“Thống kê sự sống đại dương”

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 1
Giống như sên biển, động vật thân mềm Hydatinidae sống tại vịnh biển Nomamisaki, Nhật không có vỏ cứng bao bọc bên ngoài, phụ thuộc vào sự ngụy trang để trốn động vật săn mồi.
Theo hãng tin CNN (Mỹ), thống kê trên được đăng trên Tạp chí Khoa học "PLoS ONE" cho biết các nhà khoa học đã phát hiện sự phân bố và tính đa dạng của sự sống đại dương khác nhau rất nhiều giữa các khu vực.

Vùng biển Australia và Nhật Bản là những nơi có mức đa dạng sinh học cao nhất, trong đó mỗi khu vực có tới 33.000 loài sinh sống. Và 10.750 loài là con số tính trung bình của mỗi khu vực trong tổng số 25 khu vực được nghiên cứu, trải dài từ Bắc cực tới Nam cực qua các vùng biển nhiệt đới và ôn đới.

“Dự án khảo sát biển này được tiến hành từ vùng bờ biển đến các đại dương, từ những vùng nước nông đến nước sâu, từ những sinh vật khó nhìn thấy nhất như vi khuẩn cho tới các loài động vật khổng lồ như cá voi”, tiến sĩ Patricia Miloslavich, người tham gia dự án CoML, công tác tại Đại học Simón Bolívar, (Venezuela), nói.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 2

Động vật da dai Ophiothrix suensonii tại vùng biển Caribe.

Theo bảng thống kê của CoML, động vật giáp xác (bao gồm cua, tôm hùm, nhuyễn thể và các loài động vật chân tơ) là nhóm có “dân số” đông nhất của đại dương, tính trung bình chiếm 19%, khoảng 1/5 các loài sinh vật biển trên thế giới, tiếp theo là động vật thân mềm bao gồm mực và bạch tuộc (17%), các loài cá bao gồm cá mập (12%), động vật nguyên sinh (hay động vật đơn bào, 10%), tảo và các dạng sống giống thực vật (10%), giun đốt (7%), ruột khoang (5%), giun dẹp (3%), động vật da gai (3%), động vật có thân lỗ (3%), động vật hình rêu (2%) và nhóm động vật có bao, chỉ chiếm 1%.

Còn các loài động vật biển không xương sống khác chiếm 5%, các loài động vật biển có xương sống khác chiếm 2%, và các loài cần được sự quan tâm đặc biệt trong các chiến dịch bảo tồn như cá voi, rùa, sư tử biển và các loài chim biển chiếm ít hơn 2% các loài sinh vật biển trên khắp các đại dương.

Tuy nhiên, các nhà khoa học CoML tin vẫn còn nhiều sinh vật biển chưa được khám phá ở các vùng biển nhiệt đới, vùng biển sâu và ở Nam bán cầu. “Khi kết thúc dự án CoML, có nhiều sinh vật biển chưa được đặt tên và có cả nhiều loài chưa từng được các nhà khoa học biết đến”, tiến sĩ Nancy Knowlton, làm việc tại Viện nghiên cứu Smithsonian (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu san hô của CoMl cho biết.

“Chúng ta biết đại dương thì bao la, do đó sau 10 năm nghiên cứu miệt mài, chúng tôi mới chỉ thu thập được những thông tin khiêm tốn về các loài, tất nhiên có những thông tin khá chi tiết chúng tôi mô tả được. Đây thật sự là một khởi đầu ấn tượng và quan trọng”, cô Knowlton bày tỏ.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 3

Cá thiên thần nữ hoàng Holacanthus ciliaris được tìm thấy gần giàn khoan dầu thuộc vùng biển bang Texas, vịnh Mexico.

Theo bài báo đăng trên tạp chí Guardian (Anh), nhiều loài sinh vật biển sống được ở nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới, điển hình như loài cá rắn Chauliodus sloani được ghi nhận sống trong khoảng 1/4 các vùng biển trên thế giới.

Bài báo còn cho biết các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc, Địa Trung Hải và Vịnh Mexico, biển Baltic và biển Caribe có mức đa dạng sinh học bị đe dọa nhất. Địa Trung Hải có nhiều loài xâm lấn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, có lẽ chúng xâm nhập thông qua kênh đào Suez. Còn các vùng biển bị cô lập tương đối như Australia, New Zealand, Nam cực và Nam Phi lại có nhiều sinh vật biển “đặc hữu” sinh sống.

Những tác động của đô thị hóa vùng ven biển, đánh bắt quá mức sự sống biển và mất môi trường sống được trích dẫn trong bài báo được cho là những nguyên nhân chính đe dọa tới các loài sinh vật biển.

Theo các nhà khoa học, dự án CoML sau khi được công bố sẽ thúc đẩy mọi người có thêm niềm khát khao khám phá và quản lý đa dạng sinh học biển.

Dưới đây là những sinh vật biển kỳ lạ được phát hiện tại các vùng biển trên thế giới thuộc dự án CoML - Ảnh: CoML.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 4

Cá rồng sống dưới lòng biển sâu và tối Australia.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 5

Loài hải sâm mới Elpidia belyaevi sống dưới đáy biển sâu Bắc cực.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 6

Sâu biển Hermodice carunculata ở biển Caribe có tuyến độc mạnh tại hàng lông cứng dọc hai bên cơ thể.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 7

Động vật giáp xác chân hai loại Phronima sedentaria, vịnh Mexico.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 8

Hải quỳ Condylactis gigantea khổng lồ được khám phá ở vùng biển Caribe.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 9

Sứa biển sâu Nhật Bản Atolla wyvillei. Cơ thể loài sứa này sẽ tạo sự phát quang sinh học để xua đuổi kẻ thù.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 10

Loài sâu biển Osedax roseus kỳ lại được phát hiện tại vùng biển Nhật Bản.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 11

Loài bạch tuộc mới sống tới độ sâu 2.700m ở vịnh Mexico.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 12

Cá ếch Histrio histrio thuộc họ cá vây chân tại vùng biển Hàn Quốc.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 13

Hải quỳ Actinoscyphia Stephenson có các xúc tu có tác dụng để bắt mồi và bảo vệ cơ thể, vịnh Mexico.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 14

Rong biển Fucus radicans “đặc hữu” vùng biển Baltic được tin là sống cách đây khoảng 400 năm trước.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 15

Thủy tức Branchiocerianthus imperator tại độ sâu 670 m, Nhật.

“Thống kê sự sống đại dương” ảnh 16

Sao biển giòn Asteronyx loveni tại độ sâu 1.265 m, Nhật.

Theo Đ.T.V (VNN / Guardian, CNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm