Nguy cơ khủng hoảng thừa nhân sự ngành tài chính, ngân hàng

 Khảo sát mới nhất của Đại học FPT với trên 20.000 học sinh cho thấy, lượng thí sinh mong muốn thi và học ngành tài chính - ngân hàng năm 2012 là 23%, giảm 14% so với mức 37% của năm 2011.
 
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn cho sinh viên và giảng viên, hiện là Giám đốc Chương trình quốc tế Đại học London tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (nơi có trên 50.000 sinh viên nước ngoài theo học ngành tài chính, ngân hàng trên khắp thế giới), bà Rosemary Gosling đánh giá: “Sinh viên theo học ngành tài chính, ngân hàng vẫn sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Trên thực tế, khá nhiều sinh viên khi ra trường không nhất thiết phải làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Họ có thể chuyển sang làm trong ngành bảo hiểm, một trong những ngành đang phát triển và cần nhiều nhân lực tại Việt Nam”.
 
Đồng quan điểm, ông Tom Nguyễn, Giám đốc pháp chế Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam, Campuchia, Lào nhận định: “Bức tranh tài chính, ngân hàng trong vài năm qua thực sự khá tối. Đó là lý do tại sao tỷ lệ sinh viên theo học ngành tài chính, ngân hàng không chỉ ở Việt Nam, mà một số nước như Mỹ và châu Âu sụt giảm”.
Nguy cơ khủng hoảng thừa nhân sự ngành tài chính, ngân hàng ảnh 1
Thời gian tới, nhân sự cho ngành tài chính - ngân hàng sẽ rơi vào trạng thái dư cung (ảnh minh họa).

 
Trên thực tế, nhiều sinh viên lựa chọn ngành tài chính, ngân hàng bởi sức hấp dẫn về lợi nhuận, chứ chưa tính đến khả năng đảm nhiệm công việc của mình trong tương lai. Trước tình trạng này, ông Tom Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên: “Sinh viên cần nhận biết và hiểu được tình hình thực tại của khối tài chính - ngân hàng, để chọn được đúng chỗ, đúng vị trí, nhằm thực hiện tốt trách nhiệm trong công việc, cũng như phát huy tối đa khả năng trước khi chọn ngành tài chính, ngân hàng”.
 
Còn bà Gosling cho rằng, cùng là ngành tài chính, ngân hàng, nhưng có những điểm khác nhau nhất định mà sinh viên trước khi lựa chọn theo học cần biết. Chẳng hạn, với lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, sinh viên phải có kỹ năng tìm hiểu thị trường tốt; với lĩnh vực ngân hàng đầu tư, sinh viên phải có khả năng phân tích thị trường.
 
Để giải quyết tốt bài toán nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng, tránh khủng hoảng thừa nếu cứ tiếp tục diễn ra tình trạng quá nhiều thí sinh lựa chọn ngành này để thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, phương pháp tối ưu nhất không chỉ áp dụng với riêng ngành tài chính, ngân hàng, mà cả với các ngành khác.
 
“Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tài chính trong thời gian tới để biết chính xác quy mô đào tạo, số lượng đào tạo của các trường, sau đó sẽ tiến hành đối chiếu với nhu cầu nguồn nhân lực của các địa phương. Từ đó, quy hoạch chi tiết nguồn nhân lực cho từng ngành sẽ được nghiên cứu và đưa ra công khai. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường, từng địa phương nhằm đào tạo cho sát với thực tế. Đặc biệt, chúng tôi cũng rất cần sự gắn kết của doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, xã hội hóa giáo dục trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho từng ngành”, ông Luận cho biết.
 
 
Theo Hải Hà/ Motibee

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm