Sách “nhập” nhiều, “xuất” ít

Chiều qua (21-9), Hội chợ - Triển lãm sách quốc tế Việt Nam lần thứ III kết thúc với không khí đông vui cho đến ngày cuối. Tuy nhiên, các giao dịch về bản quyền, hợp tác xuất bản mang yếu tố “quốc tế” như tên gọi của hội chợ vẫn còn mờ nhạt.

Ông Trịnh Tráng - Trưởng phòng Xuất khẩu, hiệu sách Thế giới sách ngoại văn (Xunhasaba) cho biết các NXB nước ngoài hiện đang tất bật chuẩn bị cho Hội chợ sách Frankfurt (hội chợ sách quốc tế quy mô lớn, tổ chức vào đầu tháng 10 hằng năm tại Đức). Vì thế, việc tổ chức Hội chợ sách quốc tế tại Hà Nội vào thời điểm này là không phù hợp, rất khó thu hút các đơn vị xuất bản nước ngoài đến giao dịch, tìm hiểu thị trường xuất bản phẩm trong nước.

Sách “nhập” nhiều, “xuất” ít ảnh 1

Khách chủ yếu tập trung ở các quầy sách nội (quầy giới thiệu sách của Tổng Công ty Sách Việt Nam). Ảnh: BẢO PHƯỢNG

Còn ông Phạm Sĩ Sáu, Trưởng Ban Khai thác đề tài và Giao dịch tác quyền - NXB Trẻ, cho rằng việc nhập sách nước ngoài hiện nay rất rầm rộ, còn việc xuất các xuất bản phẩm trong nước ra nước ngoài thì còn… ở thì tương lai. Ông Sáu cho biết hiện nay nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho các NXB trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. “Toàn bộ vốn đầu tư cho việc xuất khẩu văn hóa phẩm đều do NXB đầu tư hoặc liên doanh với đơn vị xuất bản tư nhân. Đơn giản như cước vận tải để chuyển một cuốn sách tiếng Việt ra nước ngoài đã lên tới hàng chục đôla, chưa nói đến việc đầu tư bài bản để dịch một tác phẩm ra tiếng Anh, tiếng Pháp… Hoặc tổ chức các đoàn đi tham gia hội chợ sách quốc tế, NXB muốn đưa một vài cán bộ đi cũng đã tốn hàng trăm triệu đồng. Vậy nên tới hội chợ nào các NXB cũng chỉ tập trung khai thác sách nước ngoài về để lấy thu bù chi!”.

Theo số liệu của ban tổ chức thì có 30 NXB nước ngoài tham gia hội chợ, triển lãm nhưng chỉ có hai tổ chức quốc tế hiếm hoi có gian trưng bày tại hội chợ. Đó là Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hội chợ sách Frankfurt. Ông Hans - Michael Fenderl, đại diện Hội chợ sách Frankfurt, trao đổi: “Việc có mặt tại Hội chợ sách quốc tế lần này là bước đầu chúng tôi tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Việc dịch các tác phẩm Đức sang tiếng Việt phát triển hơn so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Nhưng dịch các tác phẩm tiếng Việt sang Đức ít hơn rất nhiều. Nếu dịch theo chiều Đức - Việt là 15 cuốn/năm thì theo chiều ngược lại chỉ 1 cuốn/năm”.

Những khó khăn mà ông Hans chỉ ra là số lượng người có khả năng (ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa…) để dịch được sách Việt ra tiếng Đức rất ít, thu nhập trả cho họ cũng chưa tương xứng. Ông Hans cũng nhấn mạnh về khâu quảng bá của các tác giả, các NXB Việt Nam còn rất hạn chế: “Muốn tìm kiếm thông tin về các tác giả Việt Nam chúng tôi không biết tìm ở đâu, không biết tác giả nào đang nổi bật nhất ở Việt Nam. Theo tôi, nhà nước nên hỗ trợ trước hết khâu quảng bá về các tác giả, tác phẩm Việt Nam”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2007 đã có 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được xuất bản ở Việt Nam. Nhưng đến nay mới chỉ có 570 tác phẩm của Việt Nam được dịch.

Một số tác phẩm như Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, Phố của Chu Lai, tập thơ Những người đàn bà gánh nước sông của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… đã được dịch và xuất ngoại. Tuy nhiên, các tác phẩm này đều được NXB nước ngoài mua bản quyền theo thỏa thuận với nhà văn và tổ chức in, phát hành ngoài biên giới Việt Nam.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm