Bảo vệ dân phố còng tay học sinh lớp 7

“Tôi không thể chấp nhận việc bảo vệ dân phố còng tay con tôi - đang học lớp 7 như tội phạm. Chuyện này làm con tôi xấu hổ, gây tổn thương cho trẻ…” - ông Phan Trúc Lâm (ngụ khu vực Bình Hưng, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) phản ánh với Pháp Luật TP.HCM.

Ông Lâm cho biết thêm ngày 6-11, con ông là PTN (học sinh lớp 7 Trường THCS Trà An, phường Trà An, quận Bình Thủy) đi học về rồi đánh nhau với hai bạn cùng lớp gần cổng trường. Lúc đang đánh nhau ông Lê Hồng Hòa (bảo vệ dân phố khu vực 3 phường Trà An - PV) đi ra, dùng còng số 8 còng tay con ông cùng một học sinh khác.

Không cần dùng còng

Theo ông Lâm, con ông và bạn giận chuyện cá nhân rồi ẩu đả với nhau nhưng không gây thương tích gì, cũng không dùng hung khí nguy hiểm. Thế nhưng không hiểu sao ông Hòa lại còng tay hai đứa giao cho giám thị và bảo vệ trường. Sự việc diễn ra vào lúc học sinh đang tan trường nên gây tổn thương đến tinh thần của con ông. Vì xấu hổ, buổi học hôm sau con ông không dám đến trường.

“Ngày 9-11, tôi gặp ông Hòa tại trường để nghe thông tin vụ việc nhưng ông này khăng khăng cho rằng mình đúng và còn thách thức tôi muốn thưa đâu thì cứ thưa…” - ông Lâm kể.

Ông Lâm cho biết ông cũng là phó trưởng khu vực phụ trách an ninh trật tự, gặp đối tượng đánh nhau mà có hung khí thì cũng nhỏ nhẹ khuyên hạ vũ khí, có gì về phường giải quyết. Chỉ khi nào họ chống đối thì lực lượng chức năng mới được cưỡng chế bằng công cụ hỗ trợ (còng tay) chứ không vội vàng hành xử như ông Hòa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND phường Trà An cho biết phường nhận được đơn tố cáo của ông Lâm và đã giao cho công an phường xác minh. “Ông Hòa giải thích, ông dùng còng nhanh hơn dùng dây. Vì thời điểm đó nếu không còng lại thì mấy đứa này bỏ chạy mất!? Quan điểm của tôi thì không cần thiết dùng còng” - ông Phúc cho hay.


Ông Phan Trúc Lâm phản ánh sự việc với PV báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: N.NAM

Bảo vệ: “Tôi không xin lỗi”

“Bữa đó tôi đang ở nhà, mặc thế này (áo ba lỗ - PV), thấy bốn đứa đánh nhau, như thế là gây rối trật tự công cộng rồi. Tôi thấy chưa đổ máu nên còng bắt qua trường giao giám thị thế là xong. Sau này phụ huynh cứ hỏi tôi tại sao không kiếm dây. Công an đã hỗ trợ (còng và dùi cui), ở đây làm gì có dây. Một mình tôi bắt hai đứa để tạm thời đưa về cơ sở gần nhất để có người giải quyết. Công an hỗ trợ còng để làm gì? Tôi cứ làm tròn trách nhiệm. Rồi cứ nói tôi sai, rồi phụ huynh bắt tôi phải xin lỗi học sinh và kể cả cô hiệu trưởng. Tôi thấy nếu làm như vậy thì thà đừng có bảo vệ dân phố. Và đừng có chuyện công an đi bắt tội phạm. Bắt tội phạm xong phải xin lỗi tội phạm? Không bao giờ tôi xin lỗi” - ông Lê Hồng Hòa nói.

Ông Hòa cho rằng nếu đánh đập thì sai. Do ông bắt hai học sinh nên mới phải còng để đề phòng các em có dao chống trả lại. Ông cũng có ý muốn mọi chuyện êm xuôi nên giao cho trường mà không mang về phường để phụ huynh không bị phạt vì con cái gây rối trật tự công cộng. Đây là lần đầu tiên ông còng học sinh giao cho nhà trường.

Nhà trường: Không đồng tình!

Cô Đoàn Kim Thoa (giáo viên chủ nhiệm lớp em N.) cho biết ngay khi sự việc xảy ra, cô giám thị gọi điện thoại báo có hai học sinh trong lớp đánh nhau từ cổng qua hẻm bên hông trường bị bảo vệ dân phố bắt còng tay lại, đưa qua trường. Cô liền báo cho phụ huynh hai em vào buổi chiều 6-11 để lên giải quyết và hai gia đình đã xin lỗi, giảng hòa với nhau. Theo cô Thoa, hai em đánh nhau là vì một bạn trong lớp “ghi tên bạn này mà không ghi tên bạn kia mất trật tự trong lớp”.

Bà Lê Phương Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Trà An nhìn nhận buổi chiều nhận được thông tin, bà đã cho mời những người liên quan để trao đổi sự việc. Cô giám thị tường trình đúng là trưa 6-11, ông Hòa có còng tay hai học sinh của trường đi qua cổng bảo vệ vào giao cô giám thị và nói: “Đây tôi giao cho cô” rồi mở còng đi về. Theo bà Mai, sự việc hôm đó không chỉ có nhiều học sinh trong trường chứng kiến mà một số giáo viên ở lại trường buổi trưa cũng thấy. “Mấy cô nói lại với tôi là: “Trời ơi, tụi em hết hồn, tụi em chẳng biết làm sao mà ổng còng tay các em”” - cô Mai cho hay.

“Ông Hòa là quen biết với trường từ lâu, có cái gì là thông báo ngay cho trường. Nhưng trong chuyện này, ngay từ đầu tôi không đồng tình hành động còng tay của ông Hòa. Chưa kể người ta làm cha, làm mẹ thấy hình ảnh đó thì cũng rất bức xúc” - bà Mai nói.

Gây tổn thương, xúc phạm, hạ thấp danh dự các cháu

Theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp: Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác; bắt giữ người theo quy định của pháp luật; thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật... Người được giao công cụ hỗ trợ phải sử dụng đúng mục đích, quy định, bàn giao lại công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản sau khi kết thúc nhiệm vụ. Nghiêm cấm lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Qua sự việc trên, tôi thấy ông Hòa đã vi phạm quy định về việc sử dụng công cụ hỗ trợ bởi hành vi của hai cháu chưa đến mức phải trấn áp như tội phạm. Hành vi đánh nhau của các cháu cũng chỉ ở mức độ ẩu đả qua lại chứ không dùng bất cứ hung khí nào gây nguy hiểm cho người khác.

Mặt khác, công cụ hỗ trợ chỉ được sử dụng khi anh thi hành công vụ. Qua nội dung sự việc cho thấy thời điểm đó, ông Hòa đang ở nhà, không phải đang thực hiện công vụ.  Việc dùng còng để còng các cháu trước mặt mọi người như tội phạm sẽ dẫn đến tổn thương về mặt tinh thần cho các cháu, có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của các cháu.

Luật sư ĐỖ VĂN VINH, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm