Xâm nhập “vùng biển chết“- Bài 2: Số phận bi thảm của tàu Hoàng Sơn 16

 Chuyến hải trình định mệnh

Tháng 4-2006, tàu Hoàng Sơn 16 ở Hải Phòng nhận được hợp đồng vận chuyển than đá từ Quảng Ninh đến Cảng Sài Gòn. Con tàu được đóng mới năm 2004 với tổng giá trị năm tỷ đồng, cao ba tầng, có chiều dài 60 m, rộng hơn 9 m.

Ngay khi rời Hải Phòng đi bốc hàng, con tàu này đã gặp điềm gở. Theo thông báo hàng hải của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải khu vực I, tàu Hoàng Sơn 16 bị mắc cạn cùng với một con tàu khác cũng mang tên Hoàng Sơn tại khu vực giữa phao P15 và P13 luồng Phà Rừng - Hải Phòng. Sau đó, con tàu được giải cứu. Đến cuối tháng 6-2006, tàu Hoàng Sơn 16 mới ra được cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh) bốc 1.000 tấn than đá và nhổ neo, bắt đầu hành trình về phương Nam.

Ngày 29-6-2006, Hoàng Sơn 16 cùng thủy thủ đoàn 14 người đến vùng biển Bình Thuận sau chuyến hải trình 1.000 hải lý. Chỉ còn không đầy 100 hải lý nữa là nó sẽ đến đích. 

 Một vụ trục vớt tàu ở gần mũi Kê Gà

Lạ thay, khi đang băng băng trên sóng, không hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào Hoàng Sơn 16 lại ngoặt vào “vùng biển chết”, chỉ cách hải đăng Kê Gà bốn hải lý.

Con tàu kiêu hùng là thế nhưng khi lọt vào luồng nước tử thần lại trở nên nhỏ bé đến tội nghiệp. Chỉ trong tích tắc tàu Hoàng Sơn 16 đã bị nhấn chìm. Rất may toàn bộ thủy thủ đoàn 14 người đã kịp ôm phao thoát nạn. Các thủy thủ được hai tàu của tỉnh Kiên Giang đang đánh cá gần đó cứu, đưa về Phan Thiết.

Còn con tàu bị vặn như một thỏi kẹo dẻo, chìm trong thế thẳng đứng. Chỗ cao nhất của chiếc tàu chìm chỉ cách mặt nước chừng 3 m. Nếu trời trong xanh, trên mặt biển có thể nhìn thấy khá rõ. Con tàu chìm ở vị trí cách mũi Kê Gà bốn hải lý về hướng tây nam, ở độ sâu 17 m.

Có giả thuyết cho rằng lúc đó do hoa tiêu đã đặt tàu chạy ở chế độ tự động. Thời điểm đó là ngày 4-6 âm lịch, biển không có gió lớn, trong khi con tàu này có thể chạy bình thường trong gió cấp 7. Có thể do mệt mỏi vì cuộc hành trình dài, khi sắp đến đích, thủy thủ đã chủ quan, nên họ cài cho tàu chạy tự động. Điều này đã khiến tàu lọt vào luồng nước “tử thần”.

Những vụ xâm nhập “vùng biển chết”

Ngay sau đó Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải khu vực II chỉ đạo khẩn cấp cho Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải 201 lắp đặt, đưa ngay ra hiện trường phao “H” để cảnh báo. Trạm hải đăng Kê Gà được giao nhiệm vụ này.

Phao “H” được làm toàn bộ bằng sắt, sơn màu đỏ, có đường kính 2 m, cao 4 m, được giữ cố định bằng “con rùa” giống như neo bằng sắt nặng đến sáu tấn. Trên phao được lắp đặt đèn báo hiệu như một con “mắt biển” nhỏ giữa đại dương. Trạm hải đăng Kê Gà có nhiệm vụ ba ngày một lần ra kiểm tra, bảo trì phao.

 Phao H cảnh báo tại “vùng biển chết”. 

Anh Nguyễn Văn Sáu - Trưởng trạm hải đăng Kê Gà cho biết dù phao “H” đặt ở nơi xung yếu nhưng các thiết bị đặt trên phao bị mất cắp liên tục. Ông đưa cho chúng tôi xem hàng chục bản fax báo cáo công ty về tình trạng mất cắp và cả những văn bản đề nghị các đồn biên phòng, công an ở hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ trong việc bảo vệ, truy tìm kẻ trộm.

Theo các biên bản báo cáo, kẻ trộm mỗi lần xâm nhập đều vơ vét sạch, từ đèn chuyên dụng HD 155 phát tín hiệu đến các tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc-quy, thậm chí bộ tiết chế bảo vệ bình ắc-quy, dây điện cũng đều bị kẻ gian cắt hết.

Anh Sáu tâm sự: “Mất cắp thiết bị cảnh giới trên phao là rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời. Chỉ cần phao “H” một đêm không phát sáng là có thể xảy ra những tai nạn hàng hải kinh hoàng và đau lòng”.

Số phận xác tàu đắm Hoàng Sơn 16 cũng tương tự như phao “H”. Hàng loạt thợ lặn đã liều lĩnh xâm nhập vùng biển này để trộm cắp. Từng tấn than đá bị nhóm thợ lặn này lén lút bốc lên ghe, đưa vào bờ biển Thuận Quý gần đó để tiêu thụ. Tuy nhiên, tất cả đều bị bộ đội biên phòng đồn 450 (Bình Thuận) phát hiện, thu giữ.

Người ta còn tìm cách trộm cắp máy móc, thiết bị trong thân tàu, dùng cả mìn, bộc phá để phá vỏ tàu nhằm xâm nhập vào bên trong.

 Vị trí tàu Hoàng Sơn 16 bị chìm

Bị đắm ở “vùng biển chết”, lại nằm trong tâm điểm luồng nước “tử thần” nên gần như chủ tàu này chấp nhận mất tiền tỷ mà giao lại toàn bộ xác tàu cho Công ty Bảo hiểm Pijico. Nhiều công ty trong nước biết món lợi rất lớn khi trục vớt xác tàu Hoàng Sơn 16 nhưng sau những lần khảo sát họ đều lắc đầu bỏ đi vì quá nguy hiểm.

Dẫu thế, một nhóm thợ lặn chuyên nghiệp đã chấp nhận lời thách thức từ luồng nước “tử thần”. Họ cho biết khi thời tiết thuận lợi , tàu Hoàng Sơn 16 sẽ được trục vớt bằng công nghệ độc đáo của những ngư dân chân đất.

Phương Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm