“Ngọc” từ mấy mươi năm theo nghề báo

Không viết những điều không biết

. Phóng viên: Thưa ông, đọc Không có gì và không một ai, nhiều người làm báo “nhận ra” những câu chuyện, chi tiết, nhân vật về nghề báo trong truyện rất giống chuyện thật, người thật ngoài đời. Vậy đây là chuyện thật hay do hư cấu trùng hợp?

“Ngọc” từ mấy mươi năm theo nghề báo ảnh 1
+ Nhà văn-nhà báo Nguyễn Đông Thức: Có những người bạn, người quen cứ đi kiếm tôi hỏi nhân vật này, nhân vật kia trong truyện là ai ngoài đời. Có người nói với tôi tác phẩm này là nhật ký của người làm báo. Tôi đều trả lời đây là tiểu thuyết được hư cấu từ những người thật, việc thật tôi từng biết.

Song tất nhiên, với nghề báo thì tôi có những gửi gắm của riêng mình vào đây. Tôi chọn cách trình bày khách quan, chính xác những sự kiện, suy nghĩ của các nhân vật, không bình luận. Với những chuyện được tường thuật, người đọc sẽ có những suy nghĩ riêng, bình luận, có sự đánh giá của riêng mình. Tôi mong đọc giả sẽ thấy được những người làm báo qua nhiều thời kỳ từ bao cấp sang đổi mới, bên cạnh những hứng khởi, hừng hào, những thành quả đạt được từ lao động nghề nghiệp, cũng có những cái khó, sự vất vả, nỗi khổ riêng của mình. Từ đó, có thể đúc kết một điều hết sức đáng quý: Lúc nào những người làm báo chân chính cũng làm mọi cách có thể để đưa được thông tin đến người đọc bằng lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của mình.

. Đọc Không có gì & không một ai, có cảm giác dường như các câu chuyện chưa được đẩy đến tận cùng?

+ Cũng có vài người bạn nói với tôi như vậy. Tôi từng dự tính sẽ viết hai tập. Nhưng như đã nói, tôi không dụng tâm đào sâu mà chọn cách trình bày, tường thuật sự kiện, không bình luận mà nhường cho người đọc chuyện đó. Với lại, nhiều khi để câu chuyện nhẹ nhàng sẽ dễ thuyết phục hơn là đẩy câu chuyện vào hoàn cảnh khắc nghiệt...

. Nhân vật làm báo trong truyện có thực tế làm nghề gai góc với nhiều va đập, thử thách. Cuộc sống nghề báo thực của ông thì sao?

+ Tôi có 32 năm làm ở báo Tuổi Trẻ, công việc gần như lúc nào cũng êm đẹp vì hầu hết thời gian tôi chuyên trách mảng văn hóa văn nghệ. Chỉ có những năm tôi phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười mới có va chạm nhiều, vì đây là tờ báo mang tính đấu tranh với tiêu cực bằng sự châm biếm, trào phúng.

“Ngọc” từ mấy mươi năm theo nghề báo ảnh 2

. Có vẻ như từ Ngọc trong đá đến Không có gì và không một ai, ông chỉ viết về những điều mình đã từng trải nghiệm?

+ Đúng. Đây là cái bệnh của nghề làm báo ở tôi. Đó là viết cái gì cũng muốn chính xác, cái gì không biết không dám viết. Muốn viết về bệnh thận của một nhân vật trong truyện, tôi phải đọc ít nhất hai quyển sách về nó. Muốn viết về việc trồng cây mía, tôi phải đi thực tế coi cây được trồng như thế nào. Viết về đời sống ở Mỹ trong truyện này, dù đã đi Mỹ ba lần tôi vẫn phải mail nhờ bạn tôi bên đó sửa lại nhiều lần. Có nhiều truyện thật đến 100% như chuyện ở nông trường Xuân Mới, chuyện tổng công ty vật tư nông nghiệp… Cái bệnh nghề nghiệp này có cái hại mà vợ tôi hay chê là “trí tưởng tượng kém”. Nhưng nó cũng có lợi là tôi không phải sợ người ta đọc truyện nói thằng cha này viết xạo, viết sai.

“Cuộc sống lúc nào cũng đẹp!”

. Đi cùng câu chuyện đậm đặc về nghề báo, ở Không có gì & không một ai còn có cả một đời sống rất thực của miền Nam sau năm 1975 với những người trẻ trong buổi giao thời của hai chế độ cũ và mới. Có hay không thực tế của tác giả trong tác phẩm này?

+ Tôi ghi nhận câu chuyện một thời tuổi trẻ của tôi và bạn bè tôi - những người còn rất trẻ khi Sài Gòn giải phóng. Những người như thể vướng giữa hai chế độ cũ và mới. Họ chấp nhận hay không chấp nhận cuộc sống mới? Họ đi vào cuộc sống mới như thế nào? Có những người muốn hòa vào cuộc sống mới nhưng bị từ chối… Có người đi vào cuộc sống mới mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Những người dù cuộc sống có thay đổi như thế nào họ vẫn có khao khát sống đẹp, có ước mơ, cũng vào rừng, xuống biển như tất cả thanh niên thời đó. Không ít người trong họ đã thực sự sống tốt.

. Với nội dung tác phẩm có nhiều sức nặng thực tế xã hội như thế, tại sao ông lại chọn cái vỏ tiểu thuyết tình cảm lãng mạn - tình tay ba học trò?

+ Với những đề tài như vầy phải có tình yêu để làm câu chuyện nhẹ nhàng hơn mà đồng thời lại có sức nặng hơn. Chỉ với tình yêu người ta mới chịu đựng được nhiều điều đau đớn trong cuộc sống. Có người tựa vào lý tưởng hay một điều gì đó nhưng cũng có người tựa vào tình yêu để có thể đi tới.

. Bây giờ nhìn lại và nhìn về phía trước, ông nghĩ gì về cuộc sống?

+ Cuộc sống lúc nào cũng đẹp. Sống, mình cần nhìn vào những mặt lạc quan, những mặt đẹp của con người và sự việc. Đương nhiên, còn có rất nhiều điều không như ý mà mình nghĩ là tại sao cứ phải chịu đựng nó trong cuộc sống, như từ chuyện rải đinh, khoan cắt bê tông đến chuyện tham nhũng. Nhưng tôi vẫn tin là cuộc sống sẽ phải thay đổi, sẽ phải tốt đẹp hơn. Mỗi người nên làm điều gì tốt nhất mình có thể làm để cuộc sống thay đổi tốt đẹp.

Trong cuộc sống, giai đoạn nào cũng có một số người bất đắc chí. Cuộc sống thay đổi, họ không chịu làm gì mà cứ ngồi than thở. Tôi hiện cũng có vài người bạn như vậy. Tôi thấy sống như vậy là tự làm khổ mình. Đứng lên đi làm một điều gì đó có phải sướng hơn cho mình và có ích hơn cho người thân của mình, phải không?

. Xin cảm ơn nhà văn. Chúc cuộc sống của ông sẽ mãi vui, đẹp.

“Ngọc” từ mấy mươi năm theo nghề báo ảnh 3
“Ngọc” từ mấy mươi năm theo nghề báo ảnh 4

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm