Vua voi về với đại ngàn

Cái tin Ama Kông qua đời đã loan khắp phố núi ngay trong buổi chiều ông ra đi. Nghe tin, tôi gọi vào tổng đài 1080 của tỉnh, cô nhân viên tổng đài xác tín về sự ra đi của ông và cho biết tường tận về sức khỏe của ông diễn tiến ra sao trong những ngày gần đây. Có lẽ trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông không nghĩ mình được quan tâm nhiều như thế.

Ama Kông tên thật là Y Prông Êban, sinh ra tại Buôn Đôn - nơi nổi tiếng với nghề săn bắt voi có một không hai ở Đông Nam Á. Ông là người săn được nhiều voi nhất ở Buôn Đôn, thuần dưỡng thành công 298 con voi rừng và thuần hóa chúng. Ông đã tặng voi cho vua Thái Lan, vua Lào, đi săn voi với vua Bảo Đại. Trong cuộc đời săn voi, ông từng săn được voi trắng vốn nổi tiếng tinh khôn và tặng nó cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Dân làng thường gọi ông là vua voi. Đó là cách gọi đầy nể trọng tuy ông không săn được nhiều voi như gru (dũng sĩ săn voi) đàn anh là Y Thu K’nul (người được vua Thái Lan ban cho danh hiệu là Khunjunob - vua săn voi, một danh hiệu lừng danh khắp Đông Dương những năm 1900 khi săn được gần 400 con voi).

Vua voi về với đại ngàn ảnh 1

Trong nắng chiều, vua voi thổi tù và trong căn nhà sàn bằng gỗ của mình. Ảnh: T.MẬN

Chủ đề mà ông quan tâm nhất, hào hứng nhất mỗi khi gặp lại là chuyện săn bắt voi ngày cũ. Những chuyến đi hùng dũng của ông và các dũng sĩ săn voi mấy chục năm về trước vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông như mới diễn ra ngày hôm qua. Tên của những con voi vẫn được ông nhắc như một người bạn thân. Trong ngôi nhà sàn bằng gỗ, những vật dụng săn voi như sợi dây da trâu, dùi sắt… vẫn được ông cất giữ. Cuối câu chuyện bao giờ cũng là mong muốn Nhà nước làm sao để phát triển đàn voi nhà còn quá ít ỏi. Rồi chuyện rừng ngày càng xa, cây ngày càng ít, không còn đất rộng để voi trú nữa. Chỉ riêng chuyện ông đi lấy cây dâm dương hoắc để làm thuốc Ama Kông thôi cũng đã phải đi thật xa mới có chứ không như ngày trước người và rừng được ở gần nhau. Một lần, tôi hỏi ông thấy mình giống gì nhất. “Gió” - ông bảo. Ông thích được mãi như thời trai trẻ, mãi làm ngọn gió của đại ngàn đi khắp núi rừng Tây Nguyên, sang nước bạn Lào để bầu bạn và thuần dưỡng voi.

Lần tôi lên thăm ông gần nhất cách đây ba năm, khi ông ở tuổi ngấp nghé 100. Bên khung cửa ở căn nhà phía sau, ông cầm chiếc sừng trâu thổi những tràng thu voi. Tiếng thổi của mấy chục năm trước được cất lên sau mỗi lần voi nhà của ông thu phục được voi rừng. Ông bảo: “Cái bụng nhớ chuyện cũ nên cái miệng phải thổi thôi” - ông bảo vậy và cứ thổi mặc cho khách đã vào nhà và ngồi xuống sàn từ bao giờ. Tràng thổi lúc đó đã không còn dài được như trước, có lúc ông đưa chiếc tù và lên miệng nhưng không kéo nổi hơi để thành tiếng. Ông buông tay, thở dài. Tiếng thở dài của đại ngàn, như một con voi già nhìn vài chuyện đang diễn ra không theo ý muốn, đành bất lực, xuôi tay. Giờ thì ngọn gió ấy cũng đã về với những gru hoang dã của đại ngàn.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm