Nhạc sĩ Thuận Yến, một trái tim luôn thắp lửa

1.

“Chẳng còn gì thiêng liêng,

Chẳng còn gì nguyên vẹn để nói lời hò hẹn,

Khi mùa thu sắp tàn…

Chỉ còn trái tim rực lửa

Theo chân trời lang thang…”

(Trái tim lang thang - Thơ Hà Minh Đức)

Những lời thơ ấy đã ám ảnh những tháng ngày sinh viên chúng tôi không chỉ bởi những lời lẽ yêu đương nồng nhiệt của tuổi trẻ mà nó còn được khoác lên mình một nét giai điệu “chông chênh”, “hoang mang” như một ngọn lửa nhỏ cứ âm ỉ cháy trong tâm hồn nhưng lại quyến rũ và khó quên đến lạ lùng của nhạc sĩ Thuận Yến. Thời ấy, đám trẻ con yêu nhạc chúng tôi ít ai ngờ rằng giai điệu lãng mạn và trẻ trung của ca khúc Trái tim lang thang (Nhạc: Thuận Yến, Thanh Lam - Lời thơ: Hà Minh Đức) do Trần Thu Hà trình bày trong album Thanh Lam - Hà Trần gây sốt năm 2004, lại được sáng tác bởi một người nhạc sĩ lớn từng làm mê hoặc biết bao thế hệ người yêu nhạc cách mạng Việt Nam qua những ca khúc nổi tiếng ca ngợi Đảng và Bác Hồ…

Những năm 2000, chúng tôi là thế hệ sinh viên đời đầu 8x, được sống trong giai đoạn chuyển giao của thời đại bùng nổ thông tin. Và với âm nhạc cũng vậy, chúng tôi là thế hệ người yêu nhạc có thể thuộc lòng những ca khúc tiền chiến nhuốm màu thời gian được nghe qua radio, ám ảnh những ca khúc cách mạng đầy lửa trên sóng truyền hình hay say mê cả những ca khúc nhạc nhẹ tươi mới của âm nhạc Việt Nam thời Làn sóng xanh qua băng đĩa… Tôi còn nhớ mỗi mùa sinh hoạt văn nghệ đoàn, hội, đội văn nghệ sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM chúng tôi không thể không hát Bác Hồ một tình yêu bao la, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc,… được dàn dựng chỉ với một guitar thùng hay một cây organ cũ kỹ. Rồi tranh nhau thi thố giọng hát bằng Màu hoa đỏ hay Chia tay hoàng hôn,… trong những cuộc thi văn nghệ hoặc những đêm nhạc dành cho sinh viên cuối khóa...

Nhạc sĩ Thuận Yến còn sống mãi trong dòng nhạc rực lửa tình yêu tuổi trẻ, tình yêu quê hương đất nước. Ảnh tư liệu

Chúng tôi yêu những sáng tác của Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Thanh Tùng, Dương Thụ,… Và với Thuận Yến cũng thế, âm nhạc của ông đã theo suốt quãng đời sinh viên đẹp nhất của chúng tôi trong những giờ học, giờ vẽ, giờ văn nghệ, giờ tâm tình hay những giờ rời TP tham gia tình nguyện Mùa hè xanh,… Những năm tháng ấy, đáng nhớ nhất có lẽ là cơn bão Tự sự, một album nhạc Thuận Yến quý giá được phát hành năm 2000 với giọng hát của con gái ông - nữ ca sĩ Thanh Lam đã “gây mê” những người yêu nhạc chúng tôi vào thời điểm vàng son của nhạc nhẹ Việt Nam.

Giữa những ca khúc nhạc trẻ sôi động ca ngợi tình yêu của thời đại mới chúng tôi gần như “chết lặng” với những tình khúc mang âm hưởng dân gian đẹp như tranh mà Thanh Lam đã vẽ nên bằng giọng hát. Những giai điệu vừa óng mượt như lụa, vừa bừng sáng và nóng rực như lửa của Em tôi, Đợi chờ, Khát vọng,… cũng đã trở thành “top hits” thời ấy!

Thế hệ trẻ chúng tôi mê nhạc Thuận Yến vì yêu Thanh Lam hay nói cách khác chính cô con gái “rượu” Thanh Lam đã giúp chúng tôi thưởng thức nhạc ông bằng hơi thở mới, hơi thở của thời đại để những Bác Hồ một tình yêu bao la, Màu hoa đỏ, Chia tay hoàng hôn,… luôn nằm trong danh sách nghe nhạc của chúng tôi ngày hôm nay. Vì thế không quá khó hiểu tại sao Thanh Lam lại trở thành diva hàng đầu của âm nhạc Việt Nam, đơn giản vì cô ấy thừa hưởng những gì tinh túy nhất từ người cha tài hoa và đáng kính của mình.

2.

Những năm tháng sinh viên rồi cũng qua, chúng tôi trưởng thành và cuốn theo những mối quan tâm khác nhau trong cuộc sống. Đời sống âm nhạc cũng nhiều thay đổi nhưng đâu đó vẫn có những người âm thầm nâng niu những album nhạc từ cách đây hơn 10 năm trong ngăn tủ kỷ niệm. Có những người nén lại thành file nhạc để chia sẻ trên trang cá nhân cùng những dòng hồi ức… Có người mở lại danh sách nhạc cũ trong quán cà phê của chính mình mỗi khi vắng khách… Có người vẫn say mê “hoa khế rụng trắng ngần lối nhỏ, để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…” (Chia tay hoàng hôn - nhạc Thuận Yến) trong những cuộc hội ngộ thân tình. Dòng đời dù có cuốn ta xuôi đến đâu thì ký ức và những giai điệu âm nhạc thân thuộc vẫn cứu rỗi tâm hồn ta ở một góc khuất nào đó trong những lúc buồn vui của đời sống. Những lần giật mình khi chợt nghe được một giai điệu quen thuộc nhắc ta nhớ về những kỷ niệm một thời…

Tôi may mắn được làm việc liên quan đến âm nhạc, được chọn lựa những ca khúc cho những chương trình nghệ thuật và biên tập những album thu âm cho những ca sĩ thế hệ mới. Tôi đã không do dự khi chọn Trái tim lang thang cho bản thu âm đầu tiên của Phương Linh trong album Tiếng hót từ bụi mận gai, một dự án dài mà chúng tôi muốn thực hiện để lưu giữ lại những ca khúc đẹp nhất của âm nhạc Việt Nam, bởi tôi muốn có thêm nhiều phiên bản Trái tim lang thang cho riêng mình…

3.

Chưa kịp tận tay gửi tặng người nhạc sĩ album này thì hôm nay tôi giật mình không phải vì bất chợt nghe lại một giai điệu cũ mà vì biết tin ông đã ra đi mãi mãi… Thêm một lần giật mình vì trong bản biên tập nháp cho album Tiếng hót từ bụi mận gai số 2, tôi đã trích dẫn những câu hát trong Tự sự của ông làm lời mở đầu…

“Nếu lòng ta có ào ào bão tố

Thì em ơi hãy vững lấy tay chèo

Nhìn phong ba hãy mỉm cười, hãy hát

Cơn bão cuồng sẽ hóa gió thông reo…”

(Tự sự - Thuận Yến)

Ông đã gửi lại những tác phẩm âm nhạc giá trị, những ca khúc khó quên, những giai điệu vẫn luôn còn vang vọng trong tâm trí… Và người yêu nhạc luôn nhớ về ông, nhớ về một “trái tim” luôn “thắp lửa” yêu thương cho những bản tình ca đẹp và hiền hòa nhất!

CAO TRUNG HIẾU, nhà sản xuất âm nhạc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm