Muốn đủ sống thì phải làm thêm

Coi bữa giữa ca là bữa chính!


Đề cập đến nỗi khổ của NLĐ khu vực tư nhân trên địa bàn Hải Phòng, ông Vũ Đức Cường – Phó ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP.Hải Phòng - kể: Trong những cuộc đình công, ngừng việc tập thể, nếu là người trong cuộc sẽ không tránh khỏi xúc động trước hoàn cảnh của NLĐ. Với mức lương như bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng, NLĐ phải tằn tiện, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi để duy trì cuộc sống gia đình.

Thế nên mới có cảnh CN bữa trưa mua xôi, mua bún ngồi ăn dưới băng chuyền, thậm chí để đảm bảo thời gian làm việc tăng ca, thêm giờ kiếm thêm thu nhập, có CN đã phải vắt sữa ra chai tối về cho con bú. Đối với LĐ nhập cư phải mất thêm chi phí thuê nhà, điện, nước sinh hoạt nên chung nhau 6-7 người/1 gian nhà chưa đầy 12m2. Với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người, tháng – tính cả tiền làm thêm giờ, mức thu nhập này chỉ đủ CN duy trì cuộc sống tối thiểu nên họ phải chấp nhận làm thêm giờ.


Ông Nguyễn Tầm Dương – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - khẳng định rằng trong hoàn cảnh lương thấp, buộc CN phải thường xuyên tăng ca để có thêm thu nhập, bù đắp các khoản còn thiếu. Do tiền lương thấp, CN xem bữa ăn giữa ca là bữa chính, là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu để tái tạo sức LĐ nên thường đấu tranh đòi hỏi chất lượng bữa ăn giữa ca phải cao hơn; CN thường đấu tranh đòi tăng tiền thưởng cuối năm để có tiền lo tết; CN cũng dễ bỏ việc khi có DN khác tuyển LĐ dù mức lương cao hơn chỉ từ 10.000 - 20.000đ/tháng.


100% khu nhà trọ ở Hà Nội không có thiết chế văn hóa


Khảo sát của Viện CN&CĐ được thực hiện tại 90 DN tư nhân ngành dệt - may, giày da, chế biến, GTVT, xây dựng, cơ khí, dịch vụ thương mại ở Hà Nội, TPHCM, Phú Thọ, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai. Đây là hoạt động nhằm đánh giá tình hình tiền lương, thu nhập, điều kiện sống của NLĐ DN khu vực này và các chính sách liên quan. Theo ông Đặng Quang Điều - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện CN&CĐ - sau khi Luật DN ban hành năm 2005, bình quân mỗi năm có 70.000 DN được thành lập, trong đó trên 70% là DN tư nhân hoặc vốn tư nhân. Điều này tạo ra việc làm mới nhưng đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ khu vực tư nhân còn rất nhiều khó khăn và chưa được quan tâm đúng mức.


Tại Hà Nội hiện có 4 dự án triển khai xây dựng và 7 dự án thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Tính đến nay, mới chỉ có gần 9.000 CNLĐ thuê được nhà ở tại khu nhà ở CN Kim Chung và Phú Nghĩa (đáp ứng xấp xỉ 10% nhu cầu chỗ ở hiện nay của CN). Một điểm hạn chế khác là về các thiết chế văn hóa cũng như hoạt động tinh thần của NLĐ.


Ông Nguyễn Vinh Quang – chuyên viên Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ TP.Hà Nội - cho biết, theo kết quả khảo sát của LĐLĐ TP.Hà Nội vào tháng 5.2011 với tổng số phiếu khảo sát là 2.500 phiếu đối với CNLĐ thuộc DN dệt - may, điện tử, xây dựng, da - giày cho thấy có tới 60% số CNLĐ không xem TV, 85% không đọc sách báo, 65% không tham gia các hoạt động văn hóa. Hiện tại 12 KCN-CX, 23 cụm công nghiệp, 90% số DN trên địa bàn TP và 100% các khu nhà trọ của CNLĐ đều không có các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể thao, không có sân bãi luyện tập thể thao, không có các điểm sinh hoạt văn hóa.

Theo Motibee

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm