Rủ nhau mặc áo dài nam

Họ bảo“Sao nước Việt có mấy ngàn năm lịch sử mà không có công trình tầm cỡ nào cho đời ngưỡng mộ; cỡ Angkor(Campuchia), Kim Tự Tháp (Ai Cập), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)…?”. Họ hỏi “Quốc phục của Việt Nam là gì?”.

Tác giả mặc áo dài nam cùng các đại biểu dự hội thảo Du lịch trách nhiệm - Mong muốn và hiện thực” ở Đồng Tháp. Ảnh: NVCC

Với câu hỏi thứ nhất, tôi đã tự tìm câu trả lời vì không có sách báo nào nói về chuyện đó. Rằng không phải “Đất nước ta thường xuyên có chiến tranh” như nhiều người hay đổ vấy. Ngày xưa, nước nào chẳng có chiến tranh mà Trung Quốc là số một. Cũng không phải “Phong kiến Việt Nam chưa đủ mạnh”. Yếu, sao đủ sức ba lần đánh bại đế quốc Nguyên Mông sừng sỏ, từng “Dẫm nát châu Âu, bá chủ châu Á”  vào các năm 1258, 1285 và 1288?

Vì một lẽ giản đơn “Tổ tiên người Việt không đủ ác; lấy xương máu của nhân dân để khoe mẽ hoặc phục vụ cho thiểu số thống trị. Vạn Lý Trường Thành gắn liền tham vọng bá chủ thiên hạ từ thời Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN). Kim Tự Tháp là lăng mộ vua chúa Ai Cập. Angkor là đền thờ vua chúa Khmer”.

Không có những thứ đó nhưng “Hệ thống đê điều chống lụt ở miền Bắc và kênh rạch chằng chịt chống lũ ở miền Nam dài gấp mấy lần Vạn Lý Trường Thành. Nhờ những công trình giản đơn, thiết thực và hiệu quả này, cha ông chúng tôi vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã, ác liệt của thiên nhiên tồn tại tới ngày nay. Nếu không, mọi thứ đã bị cuốn trôi ra biển. Gần đây, con đường Trường Sơn huyền thoại (còn gọi là đường Hồ Chí Minh) được làm thủ công, bằng khát vọng độc lập; gồm mấy hệ thống đường dọc, hàng trăm đường ngang, tổng chiều dài gấp ba lần Vạn Lý Trường Thành. Nhờ vậy, cha anh chúng tôi thống nhất đất nước”.

Nghe vậy, nhiều bạn nước ngoài vỗ tay phấn khích, gật gù tâm đắc…

Với câu hỏi “Quốc phục Việt Nam là gì?”. Câu hỏi tưởng dễ mà hóa khó. Tôi đã trả lời đại là “áo dài”. Họ liền thắc mắc: “Áo dài là trang phục của phụ nữ, còn đàn ông?”. “Cũng là áo dài!”. “Sao ít thấy ai mặc?”. Tôi chỉ còn biết đánh trống lảng.

Thật ra áo dài từng là quốc phục của Việt Nam trước năm 1954 và ở miền Nam trước năm 1975. Ở miền Bắc, vì nhiều lý do mà áo dài bị xem là “tàn dư phong kiến”. Từ ngày đất nước đổi mới, áo dài nữ lại lên ngôi hậu, chỉ áo dài nam là lận đận.

Tôi cứ bị ám ảnh việc các chàng trai, cô gái nước ngoài khi làm rể, làm dâu Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, cứ nhất nhất áo dài khăn đóng tinh tươm trong hôn lễ. Trong các đám cưới ở Việt Nam, nếu chú rể hay cô dâu là người nước ngoài thì gần như cả phía sui gia ngoại quốc đều đồng phục áo dài, từ nhỏ đến lớn, từ già chí trẻ. Còn Việt Nam, cứ đa phần đồ Tây, veston và váy. Thiên hạ xem áo dài nam cũng là quốc phục của Việt Nam, còn người Việt lại vô tâm hững hờ. Có bạn nước ngoài đã tỏ ra khó hiểu, hỏi tôi chuyện này, tôi chỉ biết cười trừ chống chế.

Gần đây, áo dài nam đang từng bước được phục hồi, bắt đầu từ các văn nghệ sĩ. Năm ngoái tôi cũng tậu cho mình một chiếc nhưng chỉ dám mặc vào ngày mùng 1. Mấy lần dự đại hội, hội nghị…, định mặc nhưng không dám vì sợ cho là chơi nổi, lập dị bởi không có ai mặc cùng. Thật ra là chưa dám “vượt qua chính mình”. Cứ ngồi đợi nhau như thế thì đến Tết Congo, áo mủn cũng chưa dám mặc.

Đầu tháng 1-2017 vừa rồi, tham gia điều hành hội thảo “Du lịch trách nhiệm - Mong muốn và hiện thực” ở Đồng Tháp, tôi mạnh dạn diện áo dài. Số là có 13 đại biểu các dân tộc Tây Bắc về Tây Nam Bộ du xuân cùng dự. Họ tự hào với trang phục dân tộc truyền thống, mình cũng phải có cái gì đáp lễ. Thế là mặc áo dài, nhiều người khen vì lạ và đẹp. Tôi tự tin hẳn ra với áo dài nam và tự hứa từ nay, trong các dịp lễ hội, tôi sẽ mặc áo dài như một tín đồ ngoan đạo.

Trò chuyện với nhà thiết kế Nguyễn Tiến Doãn, tôi mới vỡ ra thêm nhiều thứ. Anh bảo: “Muốn đẹp, trước hết phải đúng rồi mới nghĩ đến việc cách tân”. Anh tâm sự: “Một áo dài đẹp không chỉ phụ thuộc vào vóc dáng mà còn vào tính cách, tuổi tác, công việc và quan hệ xã hội mà chọn vải và phối màu”. Anh chỉ nhận thiết kế khi được gặp, trò chuyện và trao đổi với chủ nhân chứ không thể thiết kế đại hoặc may sẵn. Với anh, “áo dài, đặc biệt là áo dài nam là trang phục có hồn nhất và thuần Việt nhất”. Nghe anh hàn huyên về áo dài với tất cả nhiệt huyết, tôi như được truyền lửa, càng củng cố thêm niềm tin về sự phục hồi của áo dài nam..

Tết rồi, cả nhà tôi cùng mặc áo dài đi về quê mừng tuổi khắp xóm. Bà con có vẻ ngạc nhiên. Mấy đứa em trai thấy vậy, rủ nhau may áo dài nam và mời thêm nhiều bạn hữu cùng mặc, bù lại bao năm nay áo dài nam lận đận.

Hy vọng năm 2017 áo dài nam sẽ dần được phổ biến, từng bước khẳng định vị trí của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm