Bắt cóc trẻ em: Cảnh báo con như thế nào?

“Nói ra sợ con lo, không nói thì khi để con một mình lại không yên tâm” - chị Lê Thị Thủy (ngụ quận 9, TP.HCM có hai con đang học tiểu học) chia sẻ.

Cũng như chị Thủy, chị Mỹ Hạnh (quận Thủ Đức, TP.HCM) lo lắng: “Mình có hai cháu, một trai và một gái. Nghe thông tin đó thấy lo lắm, bé gái chỉ mới năm tuổi nên cũng khó để bé hiểu rõ được vấn đề. Mình cũng chưa biết nên chọn cách nào để đảm bảo an toàn cho con cả”.

Báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến, lời khuyên của những người cũng đã làm mẹ, đang làm việc tại nhiều vị trí khác nhau để bạn đọc có thêm chọn lựa với sự việc này.

Nguyễn Thị Thanh Thúy

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ:

Tùy độ tuổi của con để chọn cách tiếp cận 

Tôi nghĩ nên cho con biết về thông tin nhưng tùy độ tuổi của con, cha mẹ nên chọn cách tiếp cận khác nhau. Mỗi một thời điểm, mỗi một độ tuổi đều có cách để dạy cho trẻ.

Tôi có hai bé, bé gái 14 tuổi và bé trai tám tuổi. Từ nhỏ, tôi đã cho con chơi những trò chơi rèn luyện kỹ năng an toàn cho trẻ. Khi ở nhà, tôi thường trò chuyện để tập cho con nghe tiếng mẹ hay tiếng người quen mỗi ngày. Điều này tôi dạy con xuất phát từ câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” đã bị sói ăn thịt do không phân biệt được tiếng của bà mình với con sói. Ví như nói “con ngoan ngoãn mở cửa ra mẹ cho các con bú” để con quen dần. Không phải lúc nào cha mẹ cũng ở bên cạnh con nên cần dạy con trẻ kỹ năng tự phòng vệ để tránh nguy hiểm.

Ngay cả thông tin là bắt cóc trẻ để lấy nội tạng, đưa sang nước này nước kia tôi cũng đã cho các con xem. Trẻ nên xem để biết về nơi mình đang sống. Hãy dạy trẻ nhận diện được những khu vực nào là an toàn dành cho chúng, từ đó chúng sẽ tự biết cách bảo vệ bản thân.

Con trai tôi cũng đã gặp phải trường hợp bị người lạ gạ gẫm. Mới đây, khi bé đang đạp xe trong công viên thì có hai người lạ mặt tiến đến, nói muốn bé xuống yên sau xe ngồi rồi họ chở đi trên chính chiếc xe của bé nhưng bé đã kịp thời nhảy xuống xe rồi chạy đi và la lên. Bé chấp nhận để mất chiếc xe mà mình yêu thích nhất. Tới giờ, bé vẫn buồn vì mất chiếc xe nhưng thật may là bé đã tự bảo vệ được mình. Chỉ khi được chỉ dạy, con mới biết rằng an toàn cho bản thân sẽ quan trọng hơn là tài sản. Các bậc cha mẹ không nên sợ trẻ hoang mang mà nên chỉ dạy cho các cháu thông qua các cuốn sách hay thông tin trên Internet.

Thay vì hét lên “Cứu tôi với”, các con nên kêu lên là “Cháy! Cháy”, nó sẽ hiệu quả hơn. Vì ở bất cứ đâu, khi nghe cháy thì họ sẽ chạy tới hoặc nhào ra đường để xem cháy chỗ nào. Lúc đó họ có thể nhìn thấy mình để hỗ trợ.

Nếu các con chỉ hét lên “Cứu” thì phản xạ với người đi đường là rất thấp. Đó là điều mà tôi đã được dạy từ những người lớn của mình và sau này tôi vẫn hay áp dụng, dùng dạy con mình.

Rất nhiều câu chuyện để các con cảnh giác, kể cả việc hãm hiếp cũng vậy, khi con đi vệ sinh cũng cần cảnh giác như thế nào. Không phải lúc nào con cái cũng nằm trong tầm nhìn của cha mẹ nên không thể chủ quan, phải ưu tiên và không nên sợ trẻ hoang mang, bằng cách này hay cách khác hãy để bé tiếp cận với thông tin này để bé có phản xạ tốt khi gặp phải tình huống tương tự.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Huệ

Chuyên gia tâm lý trẻ Võ Thị Minh Huệ:

Đưa tình huống giả định, cho trẻ tìm giải pháp 

Không nên hù dọa quá mức khiến trẻ lo sợ. Không nên nói quá nhiều lần khiến cho trẻ bị ám ảnh điều này.

Chỉ cần đưa ra những tình huống giả định và cho trẻ tìm các giải pháp để phòng tránh nguy cơ bị bắt cóc. Trang bị cho trẻ những kỹ năng như: nhận biết những hành vi bất thường của kẻ bắt cóc, nhận biết linh cảm về sự bất an của mình, biết tìm sự hỗ trợ ở đâu và của ai, biết bình tĩnh để tìm ra những cách khôn ngoan khi gặp những điều bất trắc.

Khi gặp trường hợp bị hù dọa, cha mẹ phải hết sức bình tĩnh. Không nên nhanh chóng trả lời ngay kẻ bắt cóc, kiếm kế hoãn thời gian đáp ứng để có thời gian cho việc tìm cách giải cứu con. Không nên tỏ ra hốt hoảng, chúng sẽ biết rằng mình đáp ứng yêu cầu bằng mọi giá. Nhưng cũng không nên thách thức chúng, vì bản thân chúng khi thực hiện hành vi bắt cóc cũng đã sợ hãi. Chúng có thể có hành vi bốc đồng và làm hại tới đứa trẻ.

Cần bí mật báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ. Nếu được nói chuyện với con thì hãy nói con bình tĩnh, đừng cố gắng chống cự, cha mẹ đang ở bên cạnh con. Trấn an trẻ để không làm cho những kẻ bắt cóc thấy nguy hiểm. Khi chúng thấy nguy hiểm thì dễ có những hành động làm tổn thương đến cơ thể con mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm