Trung Quốc muốn hồi sinh ‘siêu tàu kho đạn’

Tạp chí Popular Science (Mỹ) chuyên về khoa học công nghệ đầu tháng 6 cho biết Trung Quốc (TQ) dường như đang âm thầm phát triển các “siêu tàu kho đạn”, những tàu có khả năng mang theo hàng trăm tên lửa dẫn đường, nã mưa tên lửa vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền. Những thông tin rò rỉ trên các trang mạng TQ gọi tên chúng là “vũ khố hạm”. Loại chiến hạm này từng được các nhà lý thuyết quân sự Mỹ thời hậu Chiến tranh lạnh mơ mộng. Nhưng với Liên Xô đã tan rã, ý tưởng này cũng không được hiện thực hóa do chi phí lớn và siêu cường Mỹ không tìm thấy một đối thủ xứng tầm để đầu tư lớn, trang Popular Mechanics cho biết.

Cố mộng không thành

Ý tưởng về việc chế tạo một siêu tàu kho đạn bắt nguồn từ một bài viết của tập đoàn nghiên cứu quốc phòng RAND (Mỹ) vào năm 1993. Theo trang Beowulf Defense and Security, trong bài viết có tựa đề “Phép tính mới: Phân tích vai trò đang thay đổi của không lực trong các chiến dịch chung”, các tác giả của RAND cho rằng một cuộc xâm lược bằng bộ binh có thể bị chững lại nếu 20% phương tiện của lực lượng xâm lược bị phá hủy bằng các vũ khí có độ chính xác cao. Theo họ, trong khi máy bay sẽ mất vài ngày làm được điều này, chỉ cần một tàu chiến phóng được một số lượng khổng lồ tên lửa thì sẽ đạt được hiệu quả mong muốn nhanh chóng.

Đây là một trong các khái niệm được xem xét trong giai đoạn hải quân Mỹ tiến hành các cuộc nghiên cứu để lựa chọn một lớp tàu mới vào những năm 1990. Bên cạnh các chương trình như tác chiến bề mặt trong thế kỷ 21 (SC21), Mỹ đã khởi động chương trình siêu tàu kho đạn vào ngày 18-3-1996 với sự hợp tác giữa hải quân Mỹ và Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA). Hải quân Mỹ lúc bấy giờ cho rằng các siêu tàu kho đạn sẽ có khả năng chở một loạt tên lửa Tomahawk hay Standard, cùng 500 ống phóng tên lửa thẳng đứng mà chỉ cần một nhóm thủy thủ đoàn 50 người. Thiết kế giúp tăng đáng kể hỏa lực mà không chịu gánh nặng về hậu cần, được kỳ vọng ra phiên bản chạy thử vào năm 2000. Tuy nhiên, sau vài giai đoạn, chương trình này đã chính thức bị hủy bỏ vào ngày 24-10-1997 do chuyển ngân sách cho dự án SC21 giàu tham vọng hơn.

Theo Popular Science, ý tưởng này không được Washington xúc tiến một phần vì hải quân Mỹ vào thời điểm đó không đối mặt trước đối thủ nào thật sự đáng gờm trên đại dương. Đồng thời, các tàu này cũng không giúp ích mấy khi Mỹ tham chiến ở các quốc gia nằm sâu trong lục địa như Afghanistan hay Iraq.

Ý tưởng về các siêu tàu kho đạn được đưa ra đầu tiên bởi các nhà nghiên cứu của Mỹ. Ảnh: POPULAR MECHANICS

Thiết kế một mẫu “vũ khố hạm” bán ngầm được rò rỉ trên các trang mạng của Trung Quốc. Ảnh: NSFC

Biến thể của Trung Quốc

Theo một số thông tin rò rỉ trên các trang mạng quân sự, TQ dường như đang ấp ủ ý định hồi sinh cho ý tưởng “chết yểu” theo kiểu riêng mình: “Vũ khố hạm” dạng tàu ngầm hoặc bán ngầm. Theo trang Popular Science, TQ đã bắt đầu phác thảo các siêu tàu kho đạn có khả năng mang hàng trăm tên lửa đạn đạo với hai biến thể là chìm và bán nổi. Mục đích nhằm đối phó các mạng lưới săn ngầm dày đặc của hải quân đối thủ. Thiết kế này được cho là dựa trên ý tưởng ban đầu của hải quân Mỹ.

Theo Popular Mechanics, trong những năm gần đây các thiết kế về “vũ khố hạm” ngầm và bán ngầm đã được giới nghiên cứu quân sự TQ đề xuất, trong đó có thiết kế của cố GS Đổng Văn Tài. Ông Đổng đã nhận được bốn giải thưởng quốc gia nhờ vào nghiên cứu này. Vị giáo sư đã bàn nhiều về mô hình này trong hàng loạt cuộc phỏng vấn của các đài truyền hình TQ. Ông thậm chí vẫn nghiên cứu dự án vào những tháng ngày cuối cuộc đời.

Sau khi GS Đổng mất vào tháng 1-2016, ý tưởng được ông khai sinh tiếp tục được giới khoa học TQ nghiên cứu, mở đường cho việc phát triển các chiến hạm tương lai của Bắc Kinh. Trong số đó có nhà khoa học kỳ cựu Mã Vĩ Minh đã tiến hành một dự án tương tự được cho là dựa trên thiết kế của GS Đổng, theo trang East Pendulum. Ông Mã về cơ bản nghiên cứu một loại “vũ khố hạm” bán ngầm có hầu hết phần thân tàu chìm dưới mặt nước. Thiết kế này nhằm tránh tàu bị radar địch phát hiện và mang được một số lượng khổng lồ vũ khí khi tham gia chiến đấu trong bán kính gần 1.000 km.

Chiến binh đắc lực biển khơi?

Tàu chiến có số ống phóng tên lửa lớn nhất thế giới hiện nay là tàu khu trục tên lửa dẫn đường “Sejong vĩ đại” của Hàn Quốc. Tàu này có lượng choán nước 11.000 tấn và 128 ống phóng tên lửa. Giả sử mỗi “vũ khố hạm” của TQ lớn gấp hai lần tàu Sejong và các bộ phận như pháo 127 mm, khoang chứa trực thăng, khu vực đáp máy bay bị loại bỏ, các “vũ khố hạm” TQ có thể sẽ có hơn 300 ống phóng tên lửa.

Hai loại “vũ khố hạm” mà TQ âm thầm phát triển đều có lượng choán nước xấp xỉ 20.000 tấn. Thiết kế đầu tiên là một “vũ khố hạm” hoàn toàn chìm dưới mặt nước của GS Đổng, được ông gọi là thiết bị xuyên sóng bằng cánh tốc độ cao (HSWPVW). Loại tàu này được quỹ khoa học tự nhiên quốc gia TQ (NSFC) đề cập lần đầu tiên trong một báo cáo năm 2009.

Báo cáo này mô tả tàu hoạt động theo các phương thức khác nhau, gồm “ngầm, bán ngầm và nổi” với khả năng “thay đổi phương thức di chuyển trực tiếp và nhanh chóng”. Như vậy, thiết kế này có thể di chuyển dưới nước hoặc lướt trên mặt nước với tốc độ cao nhờ vào cấu trúc đáy tàu phẳng và bốn vây lái đặc biệt.

Trong một thiết kế khác, một “vũ khố hạm” bán ngầm sẽ có phần lớn tàu chìm dưới nước khi di chuyển để tránh khả năng bị phát hiện từ xa. Hai đài chỉ huy nhô lên khỏi mặt nước nhìn từ xa sẽ giống hai chiếc xuồng nhỏ. Hai đài chỉ huy này được trang bị ống thở, kính tiềm vọng và ăngten liên lạc.

Khi tác chiến, một phần bong tàu sẽ nổi lên để phóng tên lửa. Nhằm đuổi kịp các tàu nổi và do không thể kéo dài quá lâu dưới nước, thiết kế này sẽ hoạt động tương tự các tàu ngầm trong Thế chiến II, tức phần lớn thời gian hải trình sẽ di chuyển nổi lên khỏi mặt nước và chỉ lặn sâu khi chiến đấu hoặc bị tấn công.

Popular Science nhận định các siêu tàu kho đạn sẽ cho phép hải quân TQ tăng hỏa lực đáng kể mà không phải đầu tư những núi tiền cho tàu sân bay, tàu khu trục và tàu tuần dương. Chỉ một tàu đã có thể mang hàng trăm tên lửa hành trình để nã mưa tên lửa phá hủy mục tiêu, điều mà trước đây chỉ có tàu sân bay mới có thể làm được.

Các “vũ khố hạm” được đánh giá là những chiến mã được dùng cho chỉ một mục đích: Chiến tranh - nã hàng trăm tên lửa vào một mục tiêu duy nhất, dù mục tiêu đó là một hạm đội của địch hay cả một quốc gia. Loại tàu này sẽ không thể thực hiện các sứ mệnh chống cướp biển, tác chiến chống ngầm… Khi thực hiện 3-4 sứ mệnh trong các chuyến hải trình sáu tháng liền, việc sử dụng “vũ khố hạm” sẽ không hiệu quả. Không loại trừ khả năng TQ phát triển thiết kế không quá đắt đỏ này nhằm sở hữu một biện pháp răn đe chiến lược trên biển.

Sắp “hồi sinh” thành công?

Theo trang tin Task & Purpose, các nhà khoa học thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Trung và ĐH Công nghệ Hải quân TQ đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu các “vũ khố hạm” bán ngầm và cũng đã được trao một số giải thưởng cấp quốc gia.

Hiện không rõ TQ đã đạt được những bước tiến gì trong việc thiết kế các chiến hạm này. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ TQ đã thử các mô hình mẫu từ năm 2011, đồng thời một “vũ khố hạm” hoàn chỉnh đang được đóng bởi tập đoàn công nghiệp đóng tàu Bột Hải (TQ) và dự kiến được hạ thủy vào năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm