Những ngày cuối tháng 7

Mặt đất bỏng rát, bầu trời cao và nắng chói chang. Từ sáng sớm đến tối mịt, chẳng có lấy một gợn gió nhỏ hay một đám mây lạc loài nào. Suốt cả tháng liền cỏ cây héo quắt, đến những viên sỏi và cát dưới chân cũng bị nung lên. Con người, con vật đều khô nỏ cả ra.

Chiều nào, mấy ông già thương binh cũng kéo nhau ra trước cửa khu căn tin của bệnh viện. Những khuôn mặt dúm dó, những đôi mắt đỏ ngầu nhìn ai cũng muốn cà khịa. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa thần kinh mới hiểu được tâm lý, bệnh tình những người thương binh này. Họ thường xuyên chống chọi với những cơn đau, trong lòng như lửa đốt, lại gặp thời tiết nóng hầm hập thế này là tinh thần bị kích động... Nhưng năm sau, rồi năm sau nữa, cứ mỗi dịp 27-7, những người quay trở lại bệnh viện điều trị cứ ít dần đi. Ốm đau, bệnh tật đã đưa họ về với tổ tiên, cát bụi. Chiến tranh đã lùi xa mà có vẻ như chẳng còn ai muốn nhắc đến hai từ chiến tranh nữa. Chiến tranh chắc cũng không khổ bằng thời tiết khắc nghiệt này.

* * *

Tôi là cô giáo dạy văn ở trường trung học. Lúc rảnh rỗi, tôi giúp mẹ chồng bán mấy thứ lặt vặt ở cổng quân y viện. Khách hàng đa phần là những bệnh nhân mua bán mấy thứ đồ nhỏ nhặt. Người cau có, kẻ cò kè, nhiều khi bực mình hết nỗi nhưng tôi đâu dám nặng nhẹ với ai như mấy ông già thương binh kia!

Tôi mang một túi cam đường, quả nào cũng căng mọng nước ra mời các ông ăn. Tôi đặt vào tay các ông những cái quạt giấy nhỏ. Một ông cao lòng khòng, cằm bên trái mất một góc, thành ra mặt mũi không còn bình thường nữa. Ông quay lại quắc mắt lên nhìn. Sợ quá, tôi nói thật rành rọt:

- Ngày trước, bố cháu cũng là bộ đội.

Ông già cụt tay ngồi bên cạnh nói mát:

- Hư…ừ! Bố chị cấp tướng, cấp tá nên chị mới ăn trắng mặc trơn thế này?

Tôi xót xa đến nghẹn lòng bởi cái sự giận hờn của người già bị thương tật:

- Bố cháu cũng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị mà.

Một ông cụt đến giữa đùi cầm cái nạng gỗ, hỏi:

- Ôi giời! Có đau đớn như chúng tôi không?

Tôi gấp tờ báo cũ, quạt phe phẩy:

- Chắc bố cháu chẳng kịp đau đớn đâu ạ.

- Biết ngay mà, ông ấy chỉ ngó qua chiến trường. Sao mà nếm được mùi súng đạn?

- Bây giờ, bố cháu vẫn nằm dưới sông Thạch Hãn ấy...

Mấy ông già thương binh sửng sốt nhìn tôi. Ông già mất một góc cằm trái lúc ấy mới cất giọng gió phào phào:

- Còn mẹ chị? Bây giờ mẹ của chị ở đâu?

Tôi chợt hiểu ra rằng sự quan tâm đầu tiên của những người lính chiến dành cho nhau là… gia đình, vợ con. Bao đau thương mất mát và cả sự khó chịu trong nắng nóng hình như dịu hẳn lại. Tôi ngồi ở giữa những đồng đội của cha mình, bỗng dưng cảm thấy gần gũi, thân mật quá, dù chỉ mấy phút trước, họ làm cho tôi sợ hãi và xa cách.

- Mẹ cháu vào trong ấy mấy hôm rồi, năm nào vào dịp 27-7, mẹ cháu cũng vào Quảng Trị.

- Khổ thân! Chị ấy còn vào làm gì nữa? Một ông nói nho nhỏ.

- Chẳng ai ngăn được đâu. Mẹ cháu bảo nếu không vào, bố cháu sẽ mong lắm. - Tôi ngồi xích dần lại gần mấy ông già khó tính. - Các chú về phòng nghỉ đi. Trời mát rồi, mai các chú lại ra đây chơi với cháu nhé.

Các ông già lập cập đứng dậy, chậm rãi đi về khu điều trị. Lúc ấy, họ hiền lành như hạt lúa củ khoai. Tự nhiên, tôi thấy xót xa và thương họ vô cùng.

Tôi đã quen biết các ông già thương binh ấy như vậy.

* * *

Ông già mất một góc hàm trái ngồi nán lại. Ông nằm điều trị ở khoa nội, mặc quần áo bệnh nhân màu xanh da trời. Hai bên ống quần dài chùng xuống che kín cả bàn chân. Cái áo may ô màu trắng ngà không che được một bên lồng ngực bẹp dúm nhưng ông già ý tứ vắt cái khăn mặt trên vai, giấu kín một bên xương đòn cong oằn ra phía trước. Mấy người lạ nhìn cái hàm trái bị mất một góc của ông như dòm ngó quái nhân dị tật. Mặc kệ ai quát tháo hay xì xầm, ông già cứ ngồi im, đôi mắt lờ đờ nhìn tận đâu đâu. Chỉ đến khi những ông bạn già về hết, nhà chờ thăm của bệnh viện lại tĩnh lặng, yên ắng thì ông bắt đầu nói. Ông già nói toàn những chuyện ngày xửa ngày xưa có vẻ chả liên quan đến bầu không khí đang nung nóng cỏ cây hoa trái ở đây.

Tôi ngồi bên cạnh ông. Có một sợi dây vô hình nào khiến tôi cảm thấy thật gần gũi với một ông già cô đơn tật nguyền, bị chứng trầm cảm, đang cố gồng người trở lại thời trai trẻ đã đi qua.

Ông già quay sang nói chuyện với tôi. Cái hàm dưới khuyết một góc bên trái mỗi khi há ra thì miệng lại hở sâu như cái hố tối om.

- Quê chú xa lắm, tít sau dãy núi kia kìa.

Ông già chỉ tay về hướng mặt trời đỏ ối như quả cầu lửa đang lặn, chìm dần sau dãy núi mờ mờ. Giọng nói của ông rặn rộ phào phào nặng trình trịch, ẩn mất dấu huyền.

- Phía dưới ấy là thung lũng, cắm cây lúa là tốt bời bời, cá cua vô khối, toàn cá rô, cá diếc, chạy lên đồi rứt nắm lá chua me rồi kho cháy, giờ thì chả còn nữa…

Tôi vẫn chăm chú nghe, chỉ sợ hỏi ngang sẽ cắt đứt luồng suy nghĩ của ông già. Tôi bắt gặp đôi mắt lờ đờ của ông nhìn về phía xa xa tiếc nuối một điều gì đó không cắt nghĩa nổi. Tôi chưa một lần được thưởng thức món cá diếc kho lá chua me nhưng nghe ông già tả mà thấy thèm và cuốn hút quá.

- Ngày trước, chú đốt cả một quả đồi, tro than gì cũng mặc kệ, mưa xuân xuống, những lớp đất xốp lên, tơi bở ra. Chè tốt rậm kín cả vùng. Ngày chưa đi lính, chú toàn hái các loại hoa lá ở rừng, quẩy cả gánh rau sắng về Hà Đông bán. Người kẻ chợ nấu với thịt nạc, ngọt lắm…

Tôi nói chen vào và cốt để ông có thời gian ngừng lại, được nghỉ ngơi cho đỡ mệt: Chú làm cháu thèm quá. Bây giờ họ vẫn bán mà chú, nay mai khỏi bệnh, đến mùa rau sắng, chú mang ra, cháu bán giúp nhé.

Ông già dường như không nghe tôi nói, giọng cứ đều đều, xa xăm:

Mùa không có rau sắng thì gánh củi, cả chè xanh, cả lá thuốc bắc. Vậy mà bây giờ đến cái lá cũng tiệt. Tài thật, chim muông thú dữ cũng biến sạch…

Ông già lại chỉ tay về cái nơi hoàng hôn đang sậm dần lại. Phía chân trời xa xa, những tia nắng cuối cùng cũng lặng lẽ lịm đi, rồi tắt hẳn.

Tôi có nghe mẹ kể những ngày chiến tranh và tôi cũng không lạ gì đất và người quê hương ông, một vùng bán sơn địa. Ở những khu đất cao vói lên, người ta chăn nuôi trâu bò. Họ chăn thả từng đàn trên sườn đồi. Chỉ những chỗ trũng nhất mới trồng được lúa nhưng vất vả lắm cây lúa mới ra bông được, hình như nơi ấy hợp nhất với cây sắn, mà ăn sao được sắn quanh năm. Người dân trong vùng vẫn trồng rồi chở ra chợ đồng bằng bán làm của ăn chơi quà vặt. Vất vả thiếu thốn chứ đâu được an nhiên, thơ thới như ông kể.

Ngồi nói lảm nhảm giọng gió phào phào kể lại chuyện quê hương từ cái thủa nảo thủa nào mà ông già cứ say sưa như vừa xảy ra. Tôi hẹn với ông: “Tối rồi, chú về khoa nghỉ ngơi đi. Mai chú lại ra đây cho mát ạ”. Ông đứng dậy, chào tôi rồi cắp cái mo cau tập tễnh bước đi. Bóng ông già nhập nhoàng dưới những cây xà cừ cổ thụ, khăn mặt màu cháo lòng vắt trên vai. Ông đi về khu điều trị thương binh khoa ngoại.

* * *

Tôi hay đóng cửa hàng, đi lang thang lòng vòng ở bệnh viện. Tôi thường bị ám ảnh bởi những chiếc nạng gỗ chống lọc cọc xuống con đường xi măng trơ trọi trong bệnh viện hoặc là những ống tay áo vắt lủng lẳng sau vai của một người nào đó, bởi một cánh tay đã gửi lại nơi chiến trường.

Tôi chỉ được biết mặt cha qua tấm ảnh đặt dưới bằng Tổ quốc ghi công. Bà nội tôi kể lại: Một chiều cuối năm, cha tôi tạt qua nhà. Lúc ấy mẹ tôi đang tất bật gói bánh chưng ở cửa hàng thực phẩm, biết tin chồng về, mẹ tôi vội vàng để thịt lợn, đậu xanh, lá dong, gạo nếp lại, cuống cuồng đạp xe về nhà…

Khi bóng tối sập xuống, tiếng còi tàu hú vang ngoài ga Hàng Cỏ, cha tôi khoác vội cái ba lô cạy cửa nhào ra ôm chặt lấy bà nội. Mẹ cuống cuồng chở cha tôi ra ga, sau lưng là bà tôi ngồi thụp xuống thềm âm thầm khóc. Chỉ đến khi con tàu lẫn vào màn đêm, mẹ tôi mới lau nước mắt rồi vội quay lại cửa hàng. Đàn chuột cống đã xơi sạch cả mấy tô thịt gói bánh. Năm ấy, bánh chưng của cửa hàng không có nhân thịt lợn.

Tôi ra đời vào một chiều cuối thu nắng vàng rực rỡ. Cha tôi mãi mãi ở lại chiến trường, dù mẹ héo mòn chờ đợi cha tôi về để khoe con gái…

Tôi kể tiếp với ông già mất một góc hàm trái về chuyện mẹ tôi, bao năm rồi, mẹ luôn sống bằng ký ức. Năm nào làm giỗ cha tôi xong, mẹ lại vào Quảng Trị. Lần nào mẹ cũng ôm một bó hoa hồng từ Hà Nội vào để thả xuống dòng sông, nơi cha tôi đã hy sinh. Mẹ ngồi hết chiều trên bờ sông Thạch Hãn, một mình lầm rầm nói chuyện với người âm. Lần nào trước khi ra về mẹ cũng nói với cha: “Sang năm. . . cuối tháng 7. . . em lại vào”.

Nghe tôi kể, ông già thương binh thở dài đến não ruột.

* * *

Tháng 7 năm nay, tiết trời dịu hơn mọi năm trước nhưng bệnh viện cũng vắng vẻ đi nhiều. Những người khó tính cứ ít dần, nhóm ông già năm trước chỉ còn lại ba người. Cứ thấp thoáng xa gần từng khuôn mặt, từng giọng nói, từng vùng quê của họ... ám ảnh trong trí nhớ của tôi.

Ông già thương binh hàm trái mất một góc ấy lại về nằm viện. Ông xách ra cho tôi cân bột sắn và chục trứng gà. Ông bảo: Chú không ốm đau gì cả. Chú về bệnh viện để gặp gỡ anh em bạn bè thôi. Ngày trước đơn vị chú cũng đánh Quảng Trị. Ác liệt lắm, mình còn lê được tấm thân về đây là lãi rồi, tốt phúc lắm rồi, đòi hỏi làm gì, ầm ĩ mà làm gì.

Tôi không nghĩ đây là lần cuối cùng ông già đến bệnh viện bởi kết quả xét nghiệm rất bi quan, ông bị ung thư dạ dày đã di căn lên phổi. Tội nghiệp ông già, những cơn đau bụng âm ỉ xuất hiện từ sau tết. Cơn đau thường lẫn lộn với cái nhức nhối của vết thương cũ, với ông thì đau gì cũng là trái gió trở trời nên nó hành hạ. Đau chán, nhức nhối vài ngày rồi cũng xong. Lạ kỳ! Ông cứ một mực nghĩ: Đến bệnh viện là chỉ để gặp gỡ đồng đội trong những ngày cuối tháng 7 chứ hoàn toàn không phải bệnh tật…

Chiều bệnh viện oi nồng hơn nơi khác. Tôi vào thăm, ông đang truyền nước. Đôi mắt hấp háy, không mở to ra được, những ngón tay khẽ động đậy, muốn giơ ra cũng chẳng được nữa rồi. Da mặt nhăn nheo, xạm lại, ông vẫn cố mỉm cười…

Tôi lặng lẽ ngồi xuống, nắm lấy bàn tay khô khẳng lạnh giá của ông, khẽ gọi: “Chú ơi!”. Miệng ông mấp máy nhưng hơi thở của ông gấp gấp rồi nghẹn lại. Tôi cúi xuống, giọng sẽ sàng lại nói với ông câu chuyện mà ông đã nghe nhiều lần: “… Mẹ cháu vào Quảng Trị mới về chú ạ...”.

Tôi thấy ông khẽ gật đầu, lại mỉm cười. Rồi nụ cười chợt tắt nhưng gương mặt vẫn rạng rỡ. Có lẽ ông đang nghĩ đến đàn bò đen, lũ trâu trắng no tròn đủng đỉnh trên con đường cát bụi mù của những buổi chiều mặt trời xuống núi.

Truyện ngắn của VŨ MINH NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm