nhưng đối với người làm việc đó thì điều đó là bình thường. Như một người đã nói với tôi, ngày xưa lúc lên Sài Gòn mình cũng nghèo, rồi cũng đau bệnh, mình được người ta giúp nhiều, giờ mình có dư bữa ăn, mình giúp người khác thôi, đâu có gì lớn lao.

Sài Gòn rộng lớn với dòng chảy mưu sinh cuồn cuộn, đã cưu mang hàng triệu con người, ai tới đây cũng từ nghèo khó, cũng vì mưu sinh, rồi ai cũng sống được, làm được thì tự động phải giúp người mới tới, người khó hơn như một cách để “trả nợ Sài Gòn”. Người sửa giày chọn sửa giày miễn phí cho người nghèo; người sửa xe chọn sửa xe miễn phí, dạy nghề cho người nghèo; hàng quán đưa ra phố một bình trà đá miễn phí; người bán cơm làm suất ăn miễn phí…

Chuyện bình thường của giới bình dân

Khi tôi viết về những câu chuyện nho nhỏ ở Sài Gòn mà tôi vô tình chứng kiến hoặc nghe kể, nhiều người vẫn xuýt xoa: “Ồ, tấm gương người tốt, việc tốt” hay gọi theo cách cũ là “họ thật tử tế”, thậm chí nhiều bạn đọc còn tỏ ra nghi ngờ, sao một anh xe ôm lại có thể tốt bụng như thế, sao một chị bán cơm lại tử tế như thế… Thực ra đó là chuyện bình thường, thậm chí là rất đỗi bình thường xảy ra hằng ngày ở Sài Gòn rộng lớn này.

Tôi đã trò chuyện nhiều với những nhân vật của mình và những người xung quanh họ. Họ chính là những người bình dị nhất mà bạn có thể bắt gặp khắp nơi và tôi biết, họ suy nghĩ đơn giản lắm, chỉ là thấy phải thì làm thôi, không cố gắng, không “gồng mình” để làm một người tốt. Chính họ, những người bình dị, có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, luôn coi cái lẽ phải của việc giúp người khác, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn là một việc hằng ngày như ăn cơm tấm, uống cà phê sáng thôi. Tự thân người ta vô tư trao nhau sự tử tế, trong muôn nỗi tất bật của mưu sinh ở Sài Gòn mà không toan tính gì, không để chứng tỏ điều gì cả. Chính điều đó làm cho đời sống của họ tuy cơ cực nhưng luôn ấm áp. Chính họ, những người Sài Gòn bình dị đã giữ ngọn lửa hào hiệp của những người đi khai hoang mở cõi năm xưa, truyền tay nhau và lan tỏa đến muôn ngàn người đến sau.

Có mất gì đâu!

Đứng bóng, trời nắng, ở một ngã tư quận 10, đường lớn, tuy không đông nhưng xe cộ chạy khá nhanh, hai góc đường đều có hai ông xe ôm, cả hai đều đưa ngón trỏ lên trời khi thấy bất cứ khách bộ hành nào, thay cho câu rao “xe ôm đây” nhưng người trẻ hơn thì dõi mắt về phía khác của ngã tư, góc có phần đông đúc hơn.

- Anh ơi, cho về chợ Phạm Văn Hai.

- Rồi, cho em hai chục nha.

- Được, đi.

- Anh Hai có gấp hôn? Chờ em hai phút được hôn?

- Được, đón khách nữa hả?

- Hông có, chờ em chút, nè đội nón trước đi.

Lúc này anh mới nhìn gã xe ôm, gã có lẽ trẻ hơn anh, chắc mới ngoài ba mươi, nước da đen bóng, bám vào khuôn mặt xương xương, giọng nói khàn khàn nhưng ánh mắt và điệu bộ tươi vui, lém lỉnh, vừa cài quai nón cho anh gã vừa nói: “Chờ em chút nha, em đợi coi thằng mù kia nó đi hướng nào”.

Từ hướng gã xe ôm khoát tay, xa phía góc kia ngã tư có một người mù với xấp vé số và cây gậy trên tay đang lò dò tới, đến gần lề đường thì người này dừng lại, đưa cây gậy đang cầm lên quá đầu, hướng về phía gã xe ôm.
Nhanh như thoắt, chỉ bằng chục cái sải chân, gã xe ôm đã có mặt phía bên kia ngã tư, một tay nắm khuỷu tay của chàng trai mù, một tay đưa ra khoát về hướng dòng xe máy đang lưu thông về phía hai người bọn họ, như cách người ta dùng mái chèo rẽ nước, gã dẫn chàng trai mù băng qua ngã tư.

Qua đến đầu này, gã buông tay chàng trai rồi bật lên yên xe, vừa đẩy vừa đề, đưa cái xe nổ máy xuống lề đường: “Đi, anh Hai”. Anh hỏi: “Mày hay dẫn người ta qua đường hả?”. Gã cười: “Dạ, em ở đây, ai cần thì mình giúp, mấy bà già, mấy đứa nhỏ, người mù, ai sợ qua đường thì em hay dẫn phụ, bị chỗ này xe chạy lẹ quá, nhiều người ở quê lên đây khám bệnh ở bệnh viện ra hay mấy bà già là chịu chết, không dám bước qua luôn, mình phải lại dẫn người ta mới yên tâm”. Anh khen: “Ừ, làm vậy phải đó, chú thiệt là tốt bụng”. Gã cười lớn: “Em xe ôm mà, tốt bụng gì đâu anh Hai, bà con mình không hà, phụ được gì thì làm thôi, có mất gì đâu, phải hôn anh Hai”.

(Trích Chuyện nhỏ Sài Gòn - tập 2
 sắp xuất bản của Đàm Hà Phú)

ĐÀM HÀ PHÚ

(*) Sách gồm 33 tản văn ghi lại những câu chuyện tử tế có thật trong đời sống của người Sài Gòn, đã được xuất bản năm 2013.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm