Nguy cơ Mỹ-Triều Tiên ‘không còn đường lùi’

Ngày 4-7, hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên (KCNA) khẳng định nước này đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 trước sự giám sát trực tiếp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Triều Tiên khẳng định đã đạt đến “bước cuối cùng” trong công cuộc tiến lên “cường quốc hạt nhân có khả năng đánh đến mọi nơi trên thế giới” - hãng tin AP dẫn lời.

Cục diện đã thay đổi

Ngày 5-7, các quan chức quốc phòng Mỹ cũng xác nhận tên lửa Triều Tiên phóng thử chính xác là một ICBM, kênh truyền hình CNN cho biết. Mối lo ngại của Mỹ và Hàn Quốc đã thành hiện thực sớm hơn nhiều so với các dự đoán. Dựa trên những số liệu mà KCNA công bố về Hwasong-14, ICBM này đã đủ sức vươn đến tận Alaska, đặt lãnh thổ nước Mỹ vào tầm ngắm.

Theo CNN, tên lửa Triều Tiên phóng vào ngày 4-7 có tầm bắn tối thiểu đến 5.500 km và đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Còn trả lời hãng tin AP, chuyên gia tên lửa người Mỹ David Wright ước tính tầm bắn tối đa của Hwasong-14 có thể lên đến 6.700 km. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi vụ thử tên lửa lần này là “một bước leo thang đe dọa mới” nhắm vào Mỹ. Cục diện an ninh khu vực đã thay đổi lớn sau vụ phóng thử thành công ICBM của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo Bình Nhưỡng đừng vượt “lằn ranh đỏ” trong cuộc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên: “Tôi hy vọng Triều Tiên đừng bước qua ranh giới mà không ai có thể quay đầu được nữa”.

Các chuyên gia Mỹ cũng lo ngại sức ép từ vụ thử tên lửa có thể đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump đến gần lằn ranh “không còn đường lùi” trong vấn đề Triều Tiên. Ông Patrick Cronnin, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định: “Hoặc Mỹ đàm phán trực tiếp với ông Kim Jong-un hoặc ra tay hành động. Thậm chí có khả năng Mỹ thực hiện cả hai phương án”. Tổng thống Trump từng khẳng định sẵn sàng dùng mọi cách để giải quyết các mối đe dọa từ Triều Tiên, không loại trừ cả giải pháp quân sự. Ông Adam Mount, Trung tâm Phát triển Mỹ, lo lắng Tổng thống Trump giờ đây không còn nhiều sự lựa chọn để đối phó Triều Tiên. “Bước đột phá quá lớn. Ông Trump có thể cảm thấy mình bị dồn vào chân tường và không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến tranh”.

Ông Kim Jong-un gặp gỡ các nhà khoa học hạt nhân tại Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Tầm bắn của tên lửa Hwasong-14 có thể vươn đến tận Alaska. Đồ họa: SMH

Tiến thoái lưỡng nan

Euam Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế - Viện Lowy (Úc), đánh giá diễn biến mới nhất này là một thất bại nặng nề của chính sách đối ngoại Mỹ. “Triều Tiên đã vượt qua được lằn ranh mà Mỹ cố ngăn chặn bấy lâu. Vậy thì cấm vận có ích gì. Tăng thêm sức ép với Trung Quốc (TQ) và Triều Tiên để làm gì. Mỹ cần suy nghĩ lại” - ông Adam Mount nhận xét.

Washington bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan. Với sự đe dọa của ICBM, Mỹ hiện không thể chọn cách tiếp cận ngoại giao hòa hiếu mà ông Moon Jae-in đề xuất. Nhưng quyết định tấn công quân sự cũng sẽ “vô cùng thảm khốc và đi ngược lại lợi ích của Mỹ”, ông Graham cảnh báo. Thậm chí Mỹ nhiều khả năng sẽ phải học cách sống chung với một Triều Tiên hung hăng và có vũ khí hạt nhân. “Việc Washington chấp nhận liều thuốc đắng này chỉ còn là vấn đề thời gian” - Euam Graham nhận định và cho rằng nửa còn lại của năm 2017 sẽ vô cùng sóng gió.

Lo ngại Tổng thống Trump đưa ra các biện pháp cứng rắn vượt tầm kiểm soát, nhiều chính khách Mỹ đã lên tiếng đón đầu. Ông Edward Markey, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, kêu gọi ông Trump đưa ra một “chiến lược đối ngoại trực tiếp xuyên suốt với Bình Nhưỡng đồng thời tăng sức ép lên TQ”. Ông hy vọng tổng thống Mỹ hiểu “mối đe dọa này không thể giải quyết bằng quân sự. Hành động đơn phương chỉ làm căng thẳng leo thang khiến ông Kim Jong-un thêm tức giận và đẩy Mỹ đến thảm họa chiến tranh”.

Triều Tiên muốn gì?

Vụ phóng ICBM ngày 4-7 cũng làm dấy lên nhiều lo ngại Triều Tiên đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ đồng minh Mỹ- Hàn. Trả lời hãng tin CNBC, ông Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc (2004-2005), cho biết giới lãnh đạo Triều Tiên luôn nghĩ rằng hai miền chỉ có thể thống nhất một khi Mỹ buộc phải rút quân khỏi miền Nam bán đảo. Cựu đại sứ Mỹ cũng cho rằng Seoul hiện đã nắm trong tay sức mạnh quân sự đủ để đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc chấm dứt tập trận thường niên quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng không giúp giảm bớt mối đe dọa từ phía Bắc.

Ông Hill đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với phía Triều Tiên, từng dẫn đầu phái đoàn của Mỹ trong các cuộc đàm phán sáu bên năm 2005 xoay quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. “Tôi không nghĩ hành động này phục vụ cho việc đàm phán. Câu chuyện không phải về một nước nhỏ hiếu chiến thị uy vì lo sợ bị Mỹ tấn công. Rõ ràng vụ việc là một nỗ lực nhằm tạo ra cục diện mới, thúc đẩy Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên” - ông Hill nhận định. Cựu đại sứ Mỹ cho rằng việc Bình Nhưỡng tuyên bố cho cả thế giới biết mình đã nắm trong tay ICBM là để gửi đến Washington một lời đe dọa sắc lạnh. “Mục tiêu của họ là buộc tổng thống phải cân nhắc khả năng dân thường Mỹ bị giết hại hàng loạt nếu như một quả ICBM bắn trúng lãnh thổ nước Mỹ. Với rủi ro đó, tổng thống sẽ phải thêm do dự nếu Hàn Quốc kêu gọi hỗ trợ quân sự” - ông Hill nhận định.

Bài toán Trung Quốc

Ngay sau vụ phóng tên lửa ngày 4-7, TQ cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ông Euam Graham nhận định vụ việc chả khác gì “cái gai trong mắt” TQ. Ngày 5-7, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi Triều Tiên đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc dừng tập trận quân sự quy mô lớn trong bối cảnh họ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng đang tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Dẫu vậy rõ ràng các sức ép từ Bắc Kinh không đủ để kìm hãm Bình Nhưỡng. Ông Euam Graham cảnh báo: “Kim Jong-un đã đạt được cột mốc ICBM. Điều này cho thấy những động thái của TQ và các sắc lệnh trừng phạt tương lai của LHQ cũng sẽ không cản nổi ông ấy”.

Còn theo ông Christopher Hill, giờ đây Washington cần có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Bắc Kinh để đối phó mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Cho đến nay các nỗ lực gây áp lực theo ông Hill vẫn còn quá nhẹ nhàng và nhỏ lẻ với đa phần là các cuộc điện đàm trực tiếp từ ông Trump. Trong khi đó các cuộc gặp gỡ và các kênh phối hợp hoạt động cấp cao vẫn còn ít ỏi.

“Vấn đề của chính phủ ông Trump là họ chỉ xem TQ như một đầu mối đặt hàng, họ chỉ nêu vấn đề và trông chờ vào TQ tự tìm ra cách thức giải quyết” - ông nhận định. Theo cựu đại sứ Mỹ, nếu như Mỹ và TQ thật sự hợp tác để giải quyết bài toán Triều Tiên, chứ không phải một Bắc Kinh chịu sức ép một chiều từ Washington thì còn có hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un “suy nghĩ lại”.

Kết luận còn mâu thuẫn

Dù Mỹ đã lên tiếng xác nhận Hwasong-14 là một ICBM, các kết luận từ phía Nga lại cho rằng tên lửa Triều Tiên chỉ mới đạt tầm trung. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa phóng ngày 4-7 chỉ bay được 535 km, đạt tầm cao 510 km và rơi xuống biển Nhật Bản. “Vụ phóng được thực hiện có hướng bay ra xa khỏi biên giới Nga, không đe dọa Liên bang Nga” - Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Trong khi đó, phía Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng liệu tên lửa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử vào ngày 4-7 có chính xác là một ICBM hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm