Những phụ nữ chết chìm trong bạo hành gia đình - Bài 1

Bạo hành tinh thần kiểu bệnh hoạn

Xã hội văn minh không chấp nhận hành vi bạo hành nhưng thực tế không ít người đàn ông sử dụng bạo lực, kể cả những kiểu bạo hành bệnh hoạn để áp đặt quyền lực và bất hạnh lên gia đình của họ.

Chị BTT là tổ trưởng một tổ phụ nữ ở phường 5, quận 3, TP.HCM. Chị làm việc quần quật từ sáng tới tối để nuôi con và để bản thân luôn bận rộn. Chị nói: “Mỗi khi tôi không làm việc, nghĩ tới ổng là nước mắt rớt ướt áo”. Dù đã ly thân và trốn chạy khỏi người chồng vũ phu nhưng tâm hồn chị vẫn đầy những tổn thương.

Ghen bệnh hoạn, tiểu lên người vợ

Khi tới tổ tư vấn cộng đồng ở phường 5, quận 3, TP.HCM nhờ giúp đỡ, khó khăn lắm chị mới kể hết câu chuyện của mình. Mắt chị trũng sâu, phờ phạc. Chị nhờ tổ tư vấn giúp chị cách thức giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đắm chìm trong bạo lực.

Trước đây chị làm tạp vụ ở BV Nhi đồng 2. Hai vợ chồng mướn nhà trọ, hai con đang tuổi ăn học. Một mình chị gánh vác hầu hết kinh tế gia đình, chồng chị thỉnh thoảng đi làm mướn nhưng bản tính hay tự ái và gây gổ nên anh làm ở đâu cũng chỉ được vài ngày.

Vì phải cáng đáng cả gia đình nên chị xin làm tăng ca và làm thêm bên ngoài để đủ tiền chi tiêu tối thiểu. Những tối về nhà trễ thì chị luôn nghe những lời xúc xiểm: “Mày bỏ chồng con mày ở nhà để vô đó hú hí với trai”. Có những lúc chị đang ngủ thì bị chồng dựng dậy để nghe anh ta chửi cha mẹ chị bằng những tục từ không thể miêu tả được. Sợ người ngoài biết, con cái biết, chị im lặng chịu đựng mà nước mắt chảy dài. Tuy vậy, chị không thể giấu con. Hai đứa con chị cũng mang tâm trạng u uất, buồn nản.

Có những hôm chị ngủ dậy trễ, chồng chị càng xéo xắt: “Mày ngủ với trai nhiều quá nên mệt không dậy nổi hả?”. Chồng chị đi tiểu vào một cái chai rồi tưới lên người chị. Anh ta rất hả hê khi hành hạ người vợ tội nghiệp của mình bằng kiểu ghen bệnh hoạn đó. Một phụ nữ lớn tuổi ở sát phòng trọ một lần chứng kiến điều khủng khiếp đó, đã không kìm được tức giận lao vào kéo chị ra và nói: “Mày đối xử với vợ mày thua cả súc vật!”. Chồng chị trả lời: “Vợ tao, tao có quyền”.

Chị BTT hiện nay làm giặt ủi, lao công cho một số gia đình, doanh nghiệp. Quá khứ dù đã ở phía sau lưng vẫn ám ảnh chị. Ảnh: HỒNG MINH

“Con xin mẹ hãy ly hôn!”

Người phụ nữ hàng xóm đó đã động viên chị phải thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Các con chị chứng kiến cha bạo hành tinh thần mẹ đã chán nản muốn bỏ học. Chị quyết vùng lên một lần, đưa các con đi tìm phòng trọ khác.

Sau khi chị và các con bỏ đi, chồng chị có vài lần vừa năn nỉ vừa hăm dọa xin quay lại nhưng con chị dứt khoát: “Con xin mẹ hãy ly hôn!”. Trong thời gian ly thân chờ ly hôn, các con của chị vui vẻ và học tập tốt hơn trước rất nhiều. Chị được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay vốn để giải quyết khó khăn. Từ những ân tình đó, chị gắn bó với công tác Hội Phụ nữ quận 3 cho đến nay.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, người phụ trách một địa chỉ tin cậy dành cho phụ nữ bị bạo hành ở quận Gò Vấp, chia sẻ bà cũng là một nạn nhân của bạo lực gia đình, trên thân thể còn vết sẹo của những trận đòn. Chồng bà đi làm có tiền nên coi thường vợ, hễ đi làm về có gì không vừa ý là ông trút lên đầu bà những trận đòn kèm những lời lẽ nặng nề. Chính các con bà động viên bà: “Mẹ bỏ ba đi, tụi con ở không nổi”. Vì vậy bà rất hiểu và chia sẻ với chị em.

Trong những người đã tư vấn, bà nhớ mãi một cô giáo bị chồng bạo hành tình dục. Mỗi lần cô đi dạy về muộn, ông bắt cô chịu đựng những trò hành hạ trên cả thể xác lẫn tinh thần bằng những kiểu tình dục bệnh hoạn, những lời xúc phạm rất tổn thương. Cô khóc rất nhiều suốt buổi tư vấn. Nếu cô không đáp ứng sự đòi hỏi của chồng trong cơn cuồng ghen, ông sẽ tìm lý do đến trường cô đang công tác để quậy phá. Cô suy sụp, mòn mỏi, buồn bã. Con gái cô trở nên ương bướng và ngang ngạnh như con trai, sẵn sàng chống trả cha mình bằng bạo lực.

Các chị trong tổ tư vấn đã hỗ trợ cô giáo một thời gian khá dài về tâm lý và thủ tục ly hôn cho đến khi cô kết thúc được cuộc hôn nhân của mình. Người ủng hộ cô nhiều nhất chính là con gái. Cô gái từng chia sẻ rằng cuộc ly hôn giải phóng cho cả hai mẹ con những chuỗi ngày địa ngục, để cô được “quay lại sống như người bình thường”.

Chúng tôi đơn độc quá!

Trong hội nghị gặp gỡ giữa 130 phụ nữ tiêu biểu của TP và lãnh đạo TP.HCM ngày 21-9 vừa qua, bà Trần Thị Thanh Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 11 (phường 8, quận 11), nói: “Chỉ có Hội Phụ nữ chúng tôi đơn độc trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Xã hội còn quá nhiều định kiến với nữ giới, khi phụ nữ là nạn nhân thì nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ có làm sao mới bị như vậy. Khi sức chịu đựng quá giới hạn, nhiều phụ nữ có thể có những hành vi rất tiêu cực, thậm chí tự tử. Tôi đề nghị Thành ủy chỉ đạo tất cả hội đoàn thể phải tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mạnh mẽ hơn nữa”.

42% vụ ly hôn xuất phát từ bạo lực gia đình

Tại hội nghị gặp gỡ giữa 130 phụ nữ tiêu biểu của TP và lãnh đạo TP.HCM ngày 21-9 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng: “Theo thống kê của Viện Khoa học xã hội, có đến 42% vụ ly hôn xuất phát từ bạo lực gia đình, trong đó có cả những trường hợp chồng bị vợ bạo hành. Trước mắt TP cần hoàn thiện hệ thống chính sách gắn với quyền lợi của nữ giới để chị em phát huy được nhiều nhất lợi thế và năng lực của mình, thực hiện bình đẳng giới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm