Trại giam Đắk Trung, những người còn ở lại - Kỳ 2: Theo mẹ vào tù

Chiều tối, phân trại nữ phạm nhân của trại giam Đăk Trung rộn rã hơn bởi tiếng nô đùa, cười nói bi bô của hai đứa trẻ. Năm nay Xu và Ken đều tròn 2 tuổi. Hai thiên thần nhỏ lớn lên bằng tình yêu thương của mẹ và những cán bộ trong trại giam Đăk Trung (Đăk Lăk) thuộc Bộ Công An.

“Vào trại, thấy hai vạch em xỉu luôn”

Nguyễn Thị Văn và bé Xu. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Lời bộc bạch của nữ phạm nhân Nguyễn Thị Văn khiến nhiều người không khỏi bật cười chua xót vì sự thật thà của người mẹ trẻ. Văn là một trong hai nữ phạm nhân nuôi con nhỏ đang chấp hành án tại trại giam Đăk Trung.

Sinh năm 1992, đã là mẹ của 3 đứa trẻ nhưng Văn vẫn khiến bao người xao xuyến bởi nét đẹp dịu dàng. Văn quê ở Quảng Nam. Em nói chuyện rất duyên, chiếc răng khểnh khiến nụ cười của nữ phạm nhân càng trở nên rạng rỡ. Nhưng chỉ khi nhìn vào đôi mắt em, người ta mới nhận ra thăm thẳm nỗi buồn.

Bé Xu, con gái Văn năm nay 2 tuổi, nói còn chưa sõi. Thấy mẹ chào, bé cũng bắt chước nhìn sang cán bộ bên cạnh “ào bộ” (chào cán bộ) và quay sang tôi cúi đầu “ào cô” (chào cô). Văn kể chuyện từ khi bé cất tiếng khóc chào đời đến nay, Xu chưa một lần biết mặt cha.

Văn bị bắt vào một ngày cận Tết về tội trộm cắp tài sản. “Vào trại mấy ngày, cán bộ cho đi kiểm tra, thấy hai vạch em xỉu luôn. Thời gian đó em suy sụp, không ăn uống được gì, rồi bị động thai. Lúc đó em không biết phải sinh con, nuôi con như thế nào trong những ngày tháng tới. Sợ em nghĩ quẩn, dạo đó bố mẹ em vào thăm đều đều. Rồi được bố mẹ, cán bộ động viên, em quyết định giữ con lại nuôi. Những ngày tháng trong tù, con là động lực để em cố gắng sớm cải tạo tốt đưa con về với gia đình”, Văn kể chuyện.

Ôm chặt con vào lòng, Văn chậm rãi kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Học hết lớp 9, thi không đậu vào THPT Lê Quý Đôn nên Văn nghỉ đi học nghề. 17 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của người con gái, Văn bước chân vào nhà chồng bắt đầu cuộc sống làm mẹ, làm vợ.

Mẹ chồng không thương đã đành, chồng còn trẻ tuổi lại nghe lời mẹ nên cũng thờ ơ với vợ. Anh là lái xe, kiếm được bao nhiêu Văn chẳng biết vì anh đưa hết cho mẹ. Sau này con cứng hơn chút xíu, Văn xin đi làm công việc kiểm kê quần áo, lương tháng 2,5 triệu.

Vì con còn nhỏ không thể đi xa nên chẳng có thêm được đồng nào. Cô gửi mẹ chồng 1 triệu tiền ăn, còn lại để lo cho gia đình, tằn tiện vun vén vậy mà còn thiếu trước hụt sau. Nhà cách chỗ làm 30 cây số, ngày hai bận đi về hết 6.000 đồng xe buýt nhưng có những ngày Văn chẳng còn một đồng trong túi, phải đi xe quá giang nhờ.

“Ngày mồng 2 Tết, gia đình chồng sang nhà em, mẹ chồng nói khéo, đại ý là trả dâu. Em về ở với bố mẹ đẻ…”, Văn ngậm ngùi.

Người mẹ trẻ bắt đầu sa chân khi bắt đầu cuộc sống ly thân, phải nuôi con nhỏ.

Văn nhớ lại: “Đợt đó bạn em qua phòng trọ thấy ăn uống kham khổ quá nên rủ đi trộm. Có đợt, trộm được nhiều, bạn cho hẳn 600-800.000 đồng.  Đồng tiền làm em mờ mắt, rồi quen tay…Em bị bắt vào một ngày cận Tết. Vào trại em mới biết có bé Xu, đó là con của người đàn ông sau này".

Người đó có biết là con anh ta không - chúng tôi hỏi.

Văn đáp: "Em không biết …Chắc là anh biết, chắc là bạn em sẽ kể. Nhưng chưa một lần anh ấy vào trại thăm hai mẹ con em. Em về trại Đăk Trung khi con chưa được một tháng tuổi. Ngày đó con yếu, nếu không có các cán bộ chăm sóc, tạo điều kiện giúp đỡ em không biết xoay sở như thế nào”.

“Mẹ xin lỗi con!”

Nguyễn Thị Phượng và bé Ken. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Nguyễn Thị Phượng là mẹ của bé Ken. Năm nay chị mới ngoài 30 tuổi, cũng vào đây vì tội trộm cắp tài sản. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi thi thoảng bị đứt quãng bởi cậu bé Ken hiếu động. Ken quậy là vậy nhưng rất nghe lời mẹ, mẹ chỉ cần hắng giọng: “Ken, hư” là Ken dừng ngay. Chị bảo con hư sẽ đánh, nhưng mỗi lần đánh con xong chị lại ôm con khóc xin lỗi.

“Đánh con xót lắm, nhưng mình phải nghiêm khắc với con từ nhỏ, chỉ mong rằng sau này con đừng sa chân như mẹ”.

May mắn hơn Văn, ngày chị sinh chồng khăn gói lên thăm nuôi một tháng trời tại bệnh viện Khánh Hòa. Chỉ vào chiếc vòng bạc nơi cổ tay con, chị bảo: “Đó là quà của bố tặng Ken”. Nhưng những chuyến thăm nuôi sau đó thưa thớt dần. Đã một năm nay, anh ta bặt vô âm tín.

“Cũng có lúc hận ảnh. Nhưng giờ mình trong này, sao bảo người ta chờ. Thấy chị em nhận được thư chồng, quà thăm nuôi mà trào nước mắt. Thương mình một, thương con mười!”.

- Ken ơi Ken!

Trên tầng cao, tiếng vài người phụ nữ vọng xuống. Ở góc sân, Ken nắm tay Xu đùa nghịch, khúc khích cười. “Ở đây mọi người thương hai bé lắm!”, chị Phượng ngước nhìn về phía tiếng gọi mỉm cười. “Vòng bạc trên cổ Ken, bộ quần áo Ken mặc cũng là cán bộ mua tặng. Cán bộ thương Ken lắm!”, chị Phượng kể.

Vào trại giam, cũng có đường, có sữa, có áo quần đẹp cho con mặc. Ngày Tết, 1-6, các con cũng được mừng tuổi như bao đứa trẻ khác ngoài kia. Thậm chí, ở phân trại nữ phạm nhân, chỉ có 2 đứa trẻ nên Ken và Xu cũng được cưng chiều yêu thương hết mực. Bao yêu thương của những người mẹ xa con trao hết cho hai thiên thần nhỏ.

Nhưng chưa một ngày chị nguôi khát vọng trở về. “Ngày trước từng có người bảo muốn nuôi con, sẽ cho con điều kiện tốt nhất, thậm chí còn hứa không lấy chồng ở vậy suốt đời nuôi Ken. Nhưng tôi bảo, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, mình sẽ nuôi con trưởng thành. Con năm nay 2 tuổi rồi, con còn đi học”.

***

Tạm biệt hai đứa trẻ để ra về, ám ảnh trong tôi vẫn là ánh mắt hồn nhiên của Xu và Ken sau song sắt của ô cửa sổ. Như khát khao của những chú chim nhỏ muốn tìm về với bầu trời.

Ngày 2-9 vừa qua, Nguyễn Thị Văn là một trong số phạm nhân có quá trình cải tạo, ý thức kỷ luật tốt được giảm án.

“Ngày biết mình có tên trong danh sách xét duyệt giảm án, cả đêm em thao thức không ngủ được. Mai mốt về, em sẽ mượn bạn ít tiền cho con đi học, rồi xin bố mẹ đẻ ít vốn mở quán ăn làm kế sinh nhai. Hai mẹ con đếm từng ngày mong trở về nhà chị ạ!”, Văn kể chuyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm