Bài thơ gây xúc động của cô giáo xương thủy tinh

Ngày 6-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM đã tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam. 

Đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam, chị Huỳnh Thanh Thảo, bị bệnh xương thủy tinh và nhiễm chất độc da cam sống tại thôn Ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) kể câu chuyện của mình.

Từ khi chào đời, Thảo đã không đi đứng được, thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Không được cắp sách đến trường như bao bạn đồng trang lứa, Thảo khỏa lấp nỗi buồn bằng cách tự mày mò làm quen con chữ và trở thành cô giáo làng cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Thanh Thảo chỉ cao 60 cm nhưng có nghị lực phi thường

Ngoài ra, Thảo còn mở một thư viện mini cho các em và được biết đến với cái tên “Cô Ba” thân thương. Thảo tâm sự cảm thấy mình may mắn vì có vòng tay yêu thương của gia đình và sự quan tâm của các cấp hội. Thảo trăn trở không phải nạn nhân da cam nào cũng có may mắn như Thảo.

Cô giáo Thanh Thảo đang vui đùa cùng bé "chim cánh cụt"  Hoài Thương (ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, Củ Chi). Chính Thảo là một trong những người đầu tiên biết đến và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình Thương khi mẹ em phải vừa đi bán vé số vừa bắt xe buýt mấy chục cây số đưa em đi tập vật lý trị liệu. Hiện Thương đã học đến lớp 3 và được hỗ trợ chân giả để tập đi. 

Thảo hy vọng “nhiều tay sẽ vỗ nên kêu” và đem đến vài câu thơ do Thảo sáng tác để gửi gắm niềm tin ấy khiến cả hội trường xúc động:

“Yêu thương san sẻ yêu thương

Tình thương trải khắp nẻo đường trái tim

Nhóm lên muôn vạn kiếm tìm

Lửa yêu thương đến đẩy chìm thương đau”

Chăm chú theo dõi câu chuyện của chị Thảo, chị Trịnh Thị Duyên, sống tại Cơ sở khuyết tật An Phúc nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi một thân một mình từ Nghệ An vào thành phố tìm việc cách đây bảy năm.

Di chứng chất độc da cam từ hai người ông, chị Duyên sinh ra với hai chân và hai tay bị teo, phải ngồi trên xe lăn, nhà chị còn có một đứa em trai cũng bị như vâỵ. “Do mỗi lần muốn đi đâu là phải có người đẩy nên mình xin việc nhiều nơi không được, bắt gặp ánh mắt người ta nhìn, mình buồn lắm”.

Chị Duyên bên con gái ba tuổi

Thế nhưng thật may mắn khi chị gặp được người chồng hiện tại cũng đi học lớp nghề tin học cho người khuyết tật. Nhờ biết đến cơ sở An Phúc, chị đã xin vào làm công việc kết cườm và hiện tại hai anh chị đã có một con gái ba tuổi.

Chị hy vọng: “Nạn nhân chất độc da cam ra ngoài tìm việc rất khó, nếu có thêm sự quan tâm về tinh thần lẫn thể chất thì chúng tôi rất cảm kích”.

Hai em Nguyễn Lê Thu Thảo (trước) và Thạch Minh Quý cùng 10 tuổi bị bỏ rơi và được làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) nuôi dưỡng 

Tại TP.HCM, có hơn 20.000 người bị ảnh hưởng chất độc hóa học, nhiều gia đình có ba thế hệ bị mắc bệnh hiểm nghèo. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, từ năm 2005 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM đã phối hợp các ban, ngành vận động được trên 18 tỉ đồng chăm lo cho trên 5.000 nạn nhân chất độc da cam của thành phố, xây mới, sửa chữa 132 căn nhà tình thương, phẫu thuật, chỉnh hình cho 57 nạn nhân…

Nhân dịp này, hội cấp học bổng, trợ vốn, xây nhà tình thương với số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Hội cũng kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ cho hội, xây dự án Làng Cam để nuôi dưỡng, điều trị, dạy nghề cho nạn nhân da cam ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm