Gặp mặt thần đồng

Chương trình giao lưu mang tên “Văn hóa đọc với nông thôn” thu hút khán thính giả từ học sinh, giáo viên đến các bác nông dân của Quỳnh Phụ. Họ đến không chỉ đơn giản để gặp mặt người nổi tiếng mà muốn được chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống: văn học, Phật giáo, sức khỏe hay đơn giản là câu chuyện mất chó của cậu bé Trần Đăng Khoa trong bài thơ Sao không về Vàng ơi.

Gặp mặt thần đồng ảnh 1

Một bác nông dân đặt câu hỏi với nhà thơ Trần Đăng Khoa - Ảnh: H.Điệp

Việc mời một số nhà văn, nhà thơ hoặc nhà nghiên cứu về địa phương để giao lưu nói chuyện với bà con nông dân về tình hình đời sống văn học, sáng tác do những người thực hiện chương trình Không gian đọc của huyện Quỳnh Phụ tổ chức.

Đây là một trong các hoạt động khuyến khích người dân đọc sách bên cạnh việc nhân rộng mô hình thư viện gia đình mini, đặt các điểm đọc sách miễn phí rải rác tại các thôn.

Cuộc giao lưu đầu tiên được tổ chức năm 2010, thu hút khoảng 400 người tham gia. Lần này, ngoài sự có mặt của nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cũng tặng không gian đọc An Phú cuốn sách ảnh Họ đã sống như thế.
 
Bác Nguyễn Thị Tân (56 tuổi) tham gia buổi giao lưu với mong muốn được nghe các diễn giả nói chuyện vì: “Trước nay tôi vẫn thường xem tivi hay nghe đài nhưng có rất nhiều thắc mắc không được giải đáp. Bởi vậy tôi đến đây để nghe xem người ta nói gì và những gì cần hỏi tôi có thể hỏi được. Chỉ tiếc là hôm nay không có nhiều thời gian nên mọi người hỏi về thơ và văn nhiều quá, tôi không hỏi được những câu hỏi cho riêng mình. Tuy nhiên, đối với các cháu học sinh thì việc các khách mời nói về thơ và văn rất tốt cho việc học hành. Năm ngoái tôi đã tham gia buổi giao lưu và nếu sang năm tiếp tục có thì tôi cũng vẫn đến”.

Nguyễn Ngọc Diệp (học sinh lớp 6 Trường THCS An Đồng) đã đến từ trưa để “xí” chỗ ngồi tốt. Diệp nói: “Cháu đã được đọc và học rất nhiều bài thơ của bác Trần Đăng Khoa, cũng đã đọc các bài báo về bác. Thế nên hôm nay cháu đến sớm để nghe bác ấy nói chuyện và để tự tin hơn, không tự ti mình là người nhà quê nữa. Bởi rất nhiều người tài giỏi đều có xuất thân từ nông thôn”.

Với không khí hào hứng, sau mỗi câu chuyện, mỗi chia sẻ của các diễn giả, dưới khán phòng lại rộ lên những tiếng vỗ tay thích thú. Ngồi hàng ghế đầu tiên, bác Vui (sinh năm 1949) bộc bạch: “Tôi được học thơ Trần Đăng Khoa trong phong trào bình dân học vụ từ những năm 1960. Trong thâm tâm, tôi luôn cho rằng Trần Đăng Khoa hẳn đã già lắm, thậm chí trong thôn còn có người tưởng ông đã “đi” rồi. Thật không ngờ ông nói chuyện hay thế, dí dỏm và gần gũi thế”.

Và hơn hết, với những buổi giao lưu như vậy khoảng cách giữa nông dân và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu không còn quá xa cách. “Khi chúng tôi không thể lên được với họ vì cách trở đò giang, vì đường sá xa xôi thì chúng tôi được gặp họ tại đây, nghe họ chia sẻ bí quyết thành đạt, học tập. Đó cũng là cách để con cháu chúng tôi nhìn vào để học tập” - một người dân đã nói vậy khi buổi giao lưu kết thúc.

Theo HOÀNG ĐIỆP (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.