Xứ sở của người đẹp, múa xòe và thuyền độc mộc

Những người phụ nữ bản Nà Củng, ban ngày họ giản dị trong trang phục lao động thường nhật, ban đêm họ khác hẳn trong trang phục xòe múa.

1. Suốt khoảng thời gian đằng đẵng từ 1917-1953, vua Thái Đèo Văn Ân đã cai trị vùng đất rộng lớn Phong Thổ - Lai Châu. Phong Thổ tháng 1 thường chìm trong sương mờ mịt, đủ sức che giấu cả những đỉnh núi lớn như Bạch Mộc Lương cao 2.998m, xóa mờ thung lũng lúa nước Mường So rộng tới 200 – 250ha, trong hơi ẩm. Dấu tích của người Việt cổ đã được tìm thấy ở hang Thẩm Cung; người Thái, người Dao, người Mông là những tộc người cư ngụ từ rất sớm. Theo Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” và Hoàng Bình Chính trong “Hưng Hóa Phong Thổ lục” thì xứ sở này địa thế rộng rãi, ruộng đất màu mỡ, cư dân đông đúc, ẩn tàng trong đất có kim sa, nhiều thổ sản, nhiều cá, đàn ông đàn bà thạo việc săn bắn, bơi lội, đan lát, thêu thùa đều khéo léo.

Trước khi Pháp xâm chiếm, hệ thống cai trị nơi đây đứng đầu là thổ ty Đèo Văn Toa có quyền quyết định tất thảy mọi việc trong vùng. Chống lại sự đánh chiếm Bắc Kỳ của Pháp, Đèo Văn Toa đã hợp quân với các tù trưởng Nguyễn Văn Quang, Đèo Văn Trì... kéo về xuôi, giết Henri Riviere ngày 19-5-1883 tại trận Cầu Giấy nổi tiếng trong lịch sử. Ngày 6-6-1884, triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ, buộc lực lượng kháng chiến phải triệt thoái, dù vậy nghĩa quân vẫn dựa vào địa hình rừng núi để chống Pháp. 

Đầu năm 1886, Pháp huy động lực lượng ồ ạt tiến lên Tây Bắc nhằm dập tắt các cuộc nổi dậy đang phát triển khắp nơi. Nghĩa quân châu Chiêu Tấn do Đèo Văn Toa chỉ huy cùng nghĩa quân Châu Lai của Đèo Văn Trì đã xây dựng tuyến phòng thủ từ Than Uyên đến phía nam Lào Cai, dùng lối đánh du kích tấn công bất ngờ hoặc nhử địch vào những nơi hiểm yếu để tiêu diệt. 

Bếp của người Thái
Bếp của người Thái

Chỉ sau khi Đèo Văn Toa bị Đèo Văn Thảo (em Đèo Văn Trì) ám hại, tháng 12-1887, Pháp mới có thể phá vỡ phòng tuyến Bình Lư, từng bước chiếm được Phong Thổ. Từ đây, Pháp xây dựng hệ thống đồn bốt và cứ điểm quân sự dày đặc. Tại Mường So, Pháp cho xây dựng sân bay rất lớn nhằm tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí và bổ sung quân cho lực lượng tại chỗ hoặc cơ động trong toàn khu vực. Pháp tìm mọi cách duy trì chế độ thổ ty, dùng người Thái để trị người Thái và các dân tộc khác, họ Đèo vẫn được sử dụng, trong số đó có Đèo Văn Ân (con trai Đèo Văn Toa).

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tháng 4-1945 quân Nhật từ Sa Pa tiến vào Phong Thổ khiến Pháp tháo lui. Đèo Văn Ân chạy sang nương nhờ con rể là Đào Gia Trụ - thổ ty ở Mường Là (Trung Quốc). Nhật vẫn duy trì sự thống trị như cũ ở Tây Bắc nhưng bằng những tên mới như tỉnh trưởng, phủ trưởng, châu trưởng… và gọi Đèo Văn Ân về giao cho chức tri phủ. Tuy làm việc cho Nhật nhưng Đèo Văn Ân vẫn ngầm liên lạc với viên quan 2 Pháp đang ở nhà Đào Gia Trụ. Cuối tháng 6.1945, Đèo Văn Ân có cuộc họp kín với con cháu họ Đèo, cử trưởng bản Nậm Chom sang Mường Là liên hệ với con rể đem quân sang đánh Nhật. Âm mưu bại lộ, Đèo Văn Ân một lần nữa lại phải sang nương náu ở Mường Là để chờ cơ hội mới.

Sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh và Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ngày 28-8-1945 quân đội Tưởng Giới Thạch đã có mặt ở Phong Thổ dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật. Đèo Văn Ân được phong làm tổng đốc xứ Thái, trực tiếp cai quản Phong Thổ và Than Uyên. 

Bữa cơm với gia đình ông Hoàng Ngọc Sứu.
Bữa cơm với gia đình ông Hoàng Ngọc Sứu.

Tháng 10-1945, lợi dụng thông tin liên lạc giữa Chính phủ VNDCCH với vùng núi xa xôi bị gián đoạn, quân đội Tưởng Giới Thạch dùng thủ đoạn để tuyên truyền mình đã giành được chính quyền, đảm nhiệm mọi công việc tổ chức và xây dựng chính quyền mới. 

Tháng 11-1945, hai người của Mặt trận Việt Minh là cán bộ Thanh và Hồng đã vào Phong Thổ để thương lượng lập chính quyền cách mạng, khi đến còn mang theo cả cờ đỏ sao vàng và ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng cho Đèo Văn Ân. Đèo Văn Ân tỏ ra rất lấy làm tiếc vì cán bộ Việt Minh đến muộn hơn Quốc dân đảng. Thái độ của Quốc dân đảng rất thù địch, nhưng thấy Đèo Văn Ân không ủng hộ nên chùn tay, không dám sát hại hai người.

Cùng trong thời gian này, hai tiểu đoàn tàn quân Pháp ở Vân Nam kéo vào Lai Châu, đem theo Đèo Văn Long (con trai của Đèo Văn Trì) âm mưu chiếm đóng lâu dài Lai Châu và Thượng Lào. Đèo Văn Ân đã cử người sang tận Mường Là đón quân Pháp. Tháng 1-1946, Pháp tái chiếm được Phong Thổ, phong cho Đèo Văn Ân chức châu úy, hứa hẹn khi nào chiếm xong Lào Cai sẽ cho giữ chức tỉnh trưởng. 

Tháng 3-1948, Pháp thành lập xứ Thái tự trị và xứ Nùng tự trị. Xứ Thái tự trị (hay còn gọi là Liên bang Thái tự do) bao gồm 3 tỉnh (Lai Châu, Sơn La, Phong Thổ), 16 châu, thủ phủ do Đèo Văn Long làm chúa xứ kiêm tỉnh trưởng, cố vấn cho toàn xứ là Delgné. Xứ Nùng tự trị gồm 5 châu Mường Khương, Bắc Hà, Pha Long, Bảo Thắng, Hoàng Su Phì do thổ ty Nông Vĩnh An đứng đầu. 

Tỉnh Phong Thổ gồm 5 châu Mường So, Sình Hồ, Cốc Lếu - Bát Xát, Văn Bàn (Mường Chăn), Mường Than (Than Uyên) do Đèo Văn Ân làm tỉnh trưởng, con trai là Đèo Văn Ngảnh là phó tỉnh trưởng, cố vấn người Pháp là Delavel, phó cố vấn là Touchard, trụ sở đặt tại Mường So. Xứ Thái tự trị được tổ chức như một nhà nước thu nhỏ bao gồm các cơ quan hành chính, lập pháp, tư pháp, ngân hàng, hội đồng dân biểu toàn xứ gồm hơn 70 nghị viện đại diện cho các sắc tộc xuất thân từ tri châu, trưởng - phó phìa tạo ở các địa phương.

Chiến dịch Lê Hồng Phong diễn ra, không chống đỡ được, ngày 7-11-1950 Đèo Văn Ân và các chức dịch cùng quan thầy dẫn tiểu đoàn Thái, Ả rập, Ma rốc cùng lực lượng lính khố đỏ, lính dõng và lính khố xanh rút chạy sang Lai Châu. Tháng 3-1952, Pháp cùng Đèo Văn Ân triệu tập các binh thầu, séo phải ở Tam Đường, Bình Lư để giao nhiệm vụ bắt cán bộ. Chúng dồn dân, biến khu vực Bình Lư và các rẻo cao người Mông, Dao giáp với Fansipan thành vành đai trắng không có dân, không có cơ sở cách mạng, tăng cường bắt phu, bắt lính, thu thuế. 

