Xử lý hoa hậu chẳng phải chuyện đùa

Sự thật là suốt lịch sử các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, việc xử lý các scandal của hoa hậu luôn là chuyện nghiêm túc, chuyên nghiệp và đau đầu cho ban tổ chức (BTC).

Áp lực từ luật pháp lẫn dư luận

Với nhiều người, thi hoa hậu chỉ là một cuộc thi mang tính vui chơi, giải trí, kinh doanh hay gì đó. Tuy nhiên, thi hoa hậu là hoạt động được pháp luật quy định rõ ràng ở những điều khoản, nghị định, thông tư có giá trị luật pháp. Đó là những quy định như hoa hậu phải là công dân gương mẫu, không vi phạm luật pháp, phải là người có lối sống, đạo đức tốt, phải là người chưa kết hôn, đã tốt nghiệp THPT… Với chừng ấy quy định, tưởng đơn giản nhưng bất cứ cuộc thi nào, BTC các lần thi hoa hậu Việt Nam đều phải bù đầu giải quyết các vi phạm, các khiếu nại, tố cáo một cách vất vả. Lắm khi họ phải nhờ đến sự trợ giúp của công an, chính quyền địa phương.

Với BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, vấn nạn scandal có thể xảy ra ngay trước đêm chung kết hoặc sau khi cuộc thi kết thúc. Năm 2003, hoa hậu Nguyễn Thị Mai Phương sau khi đăng quang chẳng bao lâu thì cha mẹ cô gây ầm ĩ trong dư luận khi thông báo đến cả báo chí lẫn cơ quan điều tra rằng con gái họ mất tích. Sự kiện này khiến cả hệ thống Trung ương Đoàn - nơi chủ quản của báo Tiền Phong - đơn vị tổ chức Hoa hậu Việt Nam cũng phải sốt vó cùng trường học, ngành công an vào cuộc, khiến xã hội một phen náo loạn. Sự thật thì cô hoa hậu ấy bỏ nhà đi chơi cùng bạn trai. Sang đến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004, ngay trước vòng chung kết, thí sinh Trịnh Chân Trân, sau này là á hậu 1, bị đồn khai man lý lịch, không có bằng thạc sĩ. Còn thí sinh Nguyễn Thị Huyền, sau này là Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, bị tố cáo bị cạo trọc đầu vì bị đánh ghen. BTC cuộc thi phải yêu cầu Trịnh Chân Trân trình ngay bằng thạc sĩ. Riêng Nguyễn Thị Huyền thì BTC phải đi truy tìm người liên quan như thám tử để thu thập đến ba bản cam kết, xác nhận về nhân thân gương mẫu của Nguyễn Thị Huyền.

Câu chuyện của Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân và sau này là câu chuyện của thí sinh Vương Thu Phương (đang là ứng viên sáng giá nhất của chiếc vương miện, bị lộ ảnh đã làm đám cưới khiến cuộc thi hỗn loạn) đều chỉ ở mức BTC cuộc thi phải đương đầu với dư luận. Bởi những lời đồn đại, sự chỉ trích của dư luận luôn ào ạt đổ vào cuộc thi khiến cuộc thi chao đảo. Riêng những chuyện như Hoa hậu Thùy Dung chưa tốt nghiệp THPT khi được trao vương miện đã khiến BTC cuộc thi lao đao vì tất cả tờ báo lúc bấy giờ đều đặt vấn đề BTC cuộc thi đã vi phạm pháp luật. Danh tiếng và uy tín cuộc thi lúc đó đã phải nhận điểm đen. Vậy nên càng về sau, việc xem xét, xử lý các scandal hoa hậu càng được BTC Hoa hậu Việt Nam làm một cách thận trọng, chuyên nghiệp, dứt khoát hơn.

Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên để lại vết bẩn lớn nhất cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với scandal hút thuốc, say xỉn khi còn đương kim.

Ở cuộc thi năm 2014, trước đêm chung kết, giới báo chí hậu trường, trên các trang mạng ì xèo các thông tin thí sinh này làm gái bao, thí sinh kia là dân chơi, thí sinh nọ có hợp đồng chưa thanh lý, thí sinh nọ giải phẫu thẩm mỹ… Một số PV báo Tiền Phong - đơn vị tổ chức Hoa hậu Việt Nam đã phải méo mặt lặn lội hết tỉnh nọ đến tỉnh kia, về các nơi cư trú khác nhau của các thí sinh, kể cả nơi họ đã chuyển đi nhằm xác minh hành tung của các thí sinh bị tố cáo kiểu như điều tra để viết phóng sự điều tra vậy. Kết quả là gần như các thí sinh bị dính scandal đều không có giải cao.

Trách nhiệm với danh hiệu hoa hậu

Được cho là một lựa chọn an toàn với lý lịch học giỏi, còn chưa biết đi giày cao gót khi đến với cuộc thi, vậy nhưng hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên lại là người để lại vết bẩn lớn nhất cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với scandal hút thuốc, say xỉn. Và bởi chuyện này xảy ra khi cô đang còn là đương kim hoa hậu. Chuyện BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có một hội đồng xem xét chuyện kỷ luật cô là một việc làm có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với pháp luật. Bởi về mặt luật pháp, phải xem xét lại quy định và cam kết giữ hình ảnh của hoa hậu còn chưa chặt chẽ ở điểm nào để bổ khuyết. Riêng về mặt cộng đồng, BTC cuộc thi phải có trách nhiệm chọn ra một hoa hậu Việt Nam xứng đáng cho vẻ đẹp phụ nữ Việt cả về mặt trí tuệ, sắc đẹp lẫn lối sống.

Bản thân hoa hậu cũng phải là người ý thức được những giá trị mình đang đại diện, ý thức giá trị danh hiệu mình được trao để giữ gìn hình ảnh thích hợp. Cộng đồng cũng yêu cầu một hoa hậu không chỉ đẹp về hình thể mà còn phải có lối sống lành mạnh, tốt đẹp. Danh hiệu hoa hậu luôn đem lại những thay đổi đặc biệt đối với cuộc đời một cô gái. Danh hiệu hoa hậu được quy định bởi những điều khoản của pháp luật, cũng như được quy định bởi những chuẩn mực của cộng đồng xã hội.

Được biết xử lý một scandal hoa hậu tạo một áp lực không nhỏ với những người trong cuộc. Nguyên trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nhiều năm, ông Dương Kỳ Anh, kể từng có một thí sinh là ứng viên số một của chiếc vương miện đã tự tử khi bị loại khỏi cuộc thi vì bị phát hiện có con dù chưa có chồng. Hay trường hợp của thí sinh Vương Thu Phương, dù ban giám khảo đã thuyết phục bỏ thi rất nhiều nhưng cô vẫn tìm cách xuất hiện trong đêm chung kết cuộc thi khiến BTC đau đầu không ít.

Ông DONALD TRUMP, BTC Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới:

“Dư luận có quyền đòi hỏi nghiêm khắc đạo đức của người đẹp”

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009 “lập kỷ lục về số lượng scandal sex. Bắt đầu là Hoa hậu Nga Sofia Rudieva với những bức ảnh khỏa thân được tung lên mạng, dư luận ở Nga đã phản đối khi cô được cử đi dự thi ở tầm cỡ quốc tế. Hoa hậu Singapore Rachel Kum xuất hiện những bức ảnh cho thấy cô “giải trí” với những món hàng bán ở cửa hàng sex. Ngay trước khi cuộc thi diễn ra, Hoa hậu Lebanon Rosarita Tawil không được cử đi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ sau khi trên Internet xuất hiện những bức ảnh cô để ngực trần... Tất cả thí sinh dính scandal sex đều không lọt sâu vào các vòng thi sau và không đoạt giải thưởng nào ở cuộc thi này. Tỉ phú Donald Trump, chủ nhân của cuộc thi, nói: “Dư luận có quyền đòi hỏi nghiêm khắc về khía cạnh đạo đức đối với những người đẹp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm