"Bắt mạch" chiêu tuyển dụng thời công nghệ

Không chỉ là CV
 
Lý lịch và đơn xin việc là những công cụ truyền thống giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn cơ bản về ứng viên. Các buổi phỏng vấn giúp họ tiếp xúc và hiểu hơn về tính cách, kinh nghiệm của người xin việc. Tuy nhiên, các thông tin này phần nào mang tính chất chủ quan và ít nhiều chuẩn bị sẵn. Do đó, trong thời đại kết nối hiện nay, các giám đốc nhân sự còn “cầu viện” đến công cụ tìm kiếm trên internet như Google hay Yahoo để có thể nắm được những “thông tin ngầm” của ứng viên.

Theo chuyên gia tư vấn hàng đầu tại Mỹ, Diane Crompton và Ellen Sautter, đồng tác giả quyển sách Find a Job Through Social Networking, “Thông tin cá nhân tìm được trên mạng nếu phản ánh tích cực về bạn sẽ tạo lập thương hiệu cho chính bạn trong mắt nhà tuyển dụng và sức thuyết phục của nó không thua gì các hồ sơ giấy truyền thống.”

Những trường hợp lưu ý cho ứng viên
 
1.      Không chứng cứ online cho thấy bạn có tồn tại
Bạn đã từng nghe nhiều vụ nhân viên bị sa thải vì xúc phạm sếp và đồng nghiệp trên facebook và bạn quyết định xoá bỏ hết mọi thông tin của mình trên internet phòng hờ chẳng may nhà tuyển dụng tìm được thông tin không hay về bạn? Đó có thể là sai lầm. Theo Crompton và Sautter, bạn cần thiết lập hình ảnh chuyên nghiệp online cho mình để tăng sức cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng, cụ thể như sau:
• Có thể bắt đầu với trang LinkedIn (mạng lưới nghề nghiệp kết nối cộng đồng dân công sở) và tận dụng các tiện ích trong trang này, hoặc các trang mạng xã hội như Plaxo, Xing hoặc Viadeo
• Sử dụng Facebook vàTwitter  để mở rộng mạng lưới quan hệ công việc, có hình ảnh, thông tin liên quan đến công việc
• Nếu có tạo blog, hãy tạo kết nối vào hồ sợ của bạn tại LinkedIn
• Tham gia các diễn đàn, các hội thảo qua internet, tạo các file hình hoặc âm thanh liên quan đến công việc.

2.      Có quá nhiều người trùng tên với bạn trên mạng
Theo Crompton và Sautter, “Nếu tên bạn tương đối thông dụng, nhà tuyển dụng có thể tìm thấy nhiều thông tin nhầm lẫn về bạn trên mạng, và đôi khi đó là những tin mà bạn không hề muốn dính vào.” Lời khuyên cho bạn trong trường hợp này là: hãy tạo sự khác biệt bằng cách ghi rõ họ tên, thêm vào tên tiếng Anh hay những nickname mà bạn thường dùng trên mạng lẫn ngoài đời mà nhiều người biết đến. Như vậy kết quả tìm được khi nhà truyển dụng sử dụng công cụ tìm kiếm sẽ chỉ đích danh bạn chứ không lầm lẫn với ai khác.


3.      Bạn có “vết” lưu lại trên mạng và không muốn nhà tuyển dụng biết
Theo Crompton và Sautter, “vết” ở đây là những thông tin cá nhân có thể ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn, liên quan đến thành tích không tốt trong công việc hoặc các mâu thuẫn với sếp và đồng nghiệp trước đây, cụ thể như:
• Thông tin riêng tư mà bạn không muốn chia sẻ với đồng nghiệp
• Bạn tham gia các hiệp hội hoặc là thành viên của các diễn đàn nhạy cảm
• Chứng cứ về công việc riêng của bạn, có thể ảnh hưởng hoặc mâu thuẫn với lợi ích công ty mà bạn đang xin đầu quân
• Các hành vi quá đà, thiếu tính chuyên nghiệp
• Các thông tin đi ngược lại với những gì bạn “khai” trong lý lịch
Một số lời khuyên dành cho bạn như sau:
• Kỹ thuật “tung hoả mù”: hãy tạo thêm thật nhiều thông tin mới, mang tính tích cực về bạn để những thông tin cũ trước đây, dù là tiêu cực hay không cần thiết, cũng sẽ bị “đẩy lùi” vì thiếu cập nhật
• Xoá sạch: Nếu các thông tin tiêu cực nhiều và không thể kiểm soát được, hãy quyết định xoá bỏ hoàn toàn những thông tin này trong khả năng của bạn. Nếu đó là những tin không phải do bạn đưa lên mạng, bạn có thể gặp khó khăn trong việc xoá bỏ nó.
• Để tự nhiên: Nếu các thông tin riêng tư không đến nỗi ảnh hưởng quá mức đến hình tượng nghề nghiệp của bạn, bạn có thể để mọi thứ tự nhiên. Những gì mà nhà tuyển dụng tìm thấy càng cho thấy một con người rất thực của bạn, những điều sinh động về cuộc sống muôn màu của bạn.

Theo Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm