Sổ tay

Bảo vệ nhân viên y tế, nhìn từ góc độ pháp lý

Rất nhiều trường hợp nguyên nhân có thể xuất phát từ thái độ của bác sĩ khi tiếp xúc với thân nhân người bệnh. Tuy nhiên, nếu chỉ vì phút nóng giận mà bột phát động tay, động chân với người khác thì đó là điều pháp luật không cho phép.

Người bệnh có nghĩa vụ “tôn trọng người hành nghề, không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác”, theo Điều 14 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Đây là nghĩa vụ tương ứng với quyền được đảm bảo an toàn khi hành nghề tại Điều 35 Luật KBCB.

Vậy hành vi bạo hành đối với nhân viên y tế bị xem là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ và nhân viên y tế hoặc bệnh viện có quyền khởi kiện dân sự đòi bồi thường, xin lỗi công khai. Tuy nhiên, những vi phạm này có chiều hướng gia tăng, không chỉ của bệnh nhân mà còn của người nhà bệnh nhân đối với người hành nghề.

Thử phân tích cơ chế pháp lý hiện hành để tìm nguyên nhân và giải pháp. Trước hết, hành vi bạo hành phổ biến đối với người hành nghề thường là các vi phạm hành chính (xúc phạm, gây thương tích ở mức độ không nghiêm trọng). Tuy nhiên, các chế tài hành chính xử lý hành vi vi phạm nêu trên chưa thực sự thoả đáng. Không có quy định nào xử phạt người có hành vi xâm phạm danh dự, thân thể người hành nghề khi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Chỉ có thể xử phạt theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP áp dụng chung cho bất kỳ vi phạm hành chính xâm phạm trật tự an toàn xã hội nào. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ lại khá mỏng, chưa được trang bị camera đồng bộ nên việc chứng minh vi phạm trở nên khó khăn. Không có công an tại bệnh viện, còn phải lập biên bản chuyển đi tốn thời gian trong khi mức phạt lại quá thấp nên rất ít trường hợp bị xử lý trên thực tế. Bức tranh bạo hành y tế ngày càng trở nên đậm nét là cũng điều khá dễ hiểu.

Hơn nữa, người hành nghề khi bị xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, tính mạng có quyền yêu cầu khởi kiện để đòi bồi thường, xin lỗi công khai theo thủ tục tố tụng dân sự. Kiện tụng là phức tạp, trong khi bản thân họ vốn đã phải quá vất vả với áp lực công việc. Nếu không có sự trợ giúp và tạo điều kiện từ phía cơ sở KCB và sự ủng hộ cảm thông của truyền thông, dư luận xã hội thì chắc chắn không có nhân viên y tế nào chấp nhận tốn kém cả thời gian, sức lực và tiền bạc để theo đuổi một vụ kiện.

Bác sĩ D. bị người nhà hành hung phải cấp cứu ở Thạch Thất, Hà Nội.Bác sĩ D. bị người nhà hành hung phải cấp cứu ở Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Infonet 

Đã đến lúc phải có những giải pháp để tình trạng không trở nên tồi tệ. Một là, đề cao y đức và kỷ luật chuyên môn đối với y bác sĩ. Hai là, các cơ sở KCB phải thật sự đề cao và thực thi có hiệu quả các biện pháp duy trì an ninh trật tự và bảo vệ an toàn cho người hành nghề. Ba là, các cơ quan Nhà nước cũng cần nhanh chóng và nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi bạo hành trong lĩnh vực y tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm