Nghề CTXH: Không chỉ là nhiệt tình

UBND TP.HCM vừa ban văn bản triển khai nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020 với kinh phí thực hiện 38,4 tỉ đồng. Đây là luồng sinh khí mới. Tuy nhiên, để tạo động lực cho những người làm nghề CTXH yên tâm bám trụ nghề nghiệp lâu dài còn nhiều việc phải làm.

Bám nghề vì… nhiệt tình

Về lý thuyết, nghề CTXH là chuyên ngành giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó.

Ở góc độ cụ thể của Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), ông Phạm Ngọc Anh, cán bộ quản lý tại trung tâm, khái quát về nghề này: “Chẳng khác gì chăm con mọn! Bất kể ngày đêm, kể cả lễ, tết anh em chúng tôi phải ứng trực để tiếp nhận các đối tượng lang thang, cơ nhỡ từ các quận, huyện đưa về trung tâm”. Ngay khi tiếp nhận các trại viên, những người quản lý sẽ tư vấn, giải thích trực tiếp cho các đối tượng vì sao họ phải vào trung tâm, họ được những quyền lợi gì, phải hướng dẫn họ ngay việc vệ sinh cá nhân, tắm giặt.

Lịch làm việc của chị Nguyễn Thanh Trúc, nhân viên quản lý nữ duy nhất của trung tâm, bắt đầu từ khi rạng sáng. Công việc đầu tiên trong ngày mà chị đều đặn làm trong tám năm nay là đi thăm, hỏi han giấc ngủ, tình hình sức khỏe các cụ cao tuổi và các bé còn nhỏ tuổi xem có vấn đề gì khác biệt để báo với bộ phận y tế chăm sóc kịp thời. Đến 7 giờ sáng thì chị mang cháo đi phân phát cho các cụ và trẻ em ăn sáng. Trước lúc ra về chị Trúc phải chuẩn bị bữa ăn sáng cho ngày hôm sau. Hằng ngày chị tiếp nhận, hướng dẫn các trại viên nữ.

Tiêu chuẩn chế độ ăn uống của trại viên chỉ có 15.000 đồng/ngày/người, trung tâm phải đi vận động các mạnh thường quân, chùa chiền hỗ trợ thêm bữa ăn sáng và sữa cho trẻ em. “Nhiều em khi vào trung tâm không có áo quần lành lạnh, đủ ấm, tôi phải cùng các anh chị ở trung tâm đi xin để các em có cái mặc tử tế” - chị Trúc bày tỏ. Dù công việc căng thẳng, chi li như vậy nhưng thu nhập của chị Trúc chưa đến 2 triệu đồng/tháng.

Nghề CTXH: Không chỉ là nhiệt tình ảnh 1

Chị Nguyễn Thanh Trúc, cán bộ quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, chuẩn bị bữa ăn sáng cho cụ già và trẻ em. Ảnh: P.ĐIỀN

Ngoài việc hỗ trợ tại các trung tâm như đã nêu, nghề CTXH còn có vô vàn những hoạt động, những công việc không tên khác rất cần thiết cho xã hội.

Cần cải thiện tiền lương

Ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội, đánh giá: “Đây là công việc đặc thù, mang tính xã hội, cộng đồng cao nhưng những người làm nghề này chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, quản lý nên chưa đáp ứng yêu cầu tính chuyên nghiệp của công việc”.

Theo kế hoạch dự kiến, TP chủ trương tập trung phát triển CTXH thành một nghề tại TP, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đồng thời đạt yêu cầu về chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh tiên tiến trên địa bàn TP. Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu này, công tác đào tạo nghề CTXH cần phải đạt chuẩn về chuyên môn, cũng như kỹ năng làm việc. Cùng với đó, cần quy định mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH. Mặt khác cần tập trung phát triển theo hướng xã hội hóa trong lĩnh vực nghề CTXH.

Ông Phạm Ngọc Anh lưu ý khía cạnh khác: “Đa số những người làm nghề CTXH hiện nay bám nghề vì nhiệt tình. Chế độ lương quá thấp lại không có thêm phụ cấp gì đặc biệt. Về lâu dài, muốn phát triển nghề này căn cơ thì phải xem xét lại chế độ lương”.

Đặc trưng nghề CTXH

CTXH chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội: người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...

Hoạt động CTXH tập trung vào các việc: Phát hiện những mối quan tâm của con người ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý-tình cảm...; xác định các nhu cầu của con người, ví dụ nhu cầu về ăn ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...; xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (nguồn lực bên trong: sức khỏe, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác; nguồn lực bên ngoài: sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, đất đai...).

Nghề CTXH luôn quan tâm tới môi trường sống của những người được giúp đỡ. Bao gồm: môi trường tự nhiên, gia đình, bạn bè, họ hàng, hàng xóm, nhà trường, cơ quan và đồng nghiệp, chính quyền địa phương và hệ thống luật pháp...

Nhân viên xã hội sử dụng những kiến thức, kỹ năng và phương pháp giúp thân chủ xác định vấn đề mà họ đang gặp phải và những tài nguyên cần thiết để giải quyết vấn đề giúp họ phát triển.

_______________________________________________

TP.HCM hiện có khoảng 400.000 người cao tuổi, trên 44.300 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khoảng 130.000 hộ nghèo (theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm), gần 10.000 người nghiện ma túy, hơn 2.000 người bán dâm (tại các cơ sở tập trung), khoảng 100.000 người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ ngân sách.

Trong khi đó, đội ngũ làm CTXH chỉ có trên 5.000 người,…, trong giai đoạn 2011-2015 sẽ đào tạo mới, đào tạo lại nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho 50% cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, trị trấn.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm