Ẩn họa từ một bến đò ngang

Khách qua đò chẳng thấy ai mặc áo phao cứu sinh mặc dù những chiếc áo phao này vẫn móc đầy hai bên mạn đò. Khi tôi đề nghị được chụp ảnh thì ông Nguyễn Văn Cấp, chủ đò, mới vội vã nhắc khách mặc áo phao nhưng hầu hết khách đi đò đều từ chối. Một người khách ở huyện Định Quán (Đồng Nai) nói: “Tôi có công việc làm ăn ở bên Bình Thuận, mỗi tuần phải qua đò vài lần nhưng không lần nào mặc áo phao cứu sinh vì nó vướng và nóng lắm!”. Hầu hết khách đi đò đều đồng tình như thế. Không thấy ông chủ đò có phản ứng gì khi cho đò rời bến.

Ẩn họa từ một bến đò ngang ảnh 1

Những chuyến đò sang sông ở bến Tư Tề, cả chủ lẫn khách đều không mặc áo phao cứu sinh. Ảnh: HỒ SỸ

Cùng thời điểm, có một chuyến đò từ phía bên kia bờ cũng rời bến được điều khiển bởi một phụ nữ ngoài 30 tuổi, những người đi trên chuyến đò này cũng chẳng một ai mặc áo phao. Trên bến, dưới đò cũng không thấy có bảng quy định nhắc nhở mọi người thực hiện đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Ông Cấp còn “quảng cáo”: “Cứ yên tâm, đò này rất bảo đảm, 17 năm nay tôi chưa từng để xảy ra sự cố chìm đò nào”.

Ông Cấp lái đò ở đây đã non hai chục năm trời. Hai năm trước, ông lên tận TP.HCM để học chứng chỉ điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa. Mỗi năm, đò ông phải đăng kiểm hai lần. Đò của ông thuộc phần quản lý của huyện Đức Linh nhưng việc đăng kiểm lại được tiến hành ở tỉnh Đồng Nai, vì tỉnh Bình Thuận chưa có nơi đăng kiểm các phương tiện giao thông đường thủy nội địa. Lâu lâu ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận cũng có đến kiểm tra nhưng chủ yếu là về mặt giấy tờ. Bản thân ông Cấp là chủ đò, có hiểu biết các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa nhưng lại chưa tuân thủ. Tâm lý ngại mặc áo phao cứu sinh khi đò sang sông từ ông chủ đò đến khách đi đò cũng phản ánh việc coi thường sự an toàn của những chuyến đò ngang ở đây. Nếu gặp sự cố chìm đò, những người chủ đò, lái đò ở đây liệu có đủ sức để “đứng mũi chịu sào” hay không!?

HỒ SỸ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm