Họa sĩ Phạm Lực và chuyện cô Lán trong tranh

Hôm nay, 20-4, tại Hà Nội, 60 tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực (thuộc bộ sưu tập của TS Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) sẽ được trưng bày tại triển lãm “Bút Lực”. Trong những tranh được trưng bày có bức tranh về một thiếu nữ bắt nguồn từ nhân vật có thật ngoài đời.

Cô Lán bây giờ còn sống hay không?

Ở tuổi 75, họa sĩ Phạm Lực đã có hơn 35 năm trong quân ngũ. Nói về thời kỳ cầm cọ trong chiến tranh, họa sĩ tâm sự: “Đi lính, tôi vẫn tay súng tay cọ. Thời kỳ gian khổ trong quân ngũ tôi phải vẽ trên cả bao tải. Số bị thất lạc, số bị hỏng vì mọt mối, mưa bom bão đạn. Đến giờ, không ngờ bao tải lại trở thành quý giá”.

Xuất hiện nhiều trong tranh Phạm Lực là hình ảnh người phụ nữ. Ông nói: “Không ở đâu trên Trái đất này, người phụ nữ lại vất vả như những người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến”. Trong tranh của ông, người xem có thể bắt gặp bà mẹ già lưng còng xúc từng thìa cháo cho con trai là thương binh đang ngồi trên xe lăn, người vợ mang bầu nhìn lên bàn thờ nơi có di ảnh người chồng vừa hy sinh trong chiến trận…

Trong những bức tranh của ông có bức tranh về cô Lán mà cả người cầm cọ và người “sở hữu” bức tranh phải động lòng trắc ẩn. Câu chuyện bức tranh vẽ cô Lán, một người bạn thân thiết của họa sĩ Phạm Lực, được ông bộc bạch với TS Nguyễn Sĩ Dũng. Câu chuyện này sau đó được TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

TS Nguyễn Sĩ Dũng nhắn gửi: “Cô Lán còn sống hay không? Hãy trở về Việt Nam để xem bức chân dung tuyệt đẹp của mình do họa sĩ Phạm Lực sáng tác… Cô Lán ơi, mặc dù cuộc sống có gian truân thế nào đi chăng nữa, cô vẫn là người hạnh phúc ít ai bằng. Cô đã có được tình bạn của người họa sĩ tài hoa của đất Việt. Bằng sáng tác của mình, họa sĩ Phạm Lực thật sự đã làm cho cô trở thành bất tử”.

Ảnh chân dung cô Lán và bức tranh vẽ cô Lán của họa sĩ Phạm Lực. Ảnh do họa sĩ cung cấp

Tìm người nguyên mẫu trong tranh

Theo họa sĩ Phạm Lực, thời điểm năm 1976, cô Lán từ Trà Nóc xuống Cần Thơ bán cà phê, còn ông lúc đó được Tổng cục Chính trị biệt phái vào Quân khu 9, rồi cả hai quen nhau. Trong ký ức của họa sĩ Phạm Lực, cô Lán là một người cực kỳ xinh đẹp, cực kỳ dịu dàng.

Khi nghe kể về bức tranh cô Lán, tâm trạng tôi buồn vui lẫn lộn. Vui ở chỗ bức tranh có trong bộ sưu tập của mình, đó là cả một lịch sử, một câu chuyện, một thời đại. Buồn vì thân phận của con người, người thân yêu tha thiết có khả năng không còn trên cõi đời này nữa. Sự ra đi của cô Lán cũng gắn liền với một thời kỳ khó khăn nhất của nước nhà…

TS NGUYỄN SĨ DŨNG 

Họa sĩ Phạm Lực kể lúc đó họa sĩ được phân một căn nhà nhỏ, đó cũng là nơi cô Lán thường đến nấu cơm rồi làm mẫu cho ông vẽ. Khoảng 2 giờ một đêm tháng 6-1976, cô Lán rủ họa sĩ dậy ra bến Ninh Kiều chụp ảnh, chụp xong mỗi người đi một nơi. Đó cũng là lần cuối cùng họa sĩ Phạm Lực được gặp cô. Hôm sau, khi ông đến hỏi chủ quán cà phê thì được biết cô Lán đã vượt biên đi rồi.

Cũng từ sau đó, hình ảnh cô Lán trở thành một biểu tượng xuất hiện nhiều trong tranh Phạm Lực đến tận ngày nay. “Thời đó tôi vẽ tranh phục vụ bảo tàng và nội dung chiến tranh như trận đánh có phụ nữ, tình quân dân… tôi đều lấy cô làm nguyên mẫu, thành ra tranh rất thực. Đó là một mẫu người vừa dịu dàng vừa khỏe mạnh và có sức mạnh rất lạ” - họa sĩ nói.

Từ đó trở đi, ông cũng nhiều lần dò hỏi thông tin về cô Lán nhưng đều không được. Và rồi cô Lán luôn phảng phất đâu đó trong tranh Phạm Lực. Phải đến gần đây, khi TS Nguyễn Sĩ Dũng đến hỏi ý kiến ông để làm cuốn sách tranh, họa sĩ mới kể lại chuyện này.

Với cuộc triển lãm “Bút Lực”, người họa sĩ và cả người sưu tập tranh có chung một nỗi đau đáu: Tìm được thông tin về nguyên mẫu, cô Lán trong tranh của mình.

Câu lạc bộ sưu tập tranh Phạm Lực

Họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng của Việt Nam. Ông đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế, được công chúng và giới nghệ thuật đánh giá cao bởi nét vẽ chân thực mô tả cuộc sống và con người bình dị.

Ông học Trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965), tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 1977. Ông gia nhập quân ngũ suốt 35 năm, chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam bộ...

Họa sĩ Phạm Lực và chuyện cô Lán trong tranh ảnh 3
Họa sĩ Phạm Lực với bức tranh và bức ảnh cô Lán. Ảnh: VIẾT THỊNH

Phạm Lực là họa sĩ duy nhất có câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm. Trong đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) là thành viên tích cực, từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh Phạm Lực để kết nối những người yêu hội họa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm