Nhà thờ Ka Đơn lưu giữ nét văn hóa độc đáo người Chu Ru

Nhà thờ Ka Đơn chính thức khánh thành vào ngày 13-7-2014, thuộc Giáo phận Đà Lạt, Lâm Đồng. Nhà thờ được xây dựng theo không gian nhà ở truyền thống của các dân tộc thiểu số trên dải đất phía nam sông Đa Nhim, Lâm Đồng với thiết kế thấp, vùi vào núi đồi, mang đậm nét văn hóa người Chu Ru bản địa.

Phần tháp chuông đưa thánh giá lên cao để dân làng nhìn thấy như một biểu tượng sức mạnh nội tâm, trông mảnh mai nhưng rất mạnh mẽ. Vật liệu chính xây dựng nên nhà thờ chính là gỗ thông và mái ngói đỏ.

Nhà thờ Ka Đơn được thai nghén từ năm 2007, trước sự bức thiết về nơi cầu nguyện và sinh hoạt của hơn 5.000 giáo dân, trong đó có gần 3.000 giáo dân là người dân tộc K’Ho và Chu Ru. Đến năm 2014, nhà thờ chính thức được đưa vào sử dụng. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong khuôn viên nhà thờ có một gian phòng trưng bày những dụng cụ sinh hoạt hằng ngày, từ bếp núc đến những tục lệ truyền thống của người dân Chu Ru...

Nhà thờ Ka Đơn lúc đang được xây dựng. (Ảnh tư liệu). 

Mô hình thiết kế nhà thờ trong giai đoạn thi công, có chỉnh sửa thêm được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: THANH TUYỀN

Đặc sắc phong tục làm nhà mả

Theo lời kể của nhiều nhà truyền giáo, linh mục tại đây, mỗi dòng tộc người Chu Ru đều có một cái miếu hay nhà mả (bơ mùng) để chôn cất tổ tiên, do ông trưởng tộc trông coi. Đều đặn mỗi năm, họ thường tổ chức cúng (thường vào đầu mùa mưa) để cầu xin mùa màng và xin ông bà chúc lành cho con cháu.

Khách đến tham quan khu vực bảo tàng trong nhà thờ. Ảnh: THANH TUYỀN

Toàn cảnh khu vực bảo tàng dành cho người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Góc nhỏ trưng bày các vật dụng trong đời sống thường nhật của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Khu trưng bày những nét văn hóa về các lễ hội của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Trước khi xây nhà mả, người nhà bàn bạc và chuẩn bị phải giết bao nhiêu con trâu, mấy con heo, mấy con dê... Khi đã thống nhất, đàn bà lo làm rượu cần, chuẩn bị gạo... Đàn ông lo tìm cột, ván, tranh... Khi đủ vật liệu, mời thầy cúng đến nhà, giết gà và khui ché rượu để thầy cúng cho ông bà biết con cháu chuẩn bị làm nhà mả. Nếu ông bà đồng ý (qua thầy cúng) sẽ bắt đầu làm nhà.

Rất nhiều người tham quan đến nhà thờ để tìm hiểu về phong tục của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Khách đến tham quan có thể tìm hiểu về tập tục của người Chu Ru thông qua các hiện vật và lời kể được ghi trên mỗi vật dụng. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong khi cúng, con cháu đánh đồng la và khóc cho ông bà biết. Phải làm rạp trước, sau đó mời thầy cúng đến mở cửa mả và dọn dẹp xung quanh; đổ đất, dựng cột đóng ván và lợp tranh. Mọi người cũng chuẩn bị thêm trứng gà, nải chuối, giết một con dê hoặc con gà, cúng dựng nhà mới cho ông bà.

Khách tham quan thích thú với nhạc cụ bằng đá của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Khi đã dựng nhà xong, tổ chức ăn mừng nhà mả, họ mời bà con hàng xóm đến tham dự. Buổi ăn mừng còn có cồng chiêng, trống kèn và đồng la. Mọi người ca hát, nhảy múa, mời ông bà đến ăn uống với con cháu. Sớm hôm sau, họ sẽ làm thịt trâu hoặc heo, dê, gà...

Cây cột buộc con vật vào để làm thịt phải chắc, trên đầu có một nắm tranh khô gọi là cây nhà ma, chôn thật sâu để cột trâu giết thịt, mỗi cột một con. Thịt nấu chín đặt trên mâm, nhờ thầy cúng mời ông bà đến nhận cửa lễ và chúc phúc cho con cháu. Mọi người lại ăn uống đến chiều tối và kết thúc việc xây nhà mả.

Trang phục của 54 dân tộc được trưng bày trong tủ kính. Ảnh: THANH TUYỀN

Đầu trâu, những khiên trống là nét đặc trưng của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Một kỷ vật của nhà truyền giáo được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: THANH TUYỀN

Những ấm nước với kiểu trang trí mang đậm bản sắc của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Nét ẩm thực dân dã

Theo bài viết về người dân tộc Chu Ru trên trang langvietonline.vn và báo Lâm Đồng, người Chu Ru có tập quán ẩm thực đơn giản nhưng khá độc đáo và phong phú. Người dân có thói quen ăn món cháo chua. Gạo được nấu cho chín mà vẫn còn nguyên hạt, đổ nước lã vào khi cháo còn nóng, khuấy đều, để khoảng ba ngày cho cháo có vị chua tự nhiên.

Nhiều người Chu Ru ở quanh khu vực nhà thờ kể món mắm da trâu là món ăn rất đặc biệt. Da trâu phơi khô, nướng cháy rồi luộc, xắt nhỏ, trộn muối, bỏ trong ống tre lâu ngày. Khi ăn trộn với thính bắp (bắp rang giã nát), cà đắng, cà nhỏ, ớt xanh và đổ nước cháo vào. Lòng trâu, bò thường được ướp với muối, sả, phơi nắng hoặc đặt trên giàn bếp cho khô. Huyết trâu, bò dùng trộn với muối và canh pài (loại canh nấu với xương, thịt, gạo, cây chuối rừng cùng thức ăn còn dư khác sau bữa tiệc), đổ tất cả vào ché để dành, khi ăn nấu lại và thêm gia vị.

Những vật dụng làm từ trái bầu, bí khô được người Chu Ru dùng treo trong gian nhà của mình. Ảnh: THANH TUYỀN

Những vật dụng quen thuộc trong gian bếp của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Những chiếc rọ làm bằng chất liệu nứa, tre quen thuộc phục vụ cho việc cày cấy, săn bắt hằng ngày của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Chén làm bằng sành, sứ với hoa văn mang đậm tính dân tộc. Ảnh: THANH TUYỀN

Khi bắt được cá, trộn với muối, sả rừng, rau thơm rừng, đem gói trong lá thảo quả (sơ la jrao) mọc bên suối, vùi trong than củi um cho chín hoặc nấu canh chua lá rừng (sơ la-bring) sẽ có vị ngọt và chua tự nhiên.

Những vật dụng để săn bắt thú rừng của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Cá sứt mũi (akan lũ) làm mắm chua akan lũ rất đặc trưng. Cá để khô nước, trộn cơm nguội, muối rồi bỏ vào hũ khi cá còn đỏ tươi, khoảng một tháng cá chín. Khi ăn, giã nhuyễn sả, tỏi, ớt trộn với nước cháo. Kiến vàng với trứng kiến nấu chung với cá tươi làm canh, có vị tươi và ngọt như canh chua mà không cần thêm gia vị khác. Ếch, nhái, măng rừng cũng là những thực phẩm thiên nhiên để làm nên những món ăn mang đậm hương vị núi rừng.

Dụng cụ kè bắp của người Chu Ru. Ảnh: THANH TUYỀN

Khi kết thúc một mùa cày cấy để có lương thực cho năm mới, những ngày nông nhàn, người Chu Ru thường đánh bắt và săn thú rừng. Mùa mưa lên rừng chặt tre, mây, đan các loại đơm như đrò, srò, tũ, pàm... để ra sông, suối, cánh đồng bắt cá. Mùa nắng, sau khi gặt hái hoa màu, đàn ông vào rừng sâu săn bắt.

Người Chu Ru thường đi săn với chó, săn bằng nỏ (sràu) hoặc bằng các loại bẫy, chẳng hạn bẫy ba cây lao, loại bẫy làm bằng khúc gỗ to, trên cắm ba cây lao, đặt trong rừng sâu, bắt thú rừng lớn như voi, tê giác... hoặc các loại bẫy hầm, bẫy chuồng, bẫy dây siết cổ... Tất cả thứ săn bắt được chế biến thành khô, mắm để dành sử dụng quanh năm.

Rất nhiều người dân Churu và mọi người xung quanh thường xuyên đến đây để tham gia trồng cây xanh, tạo không gian trong lành cho nhà thờ. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ngôi nhà thờ mới của Giáo xứ Ka Đơn được thai nghén từ năm 2007, trước sự bức thiết về nơi cầu nguyện và sinh hoạt của hơn 5.000 giáo dân, trong đó có gần 3.000 giáo dân là người dân tộc K’ho và Churu và ngôi nhà thờ cũ bằng tôn đã xuống cấp. 

Bản thiết kế nhà thờ Ka Đơn với tên gọi Sự trở lại của hồn địa (Return of Genius Loci) của ThS.KTS Nguyễn Tuấn Dũng và ThS.KTS Vũ Thị Thu Hương – kết quả luận văn cao học tại Phân viện Kiến trúc trường Đại học Kĩ thuật Berlin (CHLB Đức) đã được vinh danh trong Giải thưởng Kiến trúc Thánh Châu Âu Lần IV - 2011 bởi Quỹ Frate Sole - Pavia, CH Ý được lấy làm bản thiết kế chính của nhà thờ. 

­­­Ngày 15-6, nhà thờ Ka Đơn (thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đã đạt giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6- năm 2016 được công bố tại thành phố Pavia (Italia).

Thiết kế nhà thờ đơn sơ, dân dã, đậm nét văn hóa Churu. Nhà thờ Ka Đơn đã góp phần mở ra phương hướng mới trong xây dựng, có tác động tích cực đến tư duy kiến trúc của các công trình Kito giáo hiện nay. Nhà thờ Ka Đơn cũng đánh dấu sự kết hợp giữa các nhà chuyên môn và Giáo Hội Công Giáo trong việc góp phần xây dựng các công trình tôn giáo mang giá trị cao về nghệ thuật Thánh, văn hóa và xã hội.

Save

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm