Lễ hội, văn hóa và... đồng hóa

Hôm trước, anh bạn nghiên cứu văn hóa có lời chê việc nhiều bạn trẻ đã cố tổ chức việc vui Trung Thu cho mấy đứa trẻ miền cao, những đứa trẻ dân tộc thiểu số luôn bị mặc định là thiếu ăn, thiếu mặc và cả thiếu những dịp vui chơi.

Nay lại gần đến lễ Halloween, thấy nhiều bạn trẻ háo hức chờ đợi cho một lễ hội lớn mà nguồn gốc từ một lễ hội nông nghiệp của châu Âu đã được biến cải mấy lần trên nền tảng Ki-tô giáo, chợt nghĩ ra mấy điều.

Một gia đình người H'Mông vẫn thu hoạch lúa theo phương pháp truyền thống khi phía trên họ là cuộc hò reo chinh phục đường núi trong một cuộc đua marathon. Ảnh: Internet

Lễ hội như mọi hình thức văn hóa khác, chảy từ cao xuống thấp, tức từ những nền văn hóa mang tính áp chế lan đến các nền văn hóa chịu ảnh hưởng. Điều này cũng không mới mẻ gì, Nguyên Sa nói từ lâu về việc giải Nobel văn học chịu ảnh hưởng từ những ngôn ngữ thống trị, những người như Tagore nếu không viết trực tiếp bằng tiếng Anh cũng khó có giải thưởng này. Vì thế, khi Mạc Ngôn được giải, thiên hạ đã nói đến việc tiếng Trung đã trở thành thứ ngôn ngữ có quyền lực.

Khi các bạn trẻ băn khoăn trẻ con miền núi không được chơi Trung Thu thì ngạc nhiên thay, trẻ con H’Mông không hề thấy thương cho trẻ em Kinh rằng sao chúng không được chơi trong các lễ hội lớn của người mình như Nào Sồng, Gầu Tào (muốn biết chi tiết xin hãy tra mà đọc), tức không được ném Pa Pao, nhảy tha khênh, chơi tu lú, cướp trứng, bắn nỏ, đua ngựa… Hay như người Chăm, chưa bao giờ thấy thương người Kinh không có được lễ Ka-tê hay Rija Nưgar (cái này cũng phải đọc), tức không được lên tháp, không được ăn bánh ít, không được múa quạt, không được nghe trống Ghi năng…

Lễ hội ném còn của người Thái. Ảnh: VOV

Ở phía ngược lại, ngày lễ tình nhân (Valentine) đã định hình rõ nét trong văn hóa người Kinh như một ngày lễ tôn vinh tình yêu. Ngày ấy, tất nhiên, cũng chảy về từ phía bên kia đại dương chứ không phải lấy ngày từ phiên chợ tình đầy nhân văn, quyến rũ của người miền ngược, nơi người ta có thể khóc cho thỏa, uống cho say, ôm cho đầy… những mộng mị rồi trở về đời sống thường nhật.

Sự chuyển dịch các lễ hội, chứa trong ấy niềm ngưỡng vọng với một thứ văn hóa phổ quát được cho lớn hơn, cao hơn, mang tính đồng hóa tự thân. Từ điểm ấy, những nền văn hóa lớn, trong cách nhìn về khai hóa, chỉ cần đẩy nhẹ các hình thức, một guồng quay sẽ bắt đầu, quen thuộc và trở thành truyền thống.
Vì thế, đừng nhọc công tổ chức Trung Thu cho các bé miền núi, như cách chúng ta hấp thu và tiếp biến lễ hội này, khi lực hấp dẫn đủ lớn tự khắc chúng sẽ chơi, theo cách của chúng. (Tất nhiên, tổ chức được cho các em vui cũng là tốt, nhưng đó không phải là đòi hỏi bức bách đến độ nếu chúng ta không làm được thì sẽ cảm thấy day dứt, ngậm ngùi).
Đến lúc đó, nếu muốn biết các lễ hội đích thực của tộc người, không chừng lại phải phục dựng một cách rời rạc, tách khỏi không gian văn hóa từng nuôi dưỡng lễ hội ấy. Cứ xem các lễ hội đâm trâu hay cồng chiêng phục vụ du khách phương Tây tò mò thì biết, tất nhiên họ chỉ tò mò, họ không đem lễ hội này về nước họ cho con họ chơi đâu.
Bởi sự trộn lẫn này, mà hôm nay, các nhà văn hóa dân gian còn phải mò mẫm trong vài ba lễ hội đã bị phủ lên mấy lớp ngưỡng vọng văn hóa của Trung Quốc, để tìm ra ý nghĩa đích thực ban đầu, cũng như phục dựng lớp văn hóa, tín ngưỡng cổ của người Việt.

Anh ném pao anh không bắt/ Em không yêu, quả pao rời rồi...

Đáng tiếc, những lễ hội ấy hoặc biến tướng, hoặc bị chê trách bởi những người chưa từng biết đến việc văn hóa dân gian cũng là một ngành nghiên cứu quan trọng. Cách nghĩ, cách phản ứng ấy, cũng là việc tự đồng hóa và chưa ý thức được về ý muốn đồng hóa.

Như đã nói, lực hấp dẫn từ các nền văn hóa áp chế rất lớn, nó còn là thứ an ủi về việc thích nghi lẫn ước mơ thầm kín về việc được nhập vào một dân tộc hay nền văn hóa “cao cấp” hơn.
Tôi vẫn thích thú khi con mình muốn hóa trang thành một siêu nhân Mỹ trong ngày Halloween, sâu trong đó, có thể là nỗi hi vọng về đại đồng, là ước mong con mình có thể trở thành công dân quốc tế theo hình mẫu phương Tây. Nhưng đó không phải là cái phải theo, phải có, một cách háo hức bởi những người lớn. 
Còn bản thân mình, tôi rất ngưỡng mộ văn hóa lễ hội của các tộc người thiểu số, một cách thực chất, không bị biến tướng bởi những đạo diễn muốn bày trò cho người miền xuôi xem bất chấp nó đi lệch với lễ hội vốn có của người đồng bào mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm