Thách thức mới của phim Việt ở Cannes

Ngày 5-5, bản phim Những bức thư từ Sơn Mỹ (Letters from Sơn Mỹ) sau 12 ngày làm hậu kỳ gấp rút ở Thái Lan đã về đến Việt Nam. Ngoài bản phim gửi cho Cục Điện ảnh, một bản khác sẽ cùng đoàn làm phim sang Pháp vào tối nay (6-5) để trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes.

Hấp dẫn nhờ thực

. Phóng viên: Ông có thấy tiếc khi phim không kịp dự tranh giải ở Liên hoan phim Cannes không?

+ Đạo diễn, NSƯT LÊ DÂN: Phim không kịp làm hậu kỳ để gửi tranh giải nhưng chúng tôi vẫn được ban tổ chức Liên hoan phim Cannes ưu ái cho suất chiếu tại rạp Cinéma Les Arcades (rạp chính chiếu các phim tham dự Liên hoan phim Cannes - NV)(*). Buổi chiếu này dành cho các chính khách, các đạo diễn, nhà sản xuất phim, nghệ sĩ… của nhiều quốc gia và cả đại diện các liên hoan phim khác.

. Phim tham dự các kỳ liên hoan phim quốc tế thường là những phim có góc khai thác lạ.Những bức thư từ Sơn Mỹ có lợi thế gì để các liên hoan phim quốc tế mời?

+ Tôi tin Những bức thư từ Sơn Mỹ sẽ rơi vào dòng phim lạ như bạn nói dù kinh phí làm phim so với các quốc gia khác là khá khiêm tốn (9 tỉ đồng - NV).

Phim này lạ do phim là đời sống thật, được trình bày chân thực, không cầu kỳ nhưng vẫn tạo được hấp dẫn. Những bức thư từ Sơn Mỹ hấp dẫn do: Thứ nhất, đây là vụ thảm sát thật, phim không phân tích vụ thảm sát mà phân tích tiến trình tâm lý nhân vật. Thứ hai, phim chủ đích kêu gọi đối xử bao dung, hòa bình thế giới, mà hòa bình thế giới luôn là tiếng gọi mạnh mẽ đưa đến thành công của điện ảnh.

. Nhưng có hấp dẫn không khi ai cũng biết kết thúc nhân vật chính sẽ nói lời xin lỗi…

+ Nhiều người nghĩ Những bức thư từ Sơn Mỹ kể chuyện William Caley (cựu trung úy từng tham chiến tại Việt Nam và chỉ huy cuộc thảm sát tại thôn Mỹ Lai - NV) nên biết chắc chắn kết thúc sẽ là lời xin lỗi với người dân Việt Nam. Lời xin lỗi rất đơn giản nhưng thực tế những câu chuyện đơn giản lại móc nối nhau để lôi cuốn khán giả. Tôi bảo đảm người xem không thể đoán được cảnh tiếp theo sẽ như thế nào dù biết kết quả là xin lỗi. Phim không chán nhờ vậy. Câu chuyện phim sẽ làm đọng lại lòng nhân ái trong người xem.

Thách thức mới của phim Việt ở Cannes ảnh 1

Poster phim Những bức thư từ Sơn Mỹ tại Liên hoan phim Cannes. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Tiếng vang ngoại sẽ thu hút khách nội

. Sau khi dự Cannes, kế hoạch phát hành phim như thế nào để thu lại vốn, thưa ông?

+ Mục đích tôi đem phim đi Cannes trước khi chiếu tại Việt Nam là muốn sự chờ đợi từ phía khán giả. Sau khi ở Cannes về, chúng tôi sẽ tổ chức ra mắt phim vào cuối tháng 6 ở TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian chúng tôi dự kiến chiếu rạp sẽ khoảng sau 2-9 đến ngày 1-10. Tôi nghĩ rạp sẽ không chê phim này.

. Tại sao lại không chê, thưa ông? Bởi những phim như thế này không tránh khỏi suy nghĩ là phim tuyên truyền?

+ Cho coi phim xong sẽ không chê. (Cười hóm hỉnh)

Khi tự bỏ tiền ra làm, chúng tôi làm phim phải xứng đáng với đồng tiền bỏ ra, nghĩ sẽ lấy được vốn là vui. Những bức thư từ Sơn Mỹ hấp dẫn, có cái để xem chứ không phải bộ phim tẻ nhạt, tuyên truyền chính trị.

. Phim Đừng đốt kéo được khán giả trẻ một phần nhờ vào sự thành công lớn của Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Vậy Những bức thư từ Sơn Mỹ làm sao kéo khán giả trẻ khi câu chuyện của William Caley vẫn còn mờ nhạt, xa lạ với văn học, điện ảnh?

+ Những bức thư từ Sơn Mỹ có lợi thế: Người xem tò mò về câu chuyện thảm sát, phim dở hay hay mà dám chiếu ra nước ngoài… Chúng tôi trông chờ người xem đến rạp nhờ vào dư luận trước đó.

. Xin cảm ơn ông, mến chúc ông có chuyến đi thành công.

Những bức thư từ Sơn Mỹ là bộ phim truyện mang tính chất tư liệu, dựa trên chuyện thật của William Caley, cựu trung úy từng tham chiến tại Việt Nam và chỉ huy cuộc thảm sát tại thôn Mỹ Lai (Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) năm 1968. Vào ngày 19-8-2009, tại Columbus (Mỹ), William Caley đã công khai lên tiếng xin lỗi về những gì đã xảy ra tại Mỹ Lai.

Nhân vật chính trong phim được đổi tên là Peter Cage. Peter Cage do Gerard Saub (Pháp) đảm nhận. Phim có sự tham gia của các diễn viên: Giáng My, Huỳnh Anh Tuấn, Melissa Wolslegel (Mỹ)… Đạo diễn: NSƯT Lê Dân. Biên kịch: NSƯT Lê Dân - Hương Thu. Dịch phim: TS Lê Hoàng Cương. Đây là bộ phim đầu tiên do Trung tâm UNESCO Điện ảnh Đa truyền thông Việt Nam sản xuất. Phim dài 87 phút, có phụ đề Anh-Việt.

QUỲNH TRANG

(*) Ngoài ra, Những bức thư từ Sơn Mỹsẽ được chiếu giới thiệu liên tục ở gian hàng của Trung tâm UNESCO Điện ảnh Đa truyền thông Việt Nam tại Hội chợ phim Cannes (Marché du film de Cannes).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm