Bao giờ thị trường sách văn học bớt loạn?

Nhiều người lên tiếng phản biện, bảo vệ chất lượng sách văn học nhưng ngành xuất bản vẫn cứ yếu kém và thị trường sách văn học cứ hỗn loạn.

Vỏ văn học, ruột hổ lốn

Nếu bức tranh ngành xuất bản vốn đã loang lổ và hỗn độn thì thị trường sách văn học là tâm điểm của mớ bòng bong ấy vì nhiều lẽ.

Sách văn học nhiều thời điểm phát triển rất tự phát, thậm chí là vô tổ chức. Ai cũng có thể in một cuốn sách văn học, cho chính mình hoặc cho một người, một tổ chức nào đó. Nhà xuất bản nào cũng sẵn sàng cấp phép để sách văn học ra đời bất luận chất lượng và độ tin cậy của nó. Có nhà xuất bản không có chuyên môn về sách văn học vẫn cứ cấp vô tội vạ và dường như sách văn học chỉ là một cái mũ đội còn nội dung trong đó thì vô cùng vô tận. Nỉ non mấy bài thơ cấp phường: cấp phép thể loại văn học. Viết mấy bài báo tạo scandal chân dài: cấp phép thể loại văn học. Dăm bài bút ký kiện cáo linh tinh: cấp phép thể loại văn học. Sao chép luận văn luận án chắp vá, đạo văn hổ lốn: cấp phép thể loại văn học. Moi từ trên mạng các tư liệu lịch sử không có nguồn gốc, thêm mắm thêm muối, bịa tạc linh tinh… Cứ thế thị trường sách, đặc biệt là thị trường sách văn học ngày càng phải chứa đựng những thứ hổ lốn từ bốn phương tám hướng kéo đến.

Và trong khi bản thân sách có chất lượng văn học thực sự đang phải đương đầu với truyền hình, Internet, các loại hình khác thì những tác phẩm phi văn học đã vô tình tiếp tay khiến những tác phẩm văn học đích thực ngày càng khốn khó khi đến với độc giả.

 
Chọn một cuốn sách văn học có chất lượng ở thời buổi này không dễ.

Đánh lừa bạn đọc bằng… giá bìa

Tình trạng càng trở nên nặng nề khi người đọc vốn đã bị lừa về chất lượng sách văn học, lại còn bị lừa về giá trị vật chất, cụ thể là giá sách ghi trên bìa và thực tế sản xuất của cuốn sách đó.

Khi đi mua một cuốn sách mác văn học thường được giảm từ 10% đến 70% theo giá bìa. Cá nhân mua cũng vậy mà các đơn vị nhà nước, cơ quan, đặc biệt là hệ thống thư viện trung ương và địa phương mua cấp phát cũng như vậy. Đây là một điều cực kỳ vô lý, thậm chí móc túi người đọc, móc túi Nhà nước một cách trắng trợn. Việc này đã tồn tại rất nhiều năm nay.

Theo tính toán của các nhà xuất bản, các đầu lậu, các nhà sách, cá nhân làm sách… thì thực tế chi phí sản xuất một cuốn sách chỉ được phép chiếm từ 25% đến 30% giá ghi ở bìa. Ngay hệ thống các thư viện quốc gia và tỉnh, thành cũng đã tồn tại một luật bất thành văn là phần trăm chiết khấu giữa bên bán và bên mua. Hợp đồng cứ ký đủ theo giá bìa. Hóa đơn tài chính cứ được hợp thức hóa theo hợp đồng nên cái sự thất thoát từ 10% đến 70% giá ghi ở bìa cuốn sách là rất lớn. Lợi nhuận bất chính chui vào túi cá nhân, tập thể, sau đó chia chác mà Nhà nước hằng năm không kiểm soát được là một khối tiền khổng lồ. Hiện nay thất thoát từ việc mua bán sách không thua kém gì thị trường xây dựng cơ bản. Điều này rất nhiều người biết. Các nhà quản lý chắc chắn cũng biết nhưng không hiểu sao sự im lặng vẫn kéo dài. Có thể tính được ngay thu nhập từ lương của nhiều cán bộ quản lý ngành thư viện và liên hệ với tài sản nhà cửa, mua sắm sang trọng ồn ào của họ có thể thấy số tiền bất chính từ phần trăm chiết khấu sách được hợp lý hóa dưới ma thuật của họ là rất lớn.

Chỉ một ví dụ kể trên đã cho thấy thị trường sách văn học sẽ tiếp tục còn hỗn loạn, chưa thể chấm dứt bởi nếu chỉ in các sách văn học chuẩn, được mua bản quyền, trả nhuận bút, biên tập… xứng đáng và đặc biệt là đề đúng giá sản xuất chứ không để phần trăm phát hành phí, mà thực chất là một hành lang mềm để trục lợi cá nhân quá cao thì căn bệnh này sẽ còn kéo dài không có hồi kết.

Cần phối hợp hành động

Hệ lụy từ việc buông lỏng đã quá nhãn tiền như khi cần có những tác phẩm văn học xứng tầm để phục vụ đời sống tinh thần nhân dân, đơn cử chất liệu văn học để làm phim về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho ra tấm ra món chẳng hạn đã quá khó khăn, thực chất đã diễn ra đáng xấu hổ.

Chúng ta đã hô hào về lý thuyết quá nhiều. Đã coi thường sự xuống cấp về xuất bản và thị trường sách quá lâu. Chúng ta đã để mặc kệ con em mình muốn ra sao thì ra khi đối diện với bạt ngàn sách rác không riêng gì trong chuyên ngành văn học.

Đưa ra một giải pháp, một gợi ý, thậm chí một phương hướng cho ngành xuất bản và thị trường sách văn học ở thời điểm này liệu có rơi vào im lặng?

Chẳng lẽ bài toán cho ngành xuất bản và thị trường sách văn học lại không có lời giải?

PHÙNG VĂN KHAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm