Tản mạn sông quê

Con sông Cái xưa có chiều rộng đến ba cái sào thuyền, dài vài km, chảy song hành theo điền trang Tri Chỉ thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đứng ở đầu cầu thả tầm mắt, dòng sông Cái như chiếc đòn gánh bạc màu cong cong mang nặng trên đầu hai vựa lúa vàng óng.

Tản mạn sông quê ảnh 1

Một góc dòng sông Cái ngày nay đã bị thu hẹp. Ảnh: Thái Hà

Ngày trước, chưa có đê ngăn sóng, thuyền bè đi lại thông thương, chiều chiều những cánh buồm nâu căng gió từ biển rộng chạy vào như những cánh bướm khổng lồ chập chờn trên sóng lúa. Sông Cái xưa có tên là dòng Xích giang, là tên trong tiền sử. Theo các cụ kể lại, “Xích” là đỏ, có thể dòng sông mang nặng phù sa, thắm đỏ hay trong chiến thắng oanh liệt “Thủy chiến cửa Đại Bàng”, máu giặc Nguyên Mông đã nhuộm đỏ dòng sông nên người dân đặt tên như thế. Xích giang đi vào truyền thuyết khi triều đại nhà Trần cắm đất Tri Chỉ làm trang ấp ban cho các tướng sĩ có công gìn giữ giang sơn, mở mang bờ cõi.

Tản mạn sông quê ảnh 2

Ngôi đình thờ hai tướng quân Trần Đông và Trần Điển từng sát cánh cùng quân dân nhà Trần cứu giá vua và đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược cửa biển Đại Bàng. Ảnh: Thái Hà

Ngày còn nhỏ, mỗi khi hè về, trẻ trâu chúng tôi chơi trò quân xanh, quân đỏ, mở trận vượt sông, có những đứa mới bơi ra đến giữa dòng sông đã mệt nhoài, may có bác quăng chài chao vớt mới thoát nạn. Những đứa bạn gái chân yếu tay mềm chỉ thích chơi thả thuyền bằng lá cây vông; những chiếc lá vông như hình trái tim nối đuôi nhau dập dềnh trôi dạt.

Dòng sông Cái thuỷ chung, chiu chắt con cá, con tôm như của hồi môn sông mẹ trao con. Sông Cái thông nước với biển nên rất nhiều cá, lũ trẻ chúng tôi thường theo người lớn đi úp nơm. Lần nào đi úp nơm cũng được cá, có những lần được cá to, đầu cá đóng chặt miệng nơm trên, đuôi còn chờn vờn ra ngoài miệng nơm dưới. Người dân quê tôi thường bảo nhau “Tháp Mười đã hơn gì sông Cái quê ta”.

Tản mạn sông quê ảnh 3

Bến sông quê. Ảnh: Thái Hà

Những buổi chiều mở cống Cái đưa nước vào cánh đồng, vực trong cống như ngày hội “nghề bắt cá”, xăm, te, vó, lưới bao nhiêu thứ đồ nghề chen nhau thao tác, vòng trong, vòng ngoài. Tiếng nói, tiếng cười âm vang cả một khúc sông vùng bãi.

Người vùng biển có biệt tài cất vó ngửa. Họ bơi đứng hàng giờ ở độ sâu vài ba mét nước, dìm cái vó ngầm dưới nước ở tư thế ngửa, thi thoảng dùng sức cất cái vó lên cũng ở tư thế ngửa, vớ đàn cá ăn nổi, kiếm được cả hàng yến cá. Những buổi bãi ngoài rặc nước, một đạo quân hùng mạnh già, trẻ, gái, trai lưng mang những cái giỏ bồ, vai vác những chiếc cần câu dài trông như một đơn vị thông tin hành quân. Dân làng tôi đi câu con cáy, con còng về làm mắm ăn, thứ đặc sản nổi tiếng tới bây giờ. Rồi mùa tháng mười gặt hái, nước tháo kiệt đồng, cá tôm dắt cạn phơi trắng ruộng. Ngày 10-10 Tết cơm mới, toàn dân đi đánh cá sông cứ vui vẻ như trảy hội.

Tản mạn sông quê ảnh 4

Mỗi khi có mưa, cá ngược dòng nhiều là lúc người dân đi cất vó bắt cá. Ảnh: Thái Hà

Những lúc ngồi ngắm trăng thu, hồi tưởng về sông quê, âm thanh, màu sắc đến xốn xang, tôi nghe rất rõ tiếng cá đớp mồi tơm tớp dưới tán cây sú bần bên lạch nước; tiếng tôm búng lao xao mặt nước, tiếng cá vược đuổi mồi phá vỡ vầng trăng trong đáy nước sóng sánh, cả dòng sông như có ai dát vẩy vàng, vảy bạc và triệu triệu tinh tú mênh mang cả một vùng sông nước bãi triều.

Sóng nước dòng sông êm đền cứ thì thầm muôn thưở, như tiếng ru hời à ơi con trẻ. Bao mùa mưa, bao mùa măng tre cóc cọc, những đứa trẻ chúng tôi đã lớn lên theo thời gian cùng dòng chảy sông quê. Có người trở thành ngư dân gắn bó với sóng gió quê biển, có người là kỹ sư, bác sĩ, là chiến sĩ công binh nối cầu cho những dòng sông; anh lính phòng không buông diều chạy dọc hai bờ sông Cái cho nhiễu loạn đường bay của máy bay giặc Mỹ từ biển đông vào đánh phá Thị xã Thái Bình…

Tản mạn sông quê ảnh 5

Nét hồn nhiên tuổi thơ. Ảnh: Thái Hà

Chúng tôi ra đi trên khắp các nẻo đường đất nước, đều bắt đầu từ bến sông quê, sau nhiều thập kỷ, ngày trở về với dòng sông quê không thể đủ đầy bè bạn, ngồi với nhau ngẫm suy về dòng sông quê xưa và nay mà thấy cay cay khóe mắt.

Ra đi từ dòng sông Cái, có người bạn già trở về thăm quê, cứ tần ngần, bỡ ngỡ như tưởng mình lạc lối. Quê hương tôi đổi thay đến chóng mặt, tất cả các tuyến đường giao thông trong xã được nhựa hóa, bê tông hóa, nhà mái bằng, nhà cao tầng mọc lên san sát như những bức tường thành che khuất cảnh làng quê. Ngôi đình Cả là một trong 13 ngôi đình của cả tỉnh Thái Bình còn giữ được các nét văn hoá cổ xưa ẩn khuất ở ngã tư làng càng tăng thêm nét cổ kính cho quê biển.

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, giờ đây, ngày ngày đi bên dòng sông Cái, ký ức xưa về dòng sông Cái êm ả thanh bình, cá tôm đầy ắp cứ cuộn về trong tôi.

Theo Vũ Đình Chuồi (QĐND Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm