Họa sĩ Hoàng Dzự: Vẽ biếm như tự bật kíp nổ

Cuộc triển lãm tranh biếm của Hoàng Dzự (bút danh Dzím) khai mạc vào ngày 30-3 (tại 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa qua, tuyển chọn 90 bức tranh xuất sắc nhất trong gia tài đồ sộ 10 năm sáng tác gần đây của ông, một lần nữa gây được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Cách thể hiện của người họa sĩ 70 tuổi được đánh giá là giàu bản sắc dân tộc và nhiều mối liên hệ với những sự kiện văn hóa, xã hội nóng bỏng trên thế giới.

Coi nông dân là đối trọng của cán bộ hư hỏng

. Phóng viên: Tên của triển lãm là “Một phản biện vui vẻ” nhưng đã phản biện thì người bị phản biện làm sao vui vẻ cho được, thưa ông?

+ Họa sĩ Hoàng Dzự: Ở đây có hai đối tượng: sự phản biện đối với những người mà họ thấy bóng dáng của mình trong đó thì có thể họ bực tức, giật mình. Còn với người xem tranh thì biếm họa đem lại cho họ tiếng cười vui vẻ mà sâu sắc, đó là điều mà tôi hướng tới.

. Tranh biếm của ông đề cập đến hình ảnh người nông dân, đó phải chăng chính là bóng dáng của ông, từ hồi ông còn là cán bộ của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn?

+ Với tôi, người nông dân luôn là hình ảnh hội tụ của nhiều vấn đề. Đó là sự lam lũ, sự cam chịu và họ còn là hình ảnh có tính đối trọng để tôi khắc họa những cán bộ hư hỏng, biến chất. Lúc trước, tôi thường xuyên xuống cơ sở, tìm vào tận nhà như thuở tôi hành quân đánh giặc chứ không như một số người chọn nơi mát mẻ mà ngồi, chờ chấm một cái dấu đỏ thì ra về. Tiếp xúc với bà con cho tôi hiểu hơn về họ, cảm thông nhiều ở họ.

Họa sĩ Hoàng Dzự: Vẽ biếm như tự bật kíp nổ ảnh 1

Họa sĩ Hoàng Dzự: Vẽ biếm như tự bật kíp nổ ảnh 2

Mỗi bức tranh biếm của Dzím như một mũi tên tấn công vào thói hư tật xấu của con người và xã hội.

Phản ánh mọi ngõ ngách tiêu cực

. Chủ để chính trong tranh biếm họa của ông là gì ?

+ Tranh biếm họa của tôi đi vào ngõ ngách của đời sống xã hội nhưng lại phản ánh những vấn đề rất vĩ mô. Cụ thể trong triển lãm lần này, chủ đề mà tôi hướng tới là giáo dục khoa học, văn hóa giao thông, sự hư hỏng thoái hóa của một bộ phận người có chức có quyền, sự chênh lệch giàu nghèo, quy hoạch quản lý yếu kém…

. Dễ thấy chủ đề giáo dục được ông đề cập trong khá nhiều bức tranh. Có lý do gì đặc biệt không, thưa ông?

+Tôi thấy giáo dục nước ta đang mất định hướng, nó tạo ra những con người ảo, giá trị ảo. Trong khi đó, xã hội cũng đảo lộn các giá trị. Người ta sẵn sàng cổ vũ cho những cô ca sĩ hát chả ra gì, tạo dựng nên những hình tượng không xứng đáng. Việc học thêm, dạy thêm, việc nhồi nhét kiến thức, cải cách triền miên đã biến học sinh thành những sản phẩm giáo dục không rõ hình hài khiến cho một con robot cũng ngạc nhiên khi bắt gặp, như một bức biếm họa mà tôi vẽ.

Dù giống Don Quixote, tôi vẫn cứ làm

. Hình ảnh quan chức, cán bộ cũng có nhiều trong tranh của ông, thường có bộ dạng phụng phịu, béo tốt. Ông không sợ đụng chạm à?

+ Tôi là một người lính, ba lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Tự tay tôi đã chôn hàng chục đồng đội của mình nơi chiến địa. Mạng sống của tôi tưởng như đã bỏ lại trong những lần rơi vào ổ phục kích, phải uống cả những ngụm nước xộc mùi xác chết. Khi rời quân ngũ tôi chỉ nặng 42 ký. Lúc đó tôi nghĩ chắc mình chẳng sống được bao lâu nên tôi cố gắng làm hết những việc cần làm. Tôi may mắn hơn đồng đội của mình là được sống đến ngày hôm nay. Một khi cái chết không đe dọa được tôi thì không còn gì có thể khiến cho tôi sợ nữa. Mặt khác, tôi đang làm một việc tốt cho xã hội, góp phần thay đổi một điều gì đó thì tại sao tôi phải sợ?

Họa sĩ Hoàng Dzự: Vẽ biếm như tự bật kíp nổ ảnh 3

Họa sĩ Hoàng Dzự: Vẽ biếm như tự bật kíp nổ ảnh 4

. Nhưng bất cập trong xã hội nhiều lắm, ông có thấy mình giống Don Quixote đang đánh nhau với chiếc cối xay gió mà ông vẽ không?

+ Có lúc tôi nghĩ thế đấy, thấy mình đúng là một gã đang đánh nhau với cối xay gió thật. Được cái tôi không ảo tưởng nhiều ở tranh, chỉ nghĩ đơn giản là làm được việc dù nhỏ còn hơn không làm gì. Trong đợt triển lãm này, tôi thấy nhiều người, cả các bạn trẻ chăm chú xem tranh của tôi rồi cười thích thú, cũng có những người chụp ảnh, ghi chép lại… Như thế là phần thưởng lớn cho tôi lắm rồi.

Vẽ phải quan tâm đến thời cuộc

. Từng có người so sánh ông với họa sĩ Chóe ở miền Nam, ông thấy sự so sánh đó như thế nào?

+ Chóe là một họa sĩ dũng cảm. Tuy nhiên, tôi và họa sĩ Chóe có những điểm khác nhau. Tôi thực tế hơn, cũng như có điều kiện tiếp xúc với thời cuộc nhiều hơn, có lẽ vì thế mà tranh của tôi đương nhiên có tính triết lý cao hơn.

. Quan điểm của ông về tranh biếm họa?

+ Trước hết phải nói về quan điểm của tôi khi vẽ, đó là tranh phải có tính hài hước, quan tâm đến thời cuộc và có ý thức trách nhiệm công dân. Còn về tranh biếm họa, trước hết nó phải tạo ra kịch tính, tạo ra giá trị cao. Bức tranh phải làm sao để người ta nhìn vào thì lập tức cảm nhận như kíp mìn đã được bật, thình lình nó nổ ra. Với tôi, vẽ biếm khó hơn dựng kịch. Bởi vì kịch có nhiều cảnh nhiều màn, còn biếm họa chỉ gói gọn kịch tính trong một tờ tranh. Cái khó của biếm họa là thế.

Cần nhiều người dũng cảm như thế

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Những bức tranh này (của Dzím) thật sự dũng cảm và trí tuệ. Trong thời điểm này, cần nhiều người dũng cảm như vậy để đóng góp cho sự tiến bộ xã hội”.

HỒ VIẾT THỊNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm