Biểu tượng Pháp Dalida: Ám ảnh cô độc và cái chết

Dalida là một trong ba nghệ sĩ được xem là biểu tượng của Pháp trong thế kỷ 20. Lúc còn sống, Dalida đã ghi kỷ lục khi bán hơn 120 triệu đĩa hát trong 10 thứ tiếng và bán thêm 20 triệu bản sau ngày qua đời. Tại Việt Nam, rất nhiều ca khúc gắn với tên tuổi Dalida được các nhạc sĩ Việt Nam viết lại lời Việt. Trong đó nổi bật nhất là các bản lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy: Le temps des fleurs (Nhớ lúc yêu nhau), Paroles Paroles (Những lời mê hoặc), La chanson d’orphée (Bài ngợi ca tình yêu), Bang Bang (Khi xưa ta bé), Pour en arriver là (Chỉ có thế thôi)… Hay nhạc sĩ Anh Bằng với lời Việt Chuyện tình yêu từ ca khúc Histoire d’un amour.

Heidegger không trao hy vọng cho Dalida

Ngày 12-5, bộ phim Tôi là Dalida của đạo diễn Lisa Azuelos đã chính thức đến với khán giả Việt. Bộ phim mở màn bằng cuộc tự tử bất thành của Dalida trong khách sạn vào năm 1967. Từ cái chết hụt này, một quãng đời trước đó của Dalida được kể lại…

Quan trọng nhất của sự mở màn này chính là tranh luận về cái chết của Dalida và người tình (Luigi Tenco - một ca sĩ, nhạc sĩ trẻ người Ý) thông qua tác phẩm Hữu thể và thời gian (Sein und Zeit) của triết gia người Đức Martin Heidegger. Luigi cho rằng “Sống là để dẫn đến cái chết” trong khi Dalida cho rằng “Sống là để yêu”. Tuy nhiên, sau tranh luận đó và sau thất bại khi bài hát Ciao, amore ciao (Luigi sáng tác) hai người song ca không lọt qua vòng một của Liên hoan âm nhạc San Remo, Luigi đã tự bắn vào đầu. Cái chết của Luigi xảy ra ngay kề thời điểm hai người chuẩn bị công bố mối quan hệ và đám cưới không xa của mình, chính điều này làm Dalida quyết định tự tử.

Sau cuộc tử tự bất thành, cùng với việc nghiền ngẫm suốt tác phẩm Heidegger, trong phim đã chọn một câu thoại thật rất hay của Dalida trong cuộc trò chuyện với bác sĩ tâm lý riêng của mình. Khi vị bác sĩ nói: “Cô là người trao hy vọng cho cả ngàn người” và Dalida đã đáp lại: “Nhưng ai trao cho tôi?”.

Sau câu hỏi bỏ lửng đó, Dalida tiếp tục tìm đến Phật giáo thông qua Arnaud Desjardins dù cô là người Công giáo. Cô tìm đến Ấn Độ với hy vọng thoát khỏi bi kịch của đời sống. Nhưng thiền sư ở đây đã khuyên cô hãy trở lại với sân khấu, bởi âm nhạc chính là đời sống của Dalida.

Người mẫu Sveva Alviti (Ý) vào vai Dalida trong phimTôi là Dalida, đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên của người mẫu này. Ảnh: THE GREEN MEDIA

Những sự lựa chọn đến với cái chết

Sau đó Dalida tiếp tục đời sống của mình với những bản nhạc tình, những điệu disco thời thượng, với ước vọng đem đến niềm vui cho công chúng yêu mến cô bằng chính thứ âm nhạc của mình. Đó là âm nhạc của những đau khổ, tình yêu, sự cô đơn, thất vọng lẫn hy vọng… Cùng với âm nhạc, với thành danh trên sân khấu, Dalida tiếp tục chứng kiến hai cái chết nữa. Đó là năm 1970, người chồng cũ của Dalida là Lucien Morisse (giám đốc chương trình của đài phát thanh Europe 1) tự tử bằng súng. Dẫu cái chết của Lucien không liên quan gì tới Dalida bởi hai người ly dị vào cuối năm 1961 sau năm năm chung sống. Thế nhưng cái chết này đã để lại nhiều tổn thương trong lòng cho Dalida, nhất là nuối tiếc khi bỏ Lucien. Người đàn ông quan trọng thứ ba trong cuộc đời của Dalida, người đồng hành với cô suốt chín năm trong cuộc đời cũng chọn tự tử sau khi chia tay cô ba năm, đó là Richard Chanfray (tự tử năm 1983).

Cuộc đời Dalida trong phim lẫn đời thực là cuộc đời giằng xé giữa nhiều điều: Chọn làm phụ nữ gia đình với con cái bình thường hay chọn đứng trên sân khấu và trì hoãn mọi cuộc hôn nhân, mọi cơ hội con cái? Chọn bước vào đời sống thinh lặng hay đứng dưới ánh đèn hào quang và chống chọi ngay với đôi mắt vốn khó chịu với ánh sáng của mình? Và cuối cùng, chọn sống hay chọn chết và chết có là một sự sống đời sau hay không?... Những câu hỏi cuộc đời của Dalida có lẽ cũng là câu hỏi của nhiều người dù là ca sĩ, nghệ sĩ hay là một người phụ nữ bình thường…

Tôi là Dalida chưa thật sự hấp dẫn

Bộ phim Tôi là Dalida mở màn bằng cái chết hụt và kết thúc bằng cái chết thật của Dalida vào đêm 3-5-1987. Dalida đã tự sát bằng thuốc an thần và qua đời tại nhà riêng trên phố Orchampt thuộc khu Montmartre (Pháp). Dalida qua đời với dòng chữ duy nhất để lại “Tôi không thể chịu đựng cuộc sống thêm được nữa, hãy tha lỗi cho tôi” (La vie m’est insupportable, pardonnez-moi).

Nếu so sánh Tôi là Dalida với bộ phim La vie en rose về nữ ca sĩ Édith Piaf trước đó, bộ phim Tôi là Dalida đang ra rạp Việt không hấp dẫn hơn. Tôi là Dalida dưới góc độ là tác phẩm điện ảnh thì phim vẫn thiếu điểm nhấn, chỉ chạm vào bề nổi cuộc đời Dalida chứ chưa chạm được vào những bi kịch thật sự từ đời sống, đức tin… dẫn đến việc Dalida hai lần tự sát. Thế nhưng đây là một bộ phim với những bản nhạc tình Dalida điển hình để những ai yêu quý nhạc Pháp, văn hóa Pháp có dịp đến rạp để xem.

Em trai Dalida là đồng sản xuất Tôi là Dalida

Nhà sản xuất Orlando (Bruno Gigliotti), em trai của cố ca sĩ Dalida, chính là đồng sản xuất bộ phim Tôi là Dalida. Ông cho biết đêm trước khi bộ phim được dựng hậu kỳ hoàn chỉnh, ông đã không thể ngủ được bởi có những lúc dự án muốn ngừng khi những kịch bản ban đầu đều hời hợt và mang nặng tính thương mại. “Tôi tin rằng bất kể ai đã từng yêu và nghe nhạc của Dalida sẽ thấy rất xúc động khi nhìn thấy chị ấy sống lại trên màn ảnh rộng. Tôi cũng tin rằng những khán giả lần đầu tiên biết đến Dalida của bộ phim này cũng sẽ yêu mến người phụ nữ đầy nghị lực này của tôi. Và tôi, sẽ mãi mãi là cậu em trai bé nhỏ, là người sản xuất đồng hành cùng chị ấy đến hơi thở cuối cùng” - Orlando chia sẻ khi bộ phim Tôi là Dalida phát hành.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.