Bắt nguyên giám đốc Sở TN&MT Bình Dương

Khám xét nhà riêng ông Huệ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu và niêm phong két sắt với hơn 600 triệu đồng. Trước khi bị bắt, vào tháng 10-2007, Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đã quyết định thuyên chuyển ông Huệ từ chức vụ giám đốc Sở TN&MT sang Ban Tổ chức Tỉnh ủy để chờ phân công công tác khác.

Cùng bị bắt về hành vi nói trên còn có ba bị can: Đỗ Văn Sâm (cán bộ Phòng TN&MT huyện Bến Cát), Phan Văn Trung (trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cát) và Nguyễn Thanh Hải (nguyên giám đốc Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu Bình Dương, gọi tắt là Công ty Sobexco, đã giải thể từ năm 1995).

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, Sobexco là doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh Bình Dương, dù được nhiều ưu đãi nhưng vẫn làm ăn thua lỗ gần 14 tỷ đồng. Năm 2001, công ty này xin và được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý cho bán đấu giá vườn cao su, vật kiến trúc trên đất để trả nợ. Thời điểm đó, ông Cao Minh Huệ là giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở TN&MT) là thành viên hội đồng bán đấu giá. Lợi dụng chức vụ này, ông Huệ đã tìm cách cho bán luôn cả đất trồng cao su với giá 50 triệu đồng/ha chứ không chỉ bán cao su, vật kiến trúc trên đất như được phép.

Trong số người mua đất có vợ và hai con gái của ông Huệ là Hà Thị Lan, Cao Thị Ngọc Chinh và Cao Thị Ngọc Quỳnh. Họ ủy quyền cho ông Phạm S. (ngụ quận Bình Thạnh) đứng ra giao dịch.

Để tạo điều kiện pháp lý thu gom nhiều đất cho người thân, ông Huệ đã kiến nghị UBND tỉnh tăng mức hạn điền đất trồng cây lâu năm từ 10 ha/hộ lên 30 ha/hộ. Sau khi được chấp thuận, ông Huệ đã chỉ đạo UBND huyện Bến Cát cấp giấy đỏ theo mức hạn điền mới cho những người mua đất của Công ty Sobexco. Nhờ đó vợ và hai con của ông Huệ đã gom được 78 ha đất cao su. Chính vì vậy, khi xây dựng Khu công nghiệp An Tây, gia đình ông Huệ được hưởng lợi trên 1,3 tỷ đồng từ tiền bồi thường.

H.TUYẾT - TR.DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm