Viết nhân Ngày sách Việt Nam

Đó là chuyện hành xử thô bạo, vô văn hóa, vô lương tâm của các nhân viên Siêu thị sách Vĩ Yên ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đối với một em nữ sinh lớp 7. Em vô siêu thị sách, mê đọc truyện quá nhưng không có tiền, lén lấy hai cuốn truyện thiếu nhi trị giá 20.000 đồng, bị nhân viên nhà sách bắt được. Dĩ nhiên hành động của em là sai nhưng sách đã được thu hồi, chỉ cần cảnh cáo, nhắc nhở em không được tái phạm. Cách hành xử của các nhân viên siêu thị sách - những người kinh doanh văn hóa nhưng lại vô văn hóa và thô bạo đối với em nữ sinh bé nhỏ ấy thì thật đáng lên án. Họ đã xúc phạm nhân phẩm và làm nhục cháu bé khi dùng băng keo trói hai tay em vào lan can, rồi đeo lên người em tấm bảng in chữ thật lớn “Tôi là người ăn trộm”, chụp ảnh đưa lên Facebook! Ngay tức khắc mạng xã hội này đã nổi lên một “trận cuồng phong phẫn nộ”. Cơn bão giận dữ vẫn đang tiếp tục lan rộng trên các phương tiện truyền thông khác.

Qua chuyện đáng buồn này, tôi lại nhớ khoảng năm 1994-1995, Trung ương Đoàn đã phối hợp với NXB Kim Đồng và Tổng Công ty Sách Việt Nam mua sách với giá hỗ trợ đặc biệt - hầu hết là mảng sách thiếu nhi của NXB Kim Đồng - đưa về tặng thư viện các trường vùng cao, vùng sâu vùng xa, để các em có cơ hội đọc sách miễn phí - những món ăn tinh thần quý giá đối với các em. Ông Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc NXB Kim Đồng bấy giờ, năm ấy gần bước sang tuổi sáu mươi nhưng vẫn là một cán bộ năng nổ của Trung ương Đoàn, rất tâm huyết với chương trình đưa sách tài trợ cho học sinh vùng núi, vùng sâu vùng xa. Ông Vu cũng là người vận động thành lập và là chủ tịch Quỹ Đôrêmon hỗ trợ tài năng trẻ từ toàn bộ tiền tác quyền bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên do tác giả người Nhật này tặng để lập quỹ. Nay cả hai ông đã ra người thiên cổ, tôi viết những dòng này tưởng nhớ tới hai con người tâm huyết với trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thiếu đói món ăn tinh thần. Tôi nhớ kinh phí cho chương trình tài trợ sách bấy giờ khoảng 3 tỉ đồng mỗi năm, một con số không lớn so với những chi phí vô bổ cho nhiều chương trình văn hóa “nặng phần trình diễn” như xây dựng nhiều nhà văn hóa xã xong rồi bỏ hoang… Bấy giờ tôi có đi theo một chuyến đưa sách, chứng kiến cảnh anh em gùi sách trên lưng vượt qua những dốc đèo quanh co khúc khuỷu để đưa sách đến với các em học sinh vùng núi; nhìn những gương mặt rạng rỡ của những em bé đi chân trần, mặt mày lem luốc ra đón sách, lòng tôi thấy nao nao. Khi về tôi có viết phóng sự nhiều kỳNhững giọt mồ hôi trên hoang mạc văn hóa. Rất tiếc những việc làm tốt đẹp, “vì lợi ích trăm năm trồng người” này không được tiếp tục.

Hiện nay nhiều công ty phát hành sách, cả quốc doanh lẫn tư nhân, lượng sách tồn kho cực lớn, trong đó có rất nhiều sách đọc thêm, tham khảo, văn học, truyện tranh… dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Nhiều công ty tư nhân có lượng sách tồn kho đến hàng chục tỉ đồng, họ sẵn sàng bán với chiết khấu rất cao đến 70%-80% giá bìa để thu hồi vốn. nếu có cơ quan nào - nhất là những tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành văn hóa-giáo dục xuất kinh phí (không lớn lắm) để mua những sách tồn kho giảm giá gửi tặng các em học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa sẽ là những món quà quý thiết thực đối với các em hơn vạn lời nói có cánh.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm