Phát hiện vi khuẩn đến từ sao Hỏa?

Truyền thông quốc tế dẫn nguồn tin từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tối 28-9 cho biết các nhà khoa học thuộc NASA đã công bố các bức ảnh chứng minh sự tồn tại của nước ở thể lỏng trên sao Hỏa. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận việc có nước trên sao Hỏa, sau rất nhiều giả thuyết và dự đoán trước đó.

Tại sao tin có sự sống trên sao Hỏa?

Giải thích lý do tại sao người ta tin rằng có sự sống trên sao Hỏa, tờ Business Insider chỉ ra bốn luận điểm chính. Thứ nhất, sao Hỏa từng trông rất giống Trái đất. Nhà sinh học vũ trụ Jennifer Eigenbrode của NASA phát biểu tại hội nghị Humans to Mars hồi tháng 5-2015 rằng nhận thức của con người về sao Hỏa đã thay đổi đáng kể sau nhiều thập niên qua. Hiện nay người ta thấy rằng sao Hỏa giống một không gian toàn đá. Nhưng có các bằng chứng cho thấy sao Hỏa từng trông rất giống Trái đất hàng tỉ năm về trước.

Có thể sao Hỏa từng được bao phủ bởi đại dương rộng lớn hơn cả phần đại dương bao phủ Trái đất hiện nay. Ngoài ra, một số bằng chứng khác cho biết nhiệt độ trên sao Hỏa đã từng ấm hơn so với nhiệt độ hiện nay trên hành tinh này. Bên cạnh việc có nước thì khí hậu ấm áp là điều kiện tiên quyết cho sự sống phát sinh, nảy nở. Vì thế Jennifer Eigenbrode cho rằng từng có sự sống trên sao Hỏa nhưng sau đó đã chết đi vì điều kiện sống thay đổi. Hoặc sự sống đã “tiến hóa” theo một quy luật nào đó khác với sự phát triển của sự sống trên Trái đất. Có thể sự sống ấy đang “ẩn khuất” đâu đó mà không ai tìm thấy. Tờ QZ.com cũng cho rằng “nếu có sự sống trên hành tinh Đỏ, rất có thể sự sống tồn tại bên dưới bề mặt của hành tinh và các thiết bị khảo sát không gian của NASA, như tàu do thám Curiosity Rover, cũng khó có khả năng nhìn thấy”.

Thứ hai, sự sống đã có thể tồn tại ở những nơi rất khắc nghiệt trên Trái đất. Sự sống tồn tại ở những nơi không thể tin được trên Trái đất. Ví dụ như sinh vật vẫn tồn tại và phát triển mạnh ở hoang mạc Atacama, nơi từ 10 đến 15 năm mới có mưa một lần. Các loài nấm phát triển mạnh trong môi trường bị nhiễm xạ Chernobyl. “Sự sống tồn tại ở tất cả thái cực trên Trái đất. Mỗi khi chúng tôi nghĩ rằng không thể có sự sống ở một nơi nào đó thì ngay sau đó chúng tôi chứng minh được quan điểm đó là sai lầm” - Eigenbrode nói. Thế nên sự sống có thể tồn tại ở một nơi nào đó trên sao Hỏa, vấn đề là các robot hiện đại cũng chưa thể tiếp cận hay phát hiện.

Thứ ba, một số thành tố tạo nên sự sống có trên sao Hỏa. Các nhà khoa học đã tìm thấy một số thành phần cần thiết cho sự sống trên sao Hỏa, trong đó có nitơ cố định (một phần quan trọng của các acid amin), carbon monoxide (một nguồn năng lượng cho một số vi khuẩn) và gần nhất là các phát hiện về tinh thể muối, nước thể lỏng trên bề mặt sao Hỏa.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cho rằng con người chỉ mới “nhìn” chứ chưa “động chạm” gì đến sao Hỏa, ngoại trừ một vài vết khoan nhỏ (khoảng 7,6 cm) do tàu do thám Curiosity Rover tạo ra. “Các mẫu đất trên sao Hỏa mà tàu do thám Curiosity Rover mang về chưa cho thấy dấu hiệu sự sống. Nhưng đất sao Hỏa có chứa perchlorate và một khi tàu do thám Curiosity Rover thu mẫu đất, perchlorate bị nung nóng sẽ phá hủy chất hữu cơ có trong mẫu đất” - nhà sinh vật học vũ trụ thuộc NASA Pamela Conrad cho hay. Thế nên theo các nhà khoa học NASA, cần phải khoan sâu xuống lòng sao Hỏa để có thêm căn cứ về sự sống ở hành tinh này. Thậm chí họ cho rằng phải có một phòng thí nghiệm do con người điều hành trực tiếp trên hành tinh đỏ, vì con người linh hoạt hơn, thành thạo hơn, xử lý chuyện khảo sát tốt hơn các robot.

Tàu do thám Curiosity Rover của NASA đã chụp lại được hình ảnh một vật thể được cho là giống với tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh bị rơi trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA

Nhiều nhà nghiên cứu đang cố gắng chứng minh sự sống trên sao Hỏa. Trong ảnh: Phi hành gia người Mỹ Scott Kelly. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều thập niên tìm kiếm và hy vọng

Tờ Mirror dẫn lại các bức ảnh của NASA khiến không ít người tò mò và hoài nghi về sự sống trên sao Hỏa, điển hình như ảnh chụp vật thể giống với tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh bị rơi trên bề mặt sao Hỏa; ảnh chụp vật thể giống người phụ nữ tóc dài, diện trang phục màu đen đi lại trên bề mặt sao Hỏa; hình ảnh một vật thể giống hệt kim tự tháp trên sao Hỏa…”. Dù là các phát hiện trông có vẻ “đơn giản” nhưng đây đều là những bước tiến mà NASA phải hao tốn hàng tỉ USD. Thậm chí NASA từng đưa ra dự án đưa người lên sao Hỏa đầy tranh cãi. Suốt những năm qua, không ít lần các nhà khoa học thuộc NASA đưa ra các bằng chứng (dù chưa đủ tính thuyết phục) về sự sống trên sao Hỏa. Tờ Dailymail dẫn nguồn từ NASA cho rằng rất có thể sự sống đã từng tồn tại trên sao Hỏa, điển hình như các sinh vật sống trong lòng hồ.

Thậm chí họ còn đặt giả thuyết thực vật và một số sinh vật có khả năng quang hợp theo một cơ chế phức tạp trên sao Hỏa. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia do TS Imre Friedmann đứng đầu về thiên thạch Hỏa tinh ALH840 có độ tuổi 4,5 tỉ năm, được tìm thấy năm 1984 ở Nam cực, cho thấy trong thiên thạch có các chuỗi hợp chất carbon và tinh thể từ tính, rất có thể là dấu vết của vi khuẩn đến từ sao Hỏa. Peter Buseck, ĐH Quốc gia Arizona và các đồng sự đã phản bác nghi vấn này. Tuy nhiên, Thomas-Keprta, thuộc Trung tâm Không gian Johnson của NASA, sau khi so sánh các mẫu đá sao Hỏa với các thiên thạch khác thì cho rằng giả thuyết về các vi khuẩn được tìm thấy trong ALH840 là hoàn toàn khả dĩ.

Sau công bố của NASA về nước dạng lỏng trên sao Hỏa, Michael Meyer, nhà khoa học dẫn đầu chương trình thăm dò sao Hỏa của NASA, nói với Guardian: “Giờ đây chúng tôi biết rằng trên hành tinh lạnh và hoang sơ như sao Hỏa có nước ở dạng lỏng. Càng nghiên cứu về sao Hỏa, chúng tôi càng hiểu hơn sự sống được hình thành như thế nào và đâu là nơi có thể hỗ trợ sự sống trong tương lai”.

Cuộc tranh luận chưa ngừng nghỉ

Tuy không ít bằng chứng được NASA và nhiều nhà khoa học khác đưa ra cho rằng có sự sống hoặc ít nhất là từng có sự sống trên sao Hỏa thì một phần không nhỏ các nhà khoa học khác cho rằng các phát hiện của NASA là “chuyện bình thường” và không thể khẳng định về sự sống trên hành tinh đỏ. Một vài lý do điển hình được đưa ra, bao gồm các so sánh: Trái đất được một “tấm chăn” - khí quyển - bảo vệ sự sống khỏi sự tấn công của bức xạ nguy hiểm hiện diện khắp cả không gian, trong khi sao Hỏa hoàn toàn không có khí quyển tương tự và bề mặt hành tinh đỏ luôn bị các đợt bức xạ bắn tỉa, tấn công dữ dội.

Nhiệt độ trung bình ở nơi lạnh nhất Trái đất là -58 độ F, trong khi nhiệt độ trung bình ở mọi nơi trên bề mặt sao Hỏa là -80 độ F. Trong khi sinh vật ở Trái đất có điều kiện để phát triển mạnh thì ở sao Hỏa mọi thứ đều bị đông lạnh, khô cứng, cằn cỗi. Thậm chí khí methane được phát hiện trên sao Hỏa - điều khiến nhiều nhà khoa học tin rằng đây là sản phẩm của sinh vật nào đó từng sống trên sao Hỏa hàng triệu năm trước - cũng được một số nhà khoa học chứng minh đây đơn thuần là sản phẩm phản ứng hóa học giữa đá núi lửa và khí quyển trên sao Hỏa.

Cho đến nay, dù đưa robot lên tận bề mặt sao Hỏa và lấy mẫu đất, hình ảnh thực địa,… nhưng vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào thật sự thuyết phục rộng rãi về sự sống trên hành tinh đỏ. Chứng cứ có vẻ rõ ràng nhất đó là thiên thạch ALH840 được cho là xuống Trái đất từ sao Hỏa cách đây 13.000 năm - có chứa các dấu hiệu mà NASA cho rằng là vi khuẩn cổ đại trên sao Hỏa nhưng cũng bị các nhà khoa học Anh bác bỏ vì thiếu cơ sở.

Điều đáng lưu ý nhất là nhóm nghiên cứu của Thomas-Keprta đã chỉ ra sáu tính chất đặc thù của một tinh thể hữu cơ (sự sống), mà sau này TS Friedmann, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, khi nói về thiên thạch đến từ sao Hỏa ALH840 cho rằng: “Các tinh thể (trong ALH840) hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí hình thành nên các chuỗi sinh học. Tôi tin rằng đây là bằng chứng quan trọng cho thấy vi khuẩn sao Hỏa có trong mảng thiên thạch ALH840”. Vị này nói thêm: “Tôi không biết các đồng nghiệp của tôi sẽ phản ứng ra sao trước kết luận này nhưng theo tôi, sẽ không có ai có đủ lý do để nghi ngờ kết luận chúng tôi đưa ra. Các bằng chứng hiện rất thuyết phục. Các con vi khuẩn trong mảng thiên thạch có môi trường sống rất khác với Nam cực - nơi mảng thiên thạch được phát hiện, tức chúng đến từ sao Hỏa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm