"Trăm năm cô đơn" không còn cô đơn với bạn đọc Trung Quốc

"Trăm năm cô đơn" không còn cô đơn với bạn đọc Trung Quốc ảnh 1

Garcia Marquez - tác giả "Trăm năm cô đơn"

Lý do là vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ở Trung Quốc, bản dịch tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" mặc dù chưa được phép của Marquez vẫn xuất bản và phát hành tràn lan. Điều này dẫn tới hệ lụy là Marquez rất giận dữ. Ông thậm chí còn tuyên bố là cả trăm năm sau khi ông mất, cuốn sách cũng không được ông ủy quyền cho xuất bản tại Trung Quốc. Thực tế, suốt 19 năm qua, sau khi Trung Quốc tham gia công ước về bản quyền, đã có hơn 100 nhà xuất bản ở Trung Quốc tìm cách liên lạc với tác giả cuốn sách thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước để mua bản quyền tác phẩm, song mọi nỗ lực của họ đều không đạt kết quả.

Garcia Marquez bắt tay vào viết "Trăm năm cô đơn" từ năm 1965. Ông miệt mài lao động suốt 18 tháng ròng. Khi bản thảo được hoàn thành cũng là lúc gia cảnh ông lâm vào tình thế hết sức bi đát. Theo như những gì Marquez từng thuật lại trong buổi khai mạc Hội nghị Quốc tế tiếng Tây Ban Nha lần thứ 4 tại Colombia ngày 26/3/2007 thì trong thời gian ông viết tác phẩm, vợ ông đã phải mang tư trang của mình ra cầm cố mới đủ trả tiền thuê nhà và lo cho bữa ăn của cả gia đình (gồm vợ chồng ông và hai cậu con trai). Và sau đó, để có tiền gửi bản thảo cho nhà xuất bản Nam Mỹ ở Argentina, ông đã phải bán nốt những vật dụng có thể bán được trong nhà. Ông kể: Khi hai vợ chồng ông tới bưu điện để gửi bản thảo cho người biên tập ở Buenos Aires (thủ đô của Argentina), họ chỉ đủ tiền để trả một nửa cước phí của tập bản thảo. Tình thế buộc nhà văn phải chia bản thảo làm hai, gửi trước một nửa. Song khi về nhà, ông giật mình nhận thấy, thì ra nửa bản thảo mà ông gửi đi trước lại là… phần sau của cuốn tiểu thuyết. Rất may người biên tập ở Buenois Aires - sau khi đọc phần sau của cuốn tiểu thuyết, thấy hấp dẫn quá, đã sốt sắng chuyển tiền cho tác giả để ông gửi nốt phần đầu của cuốn tiểu thuyết. Có lẽ sách được thực hiện trong thời kỳ vợ chồng nhà văn lâm vào tình thế khốn khó như vậy nên Marquez có thái độ rất phẫn nộ đối với những hành vi ăn cắp bản quyền tác phẩm của ông. 

Trở lại với việc xuất bản tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" ở Trung Quốc. Không nản chí trước thất bại của các đồng nghiệp, năm 2008 vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Marquez, ông Chen Mingjun, Giám đốc NXB Thinkingdom đã gửi tới tác giả "Trăm năm cô đơn" một bức thư với lời lẽ tràn ngập lòng ái mộ: "Chúng tôi muốn xuyên qua Thái Bình Dương, gửi tới ông lòng kính trọng của chúng tôi. Chúng tôi muốn hét lên rằng ông là một "bậc thầy vĩ đại" như ông đã từng thể hiện điều đó với thần tượng của mình là Ernest Hemingway trên đường phố Paris. Chúng tôi tin ông cũng sẽ vẫy tay đáp trả tình cảm của chúng tôi và cất lời "Xin chào bạn" như Hemingway đã từng làm như vậy…".

Nỗ lực của Chen Mingjun lần này đã không uổng. Một thời gian sau, NXB Thinkingdom đã nhận được sự hồi đáp của Marquez. Sau khi có những thảo luận cụ thể về vấn đề bản quyền, tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" đã được tác giả của nó đồng ý cho xuất bản tại Trung quốc với số tiền bản quyền lên tới một triệu USD.

Và như vậy, theo kế hoạch, vào mùa hè này, tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" sẽ chính thức ra mắt bạn đọc của đất nước có dân số đông nhất hành tinh.

Theo Đào Yên Ninh (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm