70% khiếu nại, tố cáo dính tới đất đai

Ngày 27-3, tại TP Cần Thơ, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) các tỉnh, TP khu vực phía Nam. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy trong tổng số hơn 481.000 vụ việc KNTC được cơ quan chức năng khu vực này tiếp nhận thì có đến 70% liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Những con số nhiều năm không giảm

Cụ thể, đó là các khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đòi lại đất cũ qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đặt vấn đề với đại diện các địa phương: “Vì sao KNTC liên quan đến đất đai lại cao như vậy, do chủ trương chính sách hay do thực hiện?”. Nêu vấn đề và ông Tranh cũng trả lời phần nào khi cho rằng “do cả hai”.

Thực tế cho thấy, KNTC liên quan đến đất đai luôn đứng đầu bảng từ nhiều năm nay. Để minh chứng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển đưa ra con số từ năm 2008 đến nay, chỉ riêng tại Bộ TN&MT, số vụ việc tranh chấp, KNTC liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỉ lệ trên 98%. “Trong số hơn 25.300 lượt đơn KNTC mà Bộ đã nhận, có hơn 16.000 lượt đơn của người dân khu vực phía Nam và đây cũng là khu vực tập trung nhiều vụ việc khiếu nại đông người, kéo dài” - ông Hiển thông tin thêm.

70% khiếu nại, tố cáo dính tới đất đai ảnh 1

Khi thu hồi đất cần đặc biệt quan tâm đến đời sống của người dân. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ kiểm tra tình hình thực tế tại dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Ninh Kiều - nơi các hộ dân khiếu nại dai dẳng hàng chục năm về bồi thường, tái định cư. Ảnh: GIA TUỆ

Chỉ chăm chăm lo khởi công

Khi mổ xẻ các nguyên nhân của tình trạng trên, cả Thanh tra Chính phủ lẫn ý kiến của các địa phương tại hội nghị đều cho rằng: Trong thời gian gần đây, để phát triển kinh tế-xã hội, chính quyền các địa phương thu hồi đất của dân rồi giao cho các nhà đầu tư để làm dự án khu đô thị, khu thương mại… nhưng các quy định pháp luật về vấn đề này còn quá nhiều bất cập, khiến người dân bức xúc.

“Làm dự án nhiều nhưng tâm lý lãnh đạo, cơ quan chức năng và nhà đầu tư là sau khi có giấy phép chỉ lo khởi công dự án trong khi chưa biết giải phóng mặt bằng thì dân ở đâu, bồi thường thế nào. Quá trình làm dự án cũng chỉ quan tâm tính hiệu quả, lợi nhuận của công trình mà thiếu quan tâm đời sống người dân. Chưa kể, một phần hệ thống pháp luật lại không đồng bộ, cái sau chồng cái trước, hồi tố không hồi tố, nhận thức khác nhau, mỗi nơi vận dụng mỗi kiểu làm dân bức xúc” - ông Tranh chỉ rõ.

Chính sách đất đai phải thay đổi

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa bàn giáp ranh với các tỉnh như Long An, Đồng Tháp… gặp rất nhiều khó khăn vì có sự so bì với địa phương bạn, dễ phát sinh khiếu nại. “Chúng tôi đề nghị chính sách đất đai phải sửa đổi, nhất là giá đất phải theo thị trường” - ông Khang đề nghị.

Kết luận hội nghị, ông Tranh cho rằng để giảm KNTC thì cần nghiên cứu sửa đổi một số cơ chế chính sách trên lĩnh vực đất đai. Đặc biệt trong quá trình thực hiện dự án phải quan tâm đến lợi ích và cuộc sống ổn định lâu dài của người dân. Ông Tranh cũng cho biết những vấn đề nóng, bức xúc đã thảo luận tại hội nghị này sẽ được báo cáo với Thủ tướng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào cuối tháng 3 này để chính phủ cho ý kiến.

Một bộ phận cán bộ có tâm lý đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm. Có trường hợp còn bóp méo, tiêu cực, nghiêng ngả phía này phía khác, nhất là trong giải quyết tranh chấp đất đai.

Ông HUỲNH PHONG TRANH, Tổng Thanh tra Chính phủ

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm