BÚT KÝ VÕ ĐẮC DANH:

Có một người chị như thế

Rằng năm 1971, khi Ánh chưa chào đời thì cha mẹ đã ly hôn. Ánh lớn lên trong căn chòi xiêu vẹo, nghèo đói triền miên. Mùa nước nổi hai mẹ con bơi xuồng đi nhổ từng cọng bông súng, hái từng bông điên điển sống qua ngày.

Mẹ Ánh là một người đàn bà còn trẻ đẹp nên không thể không bước thêm bước nữa. Ánh không hiểu gì, chỉ thấy có một người đàn ông tới lui giúp đỡ hai mẹ con trong lúc thiếu áo đói cơm. Khi Ánh lên sáu tuổi thì đứa em trai ra đời, đặt tên là Phan Hồng Xuyên, theo họ cha. Rồi hai năm sau nữa, khi Phan Hồng Ngân tiếp tục chào đời thì một sự cố xảy ra, Ánh mới hiểu rằng mẹ mình đã sống không chính thức với một người đàn ông đã có gia đình. Thế là mẹ với cha kế lại chia tay. Cuộc sống vốn đói nghèo giờ mang thêm gánh nặng. Học xong lớp bốn, Ánh phải bỏ học để giữ em cho mẹ đi làm thuê kiếm sống.

Năm 1979, sau trận lũ lớn là dịch rầy nâu đã làm cho mùa màng mất trắng, làng xóm xác xơ, đói nghèo chồng chất, nhiều gia đình kéo nhau bỏ xứ ra đi, một mình mẹ Ánh không thể nuôi nổi ba đứa con, rồi ngôi nhà sập không có tiền cất lại. Mẹ con Ánh phải kéo nhau sang tá túc bên nhà ông ngoại. Thế nhưng tình cảnh ấy cũng chưa phải đến tột cùng, mẹ Ánh bị xơ gan, nằm liệt giường ba năm không có tiền thang thuốc, bà qua đời khi Ánh mười ba tuổi.
Ngay từ nhỏ, Ánh đã là một người chị biết thương em, hết lòng vì em, có đồ ăn, Ánh luôn dành cho hai đứa em ăn trước, khi nào dư mới đến lượt mình. Khi mẹ mất, bé Xuyên bắt đầu vào lớp một, rồi hai năm sau đến lượt bé Ngân. Sống với ngoại nhưng gia đình ngoại rất nghèo, mấy dì mấy cậu cũng sống chung trong cảnh nghèo túng ấy, Ánh phải luộc khoai, hấp bánh bò đội đi bán từ làng nầy qua xóm khác để có tiền cho hai đứa em ăn học. Cứ thế, thời gian trôi qua trong gian khó nhọc nhằn. Khi Xuyên lên lớp bảy, Ngân lên lớp năm thì nhà ngoại cũng chật hẹp vì mấy cậu mấy dì đã lập gia đình, ông bà ngoại thì tuổi già sức yếu, ba chị em Ánh xin được ra riêng với sáu công ruộng và một nền nhà, xem như của phụ ấm dành cho con cháu. Ngày Ánh cất nhà, ông ngoại cho bộ cột tre, sườn  tre và một số cây ván trong vườn. Nhà dựng lên rồi, có chổ che nắng che mưa nhưng thiếu từ nồi niêu soong chảo cho đến mùng mền chiếu gối. Ánh phải đi làm thuê để sắm từng món đồ dùng. Mùa hạn thì đi gặt mướn, ngày nào không ai mướn thì đi giủ rơm. Đến những nơi người ta vừa suốt lúa xong, để lại những đống rơm như núi giữa đồng, giủ cả ngày, giủ từng nắm rơm để mót vài hạt lúa, góp nhặt như thế mỗi ngày cũng kiếm được năm mười ký lúa, bán được vài chục ngàn đồng. Mùa mưa, nhà nông bắt đầu sạ lúa thì Ánh lân la tìm mối để đội lúa giống ra đồng. Đội một bao từ nhà ra ruộng, tùy theo đoạn đường dài hay ngắn mà tính tiền công.

Có những chiều đi học về, Xuyên và Ngân bất chợt nhìn thấy chị mình đội trên đầu bao lúa giống, nước chảy ròng ròng từ đầu xuống tấm thân gầy guộc, từng  bước đi nặng nhọc, liêu xiêu trên bờ ruộng, hai em đã khóc. Nhiều lúc Xuyên định nghỉ học để giúp chị, cùng chị lo cho Ngân học hành đến nơi đến chốn. Nhưng Ánh bảo, chị đã chấp nhận hy sinh đời chị để thay đổi đời em, dù phải cạp đất mà ăn, nhất định hai em phải vào đại học. Quả vậy, cạp đất ăn là cách ví von của ông bà xưa để chỉ cái tận cùng nghèo đói, không đến nỗi phải cạp đất ăn nhưng gần mười năm dài, ba chị em Ánh phải ăn cơm với rau luộc chấm nước muối. Vậy mà Xuyên và Ngân vẫn học hành tử tế, những tờ giấy khen của hai em mang về cuối học kỳ hay cuối năm chính là niềm hạnh phúc của Ánh, là động lực cho chị tiếp tục hy sinh trong sự thanh thản đến lạ thường.

Khi Ánh bước qua hai mươi tuổi, đã có nhiều người đi hỏi cưới, có người trực tiếp tỏ tình, có người cậy người mai mối. Trong những chàng trai ấy, cũng có người làm cho Ánh xao lòng, khát khao hạnh phúc. Nhưng đêm đêm, nhìn Xuyên và Ngân miệt mài sách vở bên ngọn đèn dầu leo lét, Ánh hình dung khi mình đi lấy chồng, hai đứa em chẳng khác nào hai con gà con mất mẹ, đói rách và dang dở chuyện học hành, tương lai chúng sẽ về đâu. Nghĩ vậy, Ánh đành gát lại hạnh phúc của riêng mình. Hiểu được sự hy sinh của Ánh với hai đứa em trai, anh Trần Văn Trọ ở bên bờ bắc sông Tiền muốn sẻ chia gánh nặng cùng với Ánh, anh nói rằng nếu chấp nhận thương anh, Ánh khỏi phải về nhà chồng mà anh sẽ sang ở với Ánh để cùng lo cho Xuyên và Ngân ăn học. Nhưng Ánh không tin, chị cho rằng khi thương thì cái gì người ta cũng hứa, khi vào cuộc rồi mới biết.

Cứ thế, Anh âm thầm, gầy guộc như tấm thân cò lặn lội đồng sâu qua bao mùa nước nổi. Rồi đến một ngày, nhận được tin Xuyên trúng tuyển vào đại học, Ánh đã khóc, khóc vì trời không phụ lòng mình, nhưng cũng khóc vì đứng trước một nỗi lo quá lớn: chi phí cho một sinh viên không đơn giản như một học sinh phổ thông ở quê nhà. Ruộng thì liên tiếp mất mùa vì lũ lụt, lúa, heo càng ngày càng rớt giá. Đi bán khoai lang, bán bánh bò, cây mướn, làm cỏ mướn, đội lúa, đội phân, cắt lúa, lượm lúa bông, giủ rơm . . . cái điệp khúc ấy quần quật từ hừng đông đến khi cúm núm kêu chiều, năm nầy qua tháng nọ đã kiệt sức tàn hơi thì làm sao có thể đưa hai đứa em bước qua cổng trường đại học. Ánh quyết định cố đất lấy tiền, vừa trang trải chi phí cho hai đứa em, vừa ra chợ huyện học may để có cái nghề ổn định.

Hai năm sau, khi Ngân trúng tuyển vào đại học thì Ánh đã trở thành một thợ may với đủ phương tiện để mở tiệm tại nhà.

Cuối năm 2004, Ánh được mời đi dự Đại hội khuyến học toàn quốc tại Hà Nội với tư cách là đại biểu xuất sắc. Được mời lên báo cáo, nhưng chị chỉ biết khóc mà chẳng nói được câu nào, chị nói khóc vì không ngờ rằng mình đã thành công. Bây giờ thì hai đứa em của Ánh đã trở thành giáo viên cấp ba. Xuyên dạy toán ở trường Trung học phổ thông Tam Nông, Ngân dạy lý ở trường Trung học phổ thông Thanh Bình. Ngôi nhà cũ sau nhiều xác lá, giờ lợp lại mái tôn. Ánh năm nay đã tròn ba lăm tuổi. Làng xóm cứ nghĩ rằng hy sinh cho đời em xong rồi đời chị thành gái lỡ thời. Nhưng bất ngờ, sau khi Ngân ra trường được mấy hôm thì anh Trọ từ bên kia sông Tiền bơi xuồng qua nhà Ánh. Sau khi nói lời chúc mừng Ngân bái tổ vinh quy, anh Trọ nói với Ánh rằng chín năm qua, cha mẹ đã nhiều lần giục anh đi cưới vợ, nhưng anh đã âm thầm chờ đợi cái ngày nầy.

Không còn lý do gì để từ chối, lại càng không thể từ chối một tình yêu, một tấm lòng đã vì mình mà chờ đợi đến chín năm. Ngày cưới của họ chỉ vài mâm cỗ đơn sơ với sự chia vui của thân tộc, láng giềng ở hai đầu xóm. Nhìn những bức ảnh cưới, chúng tôi hiểu Xuyên và Ngân đã mừng vui, hạnh phúc đến dường nào. Nói về chị mình, Xuyên chỉ nói gọn một câu: "Chị là chị mà hơn cả chị. Chị cũng chính là mẹ mà còn hơn cả mẹ. Tụi em rồi cũng sẽ có vợ, nhưng điều quan trọng là làm cho vợ em hiểu được chị em để sống với chị một cách đàng hoàng".

Theo vannghesongcuulong.org.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm