Bao lá mít trên bàn vị chủ tịch phường

Trong ngăn tủ của ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch phường Linh Xuân, quận Thủ Đức (TP.HCM), ngoài những hồ sơ, giấy tờ, tài liệu còn có một bao lá mít khô mà người dân “tặng” ông.

Ông Sơn kể: “Chị TNY, một người dân trong phường đã gọi điện thoại trực tiếp đến tôi phản ánh về cây mít của nhà kế bên. Chị bảo cây mít nhà bên cạnh đến mùa rụng lá, gió thổi là cứ bay qua nhà chị. Ngày nào chị cũng phải quét dọn. Chưa kể đến mùa giông bão có nguy cơ đổ sang mái tôn nhà chị thì lúc đó ai đền cho chị. Trong điện thoại, chị bảo phải buộc nhà hàng xóm chặt đi cây mít đó”.

Tặng bao lá mít… cho nhớ đời

Ông Sơn giải thích rằng không có lý do gì buộc họ phải chặt cây mít vì nó được trồng trong khu đất thuộc sở hữu của nhà đó. “Nếu không hài lòng về việc lá mít rụng trước sân nhà thì chị có thể góp ý với nhà bên cạnh và thỏa thuận với nhau” - ông Sơn gợi mở.

Nhiều ngày sau đó, điện thoại của ông Sơn liên tục tiếp nhận câu chuyện của chị Y. về lá mít nhà hàng xóm rụng sang nhà mình.

Để giải quyết, cán bộ phường đã có góp ý với hộ kế bên và họ hứa sẽ lưu tâm hơn. Sau đó, ông Sơn lại nhận được điện thoại của chị Y. với vẻ bực tức vì lá mít vẫn… rụng. “Thấy chị ấy căng thẳng quá, tôi mới nói đùa với chị để chị giải tỏa bớt. Tôi bảo hay chị cứ xem lá mít đó là cái hên nó đưa đến với nhà mình, biết đâu từ từ chị sẽ chấp nhận được nó và không phải bận tâm hay bực dọc vì nó nữa. Vừa nói xong thì nghe đầu dây bên kia cúp máy” - ông Sơn nói.

Bực mình vì lá mít nhà hàng xóm bay qua nhà mình, chị Y. đã gom lá mít khô vào bọc mang đến đặt trên bàn chủ tịch... Ảnh: THANH TUYỀN

Một tuần sau, khi ông Sơn đang làm việc ở cơ quan thì chị Y. đi thẳng vào phòng, tay dằn mạnh xuống bàn: “Anh nói cái lá mít này bay qua nhà tui sẽ mang lại cái hên cho tui. Tui không thèm cái hên đó, nếu anh cần thì tui đưa cái hên đó cho anh đây”. Bỏ bao lá mít khô trên bàn, chị quay lưng đi một mạch.

“Mình thì nghĩ nói đùa vậy cho chị giãn ra để thoải mái nói chuyện, không ngờ chị lại phản ứng mạnh đến vậy” - ông Sơn bộc bạch.

Chúng tôi tìm đến nhà chị TNY, chị chia sẻ: “Trồng cây vậy lỡ mưa gió đổ qua nhà tui rồi ai đền. Lá mít bay khắp sân vậy tui quét chứ ai quét. Ông chủ tịch phường bảo đó là cái hên, tui biết là ổng đùa cho vui nhưng tui tức. Tặng ổng bao lá mít cho ổng nhớ. Làm xong tui thấy mình cũng nóng giận quá. Mà làm vậy tui cũng trút được cục tức nữa. Giờ nghĩ lại thấy thôi thì mình đã trút được cục tức qua ổng rồi, coi chuyện cái lá mít nó nhẹ nhàng như ông chủ tịch nói đi cho khỏe người!”.

Chuyện xảy ra nhiều tháng nhưng đến nay bao lá mít vẫn còn nằm trong tủ của vị chủ tịch phường. Ông nói với người dân, dù họ đúng hay sai, mình cũng phải luôn biết lắng nghe họ.

Ghét nhau vì chim bồ câu

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Dụng, hòa giải viên khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, tiếp nhận lá đơn của bà NTKD do mâu thuẫn với nhà bên cạnh. Gia đình bà NTH có nuôi chim bồ câu và gà kiểng ở trên lầu cao, mỗi khi vệ sinh chuồng thì bà H. cho nước bẩn chảy trực tiếp xuống dưới đường đọng lại thành vũng trước cửa nhà bà D., gây mùi hôi thối. Bị góp ý nhiều lần, bà H. đã văng tục với bà D. Không chịu được, bà D. viết đơn nhờ khu phố can thiệp.

“Nhà của tui, tui nuôi gì và thải gì là quyền của tui. Không ai có quyền can thiệp” - bà H. nói khi tổ hòa giải đến tiếp xúc. Sau nhiều lần, tổ hòa giải “giả vờ làm căng”, bảo không khắc phục thì không được nuôi nữa. Chỉ giả vờ nhưng không ngờ bà NTH làm thật. “Không nuôi thì không nuôi, tui không thèm nhưng tui chẳng xin lỗi ai cả” - bà H. nói.

Sợ chỉ bằng mặt mà không bằng lòng, nhiều ngày sau ông Dụng đã xuống tận nhà để nói chuyện với bà H. “Sống trong cộng đồng thì không thể chỉ nghĩ cho mình được. Giờ tui giả sử bà D. thải nước bẩn qua nhà chị thì chị có chịu không? Có gì thì nói chuyện thật thiện chí với nhau chứ đừng hở ra là chửi rủa. Dù gì họ cũng là người sống kế bên mình, tối lửa tắt đèn có nhau cả…” - ông Dụng phân tích. Nghe lời ông Dụng, bà H. đã xin lỗi bà D. và hứa sẽ sống có trách nhiệm hơn với mọi người xung quanh.

Chị Dương Thị Nguyệt, tổ hòa giải phường 14, quận 10 kể, vì không hài lòng với năm hộ gia đình ở kế bên, bà TTM đã thả chó cho phóng uế bừa bãi, lấy đất đá quăng vào nhà của năm hộ này. Sau nhiều lần cự cãi, đại diện của năm hộ còn lại đã trình bày với tổ hòa giải nhờ can thiệp.

Họp mặt các bên lại, chị Nguyệt nhẹ nhàng phân tích: “Sống trong cùng khu phố thì tình làng nghĩa xóm nhiều khi là nơi nương tựa của nhau cả. Đang đêm mà bà M. có vấn đề gì, nhà lại không có ai mà qua gõ cửa năm nhà còn lại thì mấy chị có đang tâm mà bỏ người ta hay không?” - chị Nguyệt hỏi. Năm người im lặng. Quay sang bà M., chị Nguyệt hỏi tiếp: “Hay cả chị M. nữa, giả sử khi đau ốm nặng mà chỉ mình chị ở nhà, lúc đó chị có thể gọi ai được ngoài những người hàng xóm đang ngồi ở đây?”. Bà M. cũng cúi đầu im lặng. Thấy không khí dịu hẳn đi, chị Nguyệt nói tiếp: “Làng xóm với nhau cả, những cái gì mình bỏ được thì bỏ chứ hiềm khích với nhau làm gì. Đau ốm hoạn nạn còn kêu nhau được thì cớ làm sao phải vì những chuyện lặt vặt mà mất lòng nhau?”.

Sau đó, chị Nguyệt nhiều lần đến từng nhà hỏi han, lắng nghe mỗi bên trút hết bực dọc. Đến nay, họ đã hòa thuận, nhường nhịn lẫn nhau trong chuyện xóm làng.

Chuyện hòa giải không thể có kết quả trong một sớm một chiều. Người làm công tác hòa giải phải chú ý đến cái hậu đằng sau chứ không phải chăm chăm giải quyết vấn đề trước mắt. Không thể chỉ khẳng định đúng, sai rồi cho qua chuyện mà phải biết lắng nghe. Sau những xích mích, hàng xóm có thể vui vẻ và sống hòa đồng với nhau, bỏ qua những chuyện gây gổ trước đó, sống với nhau bằng thái độ thân thiện, đó mới là cái đích cuối cùng của công tác hòa giải.

Chị DƯƠNG THỊ NGUYỆT, tổ hòa giải phường 14, quận 10

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm