300 lao động Trung Quốc sẽ vào Đà Nẵng?

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores và Công ty TNHH Sichuan Hua Shi (có lãnh đạo là người Trung Quốc) đã cùng có văn bản kiến nghị gửi Sở LĐ-TB&XH và UBND TP Đà Nẵng xin phép đưa hàng trăm người Trung Quốc sang Đà Nẵng làm việc.

Vì lao động bản địa không đáp ứng (?!)

Công ty TNHH Sichuan Hua Shi là nhà thầu thi công công trình khách sạn năm sao JW Marriott nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Khách sạn JW Marriott của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores.

Theo các kiến nghị thì dự kiến vào tháng 10-2017, khách sạn JW Marriott sẽ được đưa vào sử dụng và sẽ có trung tâm hội nghị quốc tế phục vụ APEC 2017 dự kiến tổ chức tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, dự án đang có dấu hiệu chậm tiến độ nên phải tăng thêm 650 lao động. Vì vậy, nhà thầu này kiến nghị được phép đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) sang. Vị trí công việc của 300 người này được cho là lao động kỹ thuật để thực hiện dự án giai đoạn 2 của công trình khách sạn năm sao JW Marriott. Số lao động này sẽ làm việc từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2017.

Hai công ty đã nêu giải trình thêm về việc xin điều chuyển 300 lao động người Trung Quốc đến Đà Nẵng. Cụ thể, dự án đang chậm tiến độ, việc thi công bị trì trệ do nhân viên quản lý và thiết kế là người nước ngoài, ngôn ngữ bất đồng dẫn đến việc giao tiếp với người bản địa khó khăn. Ngoài ra, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp nên phần lớn lao động bản địa không thích ứng được dẫn đến hiệu quả công việc thấp và lại bận việc đồng áng, nghỉ phép nhiều… Từ đó chủ đầu tư và đơn vị thi công kiến nghị phải chuyển thêm 300 lao động từ Trung Quốc thì dự án khách sạn năm sao trên mới hoàn thành trong năm 2017 để kịp phục vụ APEC 2017.

Khu resort của Công ty Silver Shores có nhiều lao động Trung Quốc và nơi này được “tăng cường” 300 lao động từ Tứ Xuyên. Ảnh: LÊ PHI

Những dự án ở nơi nhạy cảm

Công ty Silver Shores từng đề xuất thực hiện các dự án tại TP Đà Nẵng như: dự án trồng rau tại thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) với diện tích 11,6 ha; dự án khu KTX cho nhân viên Silver Shores được duyệt ban đầu với độ cao tĩnh không công trình là 64,5 m nhưng Sư đoàn 375 nhận thấy công trình nằm giữa hai trận địa pháo phòng không nên đã đề nghị giảm độ cao xuống
43,6  m; dự án khu phức hợp bến cảng du thuyền trên sông Hàn tại cảng cá Thuận Phước (cũ) nằm ngay khu vực cửa vịnh Đà Nẵng; dự án tàu đáy kính ngắm san hô biển tại khu vực Sơn Trà. Những dự án này từng được cho là các dự án nước ngoài “bủa vây” Đà Nẵng vì nằm ở những vị trí nhạy cảm.

Tương tự, dự án công trình khách sạn năm sao JW Marriott cũng nằm cạnh sân bay Nước Mặn - một cứ điểm quân sự quan trọng ở Đà Nẵng. Dù vậy, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng chấp thuận việc đưa 300 lao động người Trung Quốc sang.

Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH, lý giải: “Giai đoạn 2 của công trình này là một tòa nhà khách sạn phức hợp lớn, để kịp tiến độ nên phải xin điều chuyển thêm số lao động nói trên. Số lao động đề nghị này được điều chuyển trong nội bộ của công ty từ Trung Quốc sang chứ họ không tuyển người ngoài như mình. Vì vậy, Sở đã trình UBND TP Đà Nẵng và được chấp thuận”.

Người Trung Quốc nhan nhản

Theo Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối tháng 9-2015, ở Đà Nẵng có 422 đơn vị doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài với 1.245 người. Trong số 55 đơn vị sử dụng người Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong thì số lượng lao động Trung Quốc tập trung nhiều nhất tại Công ty Silver Shores và Công ty Sichuan Hua Shi. Ngoài ra, trong khu vực khách sạn, resort của Silver Shores thì khách du lịch hầu hết cũng là người Trung Quốc. Ông Anh cũng cho hay vào dịp hè người Trung Quốc đi nhan nhản ngoài đường phố Đà Nẵng.

Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, tình hình an ninh trật tự ở quận này đang có những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là tình trạng người lao động nước ngoài làm “chui” ở những công trình xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, người nước ngoài nhập cảnh vào Đà Nẵng với mục đích tham quan du lịch nhưng sau đó đi làm “chui”. Nói với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cho hay từ đầu năm đến nay đã có gần 109.900 lượt người đến quận lưu trú, tạm trú và trong đó có gần 59.200 người Trung Quốc.

Vị lãnh đạo này không nắm được về vấn đề lao động người Trung Quốc nhưng ông cho hay qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 60 người nước ngoài (hầu hết là người Trung Quốc) làm việc “chui” tại quận. “Trước việc này, chúng tôi kiến nghị các sở, ngành liên quan của Đà Nẵng hỗ trợ địa phương trong việc quản lý người lao động nước ngoài và người nước ngoài thuê nhà ở trên địa bàn” - vị này nói.

Không dễ kiểm tra

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, việc kiểm tra lao động người nước ngoài được thực hiện định kỳ (ba tháng, sáu tháng và một năm) và đột xuất… Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH, nhìn nhận chỉ có thể kiểm tra, kiểm soát được những người nước ngoài có đăng ký, còn với những người mượn danh đi du lịch thì không có quyền kiểm soát. Số lượng kiểm tra lao động người nước ngoài làm việc thực tế khác với số báo cáo. Nhưng rất khó kiểm tra người Trung Quốc làm việc tại các dự án, khu resort do phía Trung Quốc làm chủ đầu tư. Bởi muốn vào kiểm tra thì phải có công văn thông báo trước. Nếu không thông báo mà tự đi kiểm tra là không được vì họ không tiếp. “Nếu kiểm tra, phát hiện người Trung Quốc đi du lịch rồi ở lại làm việc thì đương nhiên sẽ xử lý. Bây giờ dân Ngũ Hành Sơn ra đường thấy người Trung Quốc quá nhiều nhưng lại lẫn lộn người đi làm với người du lịch” - ông Ánh nói.

__________________________________

Trung Quốc đang tính mở tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng vì hiện người Trung Quốc làm việc, sinh sống, học tập và du lịch tại đây rất nhiều.

Ngoài ra, tại một cuộc họp báo tại Thành ủy Đà Nẵng mới đây, báo chí cũng đề cập đến việc tại quận Ngũ Hành Sơn, người Trung Quốc núp bóng và bơm tiền cho người Việt mua đất đai ven biển. Thậm chí họ còn thuê nhà của người Việt để mở khách sạn cho người Trung Quốc ở.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.