Chòi thờ bố mẹ vợ đã mất, đặt ngoài vườn của người Thái trắng.
Chòi thờ bố mẹ vợ đã mất, đặt ngoài vườn của người Thái trắng.

Truyền đơn hướng dẫn cách bắt, giết cán bộ được rải ở nhiều nơi. Trung tuần tháng 8-1952, chúng đã giết đồng chí Ngọc Thanh để lĩnh thưởng 20 đồng bạc trắng và 200kg muối. Nhiều người nuôi giấu bộ đội và cán bộ đã bị bắt giữ, tra tấn dã man và sát hại như bà Thào Quá Mu (tại bản Tả Gia Khâu), ông Chảo Chỉn Thời bị quân Pháp tra tấn bằng cách lấy dao cắt từng miếng thịt rồi mới giết (tại bản Na Đa Phìn)... 

Tháng 6-1953, Pháp và 200 lính phỉ bị đánh bật khỏi Phong Thổ, Đèo Văn Ân rút chạy. Ngày 24-7-1954, Pháp cho hai máy bay lên Phiêng Lao (Mường Hum) chở 6 chuyến đón người về Hà Nội nhưng bỏ rơi Đèo Văn Ngảnh - con trai Đèo Văn Ân - ở lại. Ngày 21-8-1954, Đèo Văn Ngảnh ra hàng. Cuối tháng 12-1954, Phong Thổ hoàn toàn giải phóng. Xứ Thái không còn vua từ đấy.

2. Trong suốt thời phong kiến, kinh tế Lai Châu rất lạc hậu, nhiều dân tộc vẫn dùng gậy để chọc lỗ tra hạt, đúng như câu cửa miệng của người Thái: “Miếng cơm từ đất, thức ăn từ rừng” (Cắm khẩu dú rẳng đin, cắm kin dú nẳng pá). Thủ công nghiệp không có gì ngoài dệt bông sợi, nhuộm vải, nghề rèn của người Dao, nghề bạc và đóng thuyền gỗ của người Thái. Sự có mặt của người Pháp không thay đổi gì nhiều. 

Năm 1939, khai thác đá đen được tiến hành “đạt kết quả tốt”, ngoài ra có thêm đãi vàng ở dọc sông Đà. Cũng vào năm 1939, Pháp đưa lên Lai Châu một máy phát điện đốt bằng củi chỉ để phục vụ thắp sáng cho tầng lớp trên. Sau 32 năm thống trị ở Lai Châu, năm 1922, Pháp mới mở 1 trường tiểu học ở trung tâm tỉnh lỵ với 2 giáo viên; năm 1928 mở thêm 1 trường tiểu học ở Điện Biên Phủ chỉ có 1 giáo viên, dạy cho con em các chức dịch trong bộ máy cai trị hoặc gia đình giàu có, cũng chỉ để đào tạo tùy phái, thông ngôn, viên chức nhỏ đủ số cần thiết, không quan tâm đến người dân nên tỉ lệ mù chữ gần như tuyệt đối. Suốt 37 năm đầu đặt ách cai trị, Pháp vấp phải hàng loạt các cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc. Pháp lôi kéo, mua chuộc thổ ti Đèo Văn Trì. 

Toàn quyền Đông Dương Pavie đã ký với Đèo Văn Trì một hiệp định mang tên “Hiệp định Pavie” với nội dung chủ yếu là con cháu họ Đèo được đời đời làm quan ở Lai Châu. Theo tác giả Đặng Nghiêm Vạn và Đinh Xuân Lâm trong tác phẩm “Điện Biên trong lịch sử”, NXB KHXH xuất bản năm 1979, thì lúc đầu Đèo Văn Trì cùng nhân dân đánh giặc Cờ Vàng và tham gia chống Pháp, song sau này đã trở thành tay sai trung thành của Pháp.

Pháp tổ chức bộ máy cai trị ở Lai Châu theo chế độ quân quản, đứng đầu là một võ quan. Suốt 53 năm (4-1890 - 4-9-1943), chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị xóa bỏ để chuyển sang chế độ cai trị hành chính, có Công sứ Pháp là người đứng đầu tỉnh và một đội ngũ giúp việc trong tòa sứ. Pháp cho phép quan lại người Việt được hưởng một vài quyền lợi đặc biệt ngoài số lương bổng hàng tháng (như Tri phủ được 300 tạ thóc, 10 mẫu ruộng, 30 gái xòe), duy trì chế độ “côn hươn”, “gái xòe”, “nàng hầu”, thực chất là người ở trá hình mà bất cứ ai từ cấp tổng trở nên đều có. 

Pháp khuyến khích trồng và hút thuốc phiện, khiến dân tộc Mông “chìm đắm trong khuôn khổ nghiện hút thuốc phiện”, cho mở sòng bạc tự do, cho phép mại dâm, xòe múa. Pháp tích cực tuyển gái xòe từ 17 đến 20 tuổi là con em dân thường để giải trí cho tầng lớp trên khi có tiệc tùng, khách khứa. Một gái xòe muốn đi lấy chồng phải được tỉnh trưởng cho phép... 

Với hàng loạt chính sách trên, Pháp đã kìm hãm nhân dân các dân tộc Lai Châu trong vòng lạc hậu, tăm tối. Bản thân thổ ty Đèo Văn Trì được Pháp giao cho 300 lính nhưng trong thực tế chỉ được quản 50 lính để “đi săn nai và thỉnh thoảng đi tuần tra lấy lệ” (Đặng Nghiêm Vạn và Đinh Xuân Lâm dẫn từ “Guillement et O.Kelly: Memoires de Đeo Van Tri” - Hồi ký của Đèo Văn Trì).

3. Những ngày ở Lai Châu vừa qua, tôi có dịp gặp Nguyễn Trọng Hiến - một nhà nghiên cứu văn hóa trẻ tuổi và được cung cấp nguồn tư liệu của anh về vua Thái Đèo Văn Ân. Theo đó, Đèo Văn Toa là Phìa tạo nhưng hiếm con, lo không có người nối dõi nên đã theo bói toán và phải xin con của người Lự về nuôi, đặt tên là Đèo Khăm Ín. Ít lâu sau, vợ Toa sinh con trai đầu lòng Đèo Khăm Xum vào năm 1882 tại Mường So - Phong Thổ. 

Biết tin Đèo Văn Trì thông đồng với Pháp chuẩn bị giết mình, Đèo Văn Toa đã chạy đi ẩn náu tại Mường Mít (Than Uyên), song vẫn bị truy lùng và bắt được. Chúng xích cổ Đèo Văn Toa ở một đầu dây, còn một đầu kia buộc vào cổ ngựa dong về để tra tấn. Chúng lần lượt lấy hương đốt cả thân thể và đánh đập cho đến khi chết rồi cắt cổ Đèo Văn Toa vứt vào vũng nước Ta Xa ở dòng suối Nậm Lùm, nay thuộc bản Tây Sơn xã Mường So. Lúc bấy giờ có hai anh em họ Lý là Lý Vần Thìn và Lý Vần Lìn. 

Lý Vần Thìn đi dọc theo con suối từ Bô Ta Xa đi xuống đến Ta Pa Lộc (thuộc địa phận bản Vàng Pheo, Mường So) và vớt được xác Đèo Văn Toa. Còn Lý Vần Lìn giả vờ đi đánh chài kiếm cá từ Ta Pa Lộc lên Ta Xa, quăng chài vào vũng nước sâu rồi lặn xuống, khi tìm thấy cái đầu chìm ở đó, ông lấy đá kẹp lại không cho nước cuốn trôi. 

Đợi đến đêm hai anh em mới đi lặn lấy đầu về nối vào thân rồi cho vào quan tài đem đi chôn ở bãi Lả Mướng cuối bản Khổng Tở (nay là bản Tây Sơn, Mường So), nhưng không đắp mộ. Để tránh sự truy sát tới cùng, anh em nhà họ Lý đã mang Đèo Khăm Xum đi giấu ở Mồ Sì Câu thuộc xã Hoang Thèn (Phong Thổ). Khi việc tạm yên ắng, anh em họ Lý mới đón Đèo Khăm Xum về làm con nuôi và đặt tên là Đèo Văn Ân.

Khi Đèo Văn Toa chết, Đèo Văn Ân bị truy sát thì nhà Tạo đã để cho người con nuôi Đèo Khăm Ín lên làm vua. Hai anh em nhà họ Lý là người đã nuôi dạy Đèo Văn Ân ăn học. Đến năm 1915-1916 Đèo Văn Ân làm thư ký cho Đèo Khăm Ín, rất cần mẫn và chịu khó học hỏi. Đèo Khăm Ín là người trọng chữ tín và trọng tình cảm nên dần rút lui để Đèo Văn Ân đảm nhiệm chức vụ của mình. 

Năm 1917, Đèo Văn Ân được phong chức Tri châu trưởng, từng bước củng cố bộ máy dưới quyền, gây dựng đội quân có tên “Đăm Tạo So” chuyên mặc áo chàm đen truyền thống của người Thái, sống lẫn trong dân; xây dựng hệ thống mo bản, mo mường - những người trực tiếp tiến hành các công việc của thầy mo cũng như thầy thuốc trên địa bàn. Đồng thời, cho xây dựng và củng cố 9 điểm thờ cúng ở Mường So, trong đó phải kể đến nhà thờ bố nuôi “chảu an sư an san po lệnh” là nhà thờ cha nuôi (hai anh em nhà họ Lý), do chính Đèo Văn Ân tự tiến hành thờ cúng tại bản Tây An.

Ngoài ra còn có miếu thờ “Ta tạo áp mố chiêng” (bến nước vua tắm tết), là ngôi miếu và cũng là điểm nhà Tạo chọn để gội đầu, nhằm xua đi những gì đen đủi, xấu xa của năm cũ xuống dưới suối cho nước trôi đi, xua vào lửa để cháy thành than, rồi cầu mong những gì tốt đẹp nhất của năm mới... Đặc biệt Đèo Văn Ân cho tổ chức múa xòe khắp các bản mường trên địa bàn quản lý của nhà Tạo, ngay ở nhà Tạo có riêng 3 đội. 

Đội múa tuổi từ 13-16 được gọi là “sao nọi” gồm 1 đội, đội múa tuổi từ 17-19 được gọi là “sao luông” gồm 2 đội, mỗi đội 16-18 người. Ngoài ra còn lập đội ngũ sáng tác thơ ca, dân ca các dân tộc trong vùng xung quanh bằng cây đàn tính tẩu của người Thái, đội kèn pí kẻo của người Giáy, khèn lá, đàn môi của người Mông, sáo dọc, sáo ngang (pí lự) của người Lự, khèn bè (pí pé) của người Lào, hân mạy của người Xá... nhằm bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, văn nghệ của khu vực, tránh khỏi sự biến đổi, mai một. Các điệu múa xòe được phổ biến và nhanh chóng lan rộng đi nhiều xứ, nhờ đó Mường So trở thành quê hương của múa xòe xứ Thái.

Khoảng năm 1953 - 1954, Đèo Văn Ân cùng vợ thứ 10 đáp máy bay đi miền Nam để tị nạn chiến tranh; mất năm 1968 tại Đà Lạt, thọ 87 tuổi vì già ốm.

4. Đường đến Mường So đẹp như lụa. Ngôi nhà sàn nổi tiếng khắp vùng của Đèo Văn Ân, có tên riêng là “hợn luông” tức nhà lớn, không còn nữa. Người ta nói rằng, gầm sàn của nó cao bằng nóc nhà người khác, bề thế, lợp ngói, cột to đến nỗi một người có thể nấp sau đó mà người đối diện không nhìn thấy. Phần lớn cuộc đời của mình, vua Thái đã sống trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang tới 12 gian, với 11 người vợ tuyệt sắc. 

Vợ Đèo Văn Ân đẹp cũng phải thôi, Mường So là mường gái đẹp, từ xưa đã có câu ca: Pháu đảy kin khảu cắp pa pho, pháu hảy đảy mơ Mường So giam lả (Ước được ăn cá vùi tro, ước được đi tới Mường So thăm nàng). Nhà đông người, mỗi bữa ăn phải 2 người mới khiêng nổi chõ xôi nếp. Mỗi ngày tết đến, hợn luông nhộn nhịp khách từ khắp nơi đến chào, chúc tết và mang các phẩm vật đến biếu, thổi kèn pí kẻo từ ngoài đường thổi vào. Giữa ngôi nhà sàn này có thể cho 3 đội tha hồ múa xòe thoải mái cùng lúc. Nơi hợn luông từng sừng sững giữa bản, nay là trạm y tế Mường So. Sau này, ngôi nhà bị phá đi, lấy gỗ để xây khu chợ rộng rãi ngay tại thị trấn cho người dân nơi đây.

Nhà của Hoàng Ngọc Sứu - Chủ tịch Hội Người cao tuổi bản Nà Củng - cách không xa lắm nền móng dinh thự cũ của vua Thái. Sinh năm 1942, trước là cán bộ thống kê huyện, ông nghỉ hưu năm 1989. Hồi mới 7-8 tuổi, ông đã hay đi xem những người con gái xinh đẹp xòe múa ở hợn luông. Nà Củng 100% là người Thái trắng, đã tồn tại mấy trăm năm. Suối trước bản rất lớn, trước đây khách đến phải kêu ở bờ bên kia để gọi người chèo thuyền sang đón. 

10 năm lũ to một lần, năm 1958 ngập cả cánh đồng bên kia, nhưng chỉ 1 ngày là rút. Nà Củng lưng dựa núi Pụ Củng (núi tôm), nhìn ra cánh đồng Tùng Củng (tôm lên ruộng), cuối bản có mó nước nóng, tôm lên xuống rất nhiều, trước dân bản bắt tôm đem bán còn mua được cả trâu cả ngựa. Ông dắt đi thăm bản, tôi nhận thấy rằng, mỗi gia đình Thái trắng ở đây là một không gian sống khép kín trọn một vòng đời người, đủ dụng cụ và kinh nghiệm để đón 1 đứa trẻ chào đời và tiễn 1 người về với đất. 

Nhà có người chết thường mổ 1 trâu, không thì 4-5 lợn, gà vịt không tính. Gia đình nào có bố mẹ vợ đã mất thì lập ban thờ nhỏ ngoài vườn để hương khói, cư xử thế này có lẽ người Kinh còn chưa bằng được. Đến bữa ăn là người trong nhà lại đổi món để khách đường xa như tôi ăn cho lạ miệng, món nào cũng đậm hương rừng núi lẫn với hương vị của sự ân cần.

Hoàng Ngọc Sứu kể, người Mường So làm độc mộc (bảng hớ pang), đầu thuyền chạm rồng, đuôi thuyền chạm chim én, đã nổi tiếng nhiều đời. Nó còn là biểu tượng của một tình yêu trong cổ tích, chở người thương vượt qua ghềnh thác đến được với nhau. Nhưng thời Đèo Văn Ân đã ban hành lệnh kiểm soát rất chặt chẽ, dù chèo đi kiếm củi hay chài lưới bắt tôm đều phải xin phép, đồng thời đánh thuế nặng đối với nhà có thuyền độc mộc. Ai đi đêm họ coi như đi tiếp tế cho Việt Minh, tra tấn rất dã man. 

Họ đưa ra 4 cái bắt: Bắt thanh niên đi lính, bắt đi phu đi phen, bắt đi chuyến, bắt nộp thuế nặng. Quan trên đến là bắt con gái nhà lành tiếp rượu thịt, tiếp xòe múa, tiếp cả những cái trái với đạo lý, rất đau lòng xót xa cho người cha, người mẹ, người yêu, người chồng. 

Họ làm Tạo thì từ đời này đến đời khác đều làm Tạo, họ làm dân thì mãi mãi làm dân. Họ làm Tạo ví họ làm dân là “xam cỏn sảu” (kiềng đá ba hòn, chảo to đặt lên thì dịch ra, chảo nhỏ thì dịch vào), vô tri vô giác. Không dám đứng lên đấu tranh. Hoàn toàn cam chịu. Sau giải phóng, năm 1968 người Mường So mới dần dần từng bước phục dựng lại được 32 điệu xòe, điệu múa của thời Đèo Văn Ân. Mường So giờ có 11 bản, bản nào cũng có đội văn nghệ, nhiều nơi không ngừng tìm về giao lưu, học hỏi.

Đêm bản Thái, những người con gái bình dị ban chiều tôi còn gặp đi ruộng, đi nương, giờ bỗng trở nên lộng lẫy rực rỡ. Tôi hỏi Hoàng Ngọc Sứu: “Xòe múa bây giờ so với thời Đèo Văn Ân thế nào?”, ông trả lời: “Đẹp hơn nhiều. Múa uyển chuyển hơn, trang phục đẹp hơn, người đẹp cũng nhiều hơn”. Ở xứ sở này, khi trời đêm đã khuya lắm mà bốn phương quanh tôi vẫn dội về âm thanh sự sống.

Theo NGUYỄN HUY MINH (Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm