Nhà văn giải Thomas Mann Đức viết thật sốc khi đến VN

Ngày 14-11, Công ty sách First News - Trí Việt và Viện Goether Việt Nam đã cho ra mắt quyển sách du ký viết về Việt Nam - xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa của nhà văn Đức Juli Zeh từng đoạt giải văn học danh giá của Đức lẫn thế giới Thomas Mann.

Nhà văn giải Thomas Mann Đức viết thật sốc khi đến VN ảnh 1
Dịch giả Đinh Bá Anh (giữa) của xứ sở những cô  gái đi xe máy mặc áo khoác hoa giới thiệu về tác phẩm ngày 14-11.

Đó là ý kiến của nhiều người khi nói về quyển sách này. Bởi tác giả chẳng khách khí, chẳng một chút ngôn ngữ ngoại giao, nói thẳng đuột những điều mình nghĩ dù chị được Viện Goether Việt Nam mời đến Việt Nam ba tuần đi khắp từ Bắc tới Nam để cảm nhận và viết con người và cuộc sống. Mà cái nhìn của tác giả về cuộc sống và con người Việt Nam thì đầy tính phê phán.

Một lớp trẻ tụt hậu, ham vật chất, thiếu chỗ vui chơi, thể hiện mình. Những người phục vụ nói tiếng Anh kém cỏi. Một ngành du lịch thực dụng, lạnh lùng với những người bán hàng rong đeo bám, những quán xá, nhà khách chỉ biết có tiền. Thực phẩm, ẩm thực thì thiếu an toàn, thậm chí là ăn thịt chó. Kiến trúc thì lộn xộn, kỳ quặc, tàn phá những công trình giá trị cũ. Giao thông kinh hoàng, siêu tưởng. Đời sống bẩn chật với không biết bao nhiêu con người chất trong một căn nhà nhỏ ở phố nhỏ, ngõ nhỏ. Môi trường thì ô nhiễm khói bụi và đầy rác… 

Nhà văn giải Thomas Mann Đức viết thật sốc khi đến VN ảnh 2
Nhà văn Đức Juli Zeh.

Cái nhìn đó được lý giải trong sách bởi Việt Nam đón Juli Zeh bằng những cú sốc. Vừa đặt chân xuống sân bay: Sốc nhiệt. Bước ra đường: sốc giao thông. Ẩm thực: Sốc rối loạn tiêu hóa… Tất cả, dồn dập đến mức, Juli Zeh gọi Việt Nam là “đất nước của sự hòa tan những mâu thuẫn khó hiểu”.

Vì nói thẳng đuột nên trong quyển sách mỏng của nhà văn giải Thomas Mann danh giá vẫn có những điểm sáng như những bản làng Tây Bắc xinh đẹp, bình yên. Hải sản ở Nha Trang thì rất ngon, đời sống Sài Gòn thì đang xông tới phía trước, dòng Mekong đáng nhớ…

Quan trọng nhất, tác giả bảo rằng mặc dù Việt nam như thế nhưng cô bắt đầu thấy quen và thấy nhớ Việt Nam. Vậy nên đã có nhiều ý kiến tại cuộc ra mắt sách cho rằng tác giả không yêu Việt Nam, không thích Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại là tác giả yêu Việt Nam, thích Việt nam nên mới quan tâm đến mọi thứ chi tiết như thế.

Nhà văn giải Thomas Mann Đức viết thật sốc khi đến VN ảnh 3
Tác phẩm du ký Việt Nam của nhà văn Đức đoạt giải Thomas Mann.

Một đọc giả là Việt kiều Canada đã nói rằng cảm ơn tác giả vì tác giả đã nói những điều như trong quyển sách. Quyển sách của tác giả tràn đầy cảm xúc khiến cho vị này đọc không thể dừng lại được. Mà quả thật, Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoacủa nhà văn Đức Juli Zeh là một tác phẩm khiến người biết nó tò mò muốn đọc ngay, đọc rồi thì không thể dừng mà sẽ bị lôi cuốn đọc một mạch đến hết quyển du ký không dày lắm này.

Đọc để hiểu và biết một cái nhìn chân thực, thẳng đuột, chính xác của một người nước ngoài không mang một cảm xúc, một định kiến nào khi đến Việt Nam sẽ nhìn, thấy và nghĩ gì khi đến đất nước này. Dù rằng với nhiều người Việt Nam cái nhìn đó có thể không chính xác, không thấu hiểu bởi nhìn từ ngoài vào và có vẻ là cái nhìn từ trên - một đất nước phát triển - văn minh xã hội cao xuống.

Juli Zeh sinh năm 1974 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức. Chị là tiến sĩ luật , nhà báo, nhà hoạt động xã hội và nhà văn. Đến nay chị là tác giả của năm cuốn tiểu thuyết, nhiều vở kịch, nhiều tiểu luận về văn chương và xã hội. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Đại bàng và Thiên thần (Adler und Engel) in năm 2001, được dịch ra 31 thứ tiếng, đã đưa Juli Zeh ra ngoài biên giới nước Đức khiến chị thường được nhắc đến như một trong những đại diện của thế hệ nhà văn trẻ tài năng của Đức sau khi đất nước này thống nhất.

Juli Zeh được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín, trong đó đáng kể nhất là Giải sách Đức năm 2002 và Giải Thomas Mann năm 2013. Trong lĩnh vực du ký, Juli Zeh tạo được dấu ấn với tập ký sự Sự im lặng là một tiếng động (Stille ist ein Gerausch, 2002), kể về đất nước Bosnia thời hậu chiến với những con người bị châu Âu lãng quên giữa lòng châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm