Khởi nghiệp bằng kinh doanh sáng tạo

“Kinh doanh sáng tạo - chất nghệ sĩ trong doanh nhân” - đó chủ đề của chương trình talkshow “Câu chuyện doanh nhân khởi nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tổ chức ngày 2-10. Diễn đàn đã thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên, doanh nhân trẻ đã và đang khởi nghiệp tham dự chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh sáng tạo. Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc trung tâm, nhìn nhận kinh doanh sáng tạo là khái niệm không mới trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ. Theo bà Phi, kinh doanh sáng tạo không nhất thiết cần nhiều vốn, cái chính là ý tưởng sáng tạo có độc đáo và người ra ý tưởng có quyết tâm vận dụng thực hiện hay không mà thôi!

Sáng tạo phải có thực tế

Một bạn trẻ tên Thuật đang trong giai đoạn khởi nghiệp đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tôi muốn thành lập doanh nghiệp, làm thế nào để có vốn và thuyết phục người thân hỗ trợ tôi khởi nghiệp?”. Ông Dương Quốc Nam, Tổng Giám đốc TT siêu thị nội thất Phố Xinh, chia sẻ: “Cái chính là bạn phải có ý tưởng sáng tạo mới lạ để thuyết phục mọi người. Ngoài ra, bạn cũng nên kiên nhẫn, phân tích cho mọi người thấy con đường của bạn đang theo đuổi sẽ đem lại thành công mới có ý nghĩa”.

Còn bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Đầu tư Nam Hương, cho rằng sáng tạo nếu không có ích thì khó lòng có chỗ đứng cho sự sáng tạo. Mặt khác, nếu quá đề cao sự sáng tạo cá nhân trong hệ thống thì rất khó giúp doanh nghiệp phát triển. “Phải biết cách tiết chế chất “nghệ” trong sáng tạo, nếu tự đề cao quá nên mạnh dạn loại khỏi hệ thống để doanh nghiệp tồn tại. Để làm được điều đó, cần phải có sự cam kết ngay từ ban đầu với các cộng sự” - bà Hương gợi ý.

Khởi nghiệp bằng kinh doanh sáng tạo ảnh 1

Thách thức trên bước đường khởi nghiệp là ý tưởng sáng tạo độc đáo, mới lạ. Trong ảnh: Người lao động tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: P.ĐIỀN

Anh Thư, một sinh viên vừa tốt nghiệp từ Úc hỏi: “Vậy chất “nghệ” có ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh?”. Bà Hương giãi bày: “Đối với nghệ sĩ, họ sống với ánh hào quang, vì vậy khi vấp ngã, họ sẽ không chịu nổi với những cú sốc đó. Còn với những người làm kinh doanh thì phải làm việc có đồng đội, quyết tâm cao và mục tiêu. Vì vậy khi vấp ngã, họ được chia sẻ, đồng cảm hơn để làm lại quyết liệt hơn”.

Nhiều bạn trẻ cũng băn khoăn vậy làm thế nào để tìm kiếm cơ hội và sáng tạo trong kinh doanh? Ông Quốc Nam nhấn mạnh cơ hội thì nhiều, vấn đề là sự sáng tạo của các bạn có thực tế hay không mà thôi. Theo đó, ông đưa ra lời khuyên: “Trước khi khởi nghiệp cần phải suy nghĩ thấu đáo, nghiên cứu kỹ lưỡng công việc sẽ làm, đồng thời tìm người khác có kinh nghiệm để chia sẻ…”. Còn ông Nguyễn Kiên Trì, Giám đốc chiến lược Công ty Tư vấn The Pathfinder, nhìn nhận đối với những người mới khởi nghiệp, cần lưu tâm ngành nghề bạn đang khởi nghiệp có thực tế, sáng tạo hay không? Có ai làm chưa? Bản thân có phù hợp với sự sáng tạo đó hay không? Hay sáng tạo chỉ đem lại viễn cảnh... “Nói tóm lại, kinh doanh sáng tạo phải khả thi, có năng lực triển khai, đánh giá giám sát, nếu không sáng tạo đến mấy cũng đi vào hư vô” - ông Trì chỉ rõ.

Bản thân sáng tạo là chữ “liều”

Đó là lời trần tình của ông Quốc Nam trả lời câu hỏi của chị Hà Mỹ An chữ “liều” nói lên điều gì trong kinh doanh? Theo ông Quốc Nam, sản phẩm làm ra thường có phản ứng hai chiều khen-chê, vì thế máu “liều” là yếu tố tiên quyết cho nhiều quyết định. Theo bà Hương, có năm, bảy đường để hiểu chữ “liều”, tùy từng thời điểm mà có cách hiểu khác nhau. Bà Hương dí dỏm: “Nếu phân tích thấy khả năng thành công thấp thì nên “liều” mà dừng lại cho đúng lúc”.

Vậy cùng lúc có nhiều ý tưởng chồng lấn lên nhau thì nên làm thế nào? Bà Hương khái quát: “Cái gì làm ra tiền nhanh nhất thì nên ưu tiên đầu tiên. Những cái còn lại cất vào tủ để xài dần”.

Bà Hương lý giải tất cả ngành nghề đều có sự sáng tạo. Và bản thân của sáng tạo là nghệ sĩ, cái chính là người làm kinh doanh biết tiết chế chất “nghệ” trong mình để phát triển đúng mục tiêu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, thị trường có sự cạnh tranh rất khốc liệt, vì vậy sự sáng tạo phải mới, mạnh mẽ thì mới có chỗ đứng. “Nôm na, kinh doanh cũng như nghệ sĩ, phải luôn sáng tạo và phải biết điểm mạnh của mình là gì để phát triển, nghĩa là “tung cái này, hứng cái kia”” - bà Hương nói.

Khởi nghiệp bằng kinh doanh sáng tạo ảnh 2

Ngành kinh doanh sáng tạo hay còn gọi là công nghiệp sáng tạo được khởi xướng tại nước Anh từ thập niên 1980. Ở các nước châu Á, Đông Nam Á, công nghiệp sáng tạo được Chính phủ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Singapore chú ý đầu tư và xem đây là ngành mũi nhọn. Khái niệm ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm các ngành như xuất bản, báo chí, quảng cáo, bảo tồn, biểu diễn nghệ thuật…

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm