Lễ hội năm 2016: Phục dựng tràn lan, bạo lực phản cảm

Ngày 10-1, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đã tổ chức lễ tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017.

Lễ hội năm 2016: Phục dựng tràn lan, bạo lực phản cảm ảnh 1

Theo đó, báo cáo tại hội nghị bên cạnh ghi nhận những điểm tích cực của lễ hội năm 2016 cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, tiêu cực.

Trong đó khẳng định có biểu hiện phục dựng lễ hội một cách tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Cụ thể, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ VH-TT&DL, vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải là lễ hội truyền thống của địa phương như xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội)…

Báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở cũng cho hay bên cạnh yếu tố mang tính bạo lực, ở một số lễ hội vẫn còn để xảy ra các hiện tượng mang tính phản cảm trong lễ hội, điển hình là hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định; hiện tượng ăn mặc phản cảm trong lễ hội gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Các lễ hội để xảy ra tình trạng này điển hình như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại lễ hội Đền Trần (TP Nam Định); tranh cướp tại lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), tình trạng khấn thuê đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)… làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.

Trong phần đánh giá nguyên nhân, Cục Văn hóa cơ sở cũng đề cập đến nguyên nhân từ ý thức người dân. “Ý thức thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành pháp luật còn hạn chế, trong đó có cả một bộ phận cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức thiếu tính gương mẫu, tự giác, làm gương khi tham gia lễ hội. Một số người tham gia lễ hội chỉ chú trọng mục đích cầu danh lợi mà ít chú ý tới giá trị nhân văn của lễ hội” - Cục Văn hóa Cơ sở đánh giá. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm