Bình Dương: Phóng viên bị đánh khi tác nghiệp

(PL)- Chiều 5-4, Công an phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã làm việc với một chủ quán cà phê vì cản trở, đánh phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương khi họ đang tác nghiệp.

Theo tường trình ngày 5-4, phóng viên Thái Duy và Mỹ Phương được đài cử đi ghi nhận việc lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn thị xã. Khi đến khu vục ngã tư Chợ Đình, đại lộ Bình Dương, phóng viên Thái Duy ghi hình ảnh lấn chiếm hành lang đường bộ. Khi quay việc lấn chiếm trước quán cà phê, chủ quán chửi bới, ngăn cản, đòi đập máy camera. Phóng viên Thái Duy đã giải thích là mình chỉ ghi hình lấn chiếm hành lang đường bộ nhưng một phụ nữ (xưng là chị em với chủ quán) cùng ba nam nhân viên của quán xông ra chửi bới, xỉ tay và đập khay cà phê vào người, đấm vào mắt phóng viên.

Trung tá Hà Văn Thanh, Phó Trưởng Công an phường Phú Hòa, cho biết công an phường đã có mặt kịp thời để giải quyết, mời những người liên quan về trụ sở làm việc. “Sau khi thẩm tra kỹ, nếu phía quán cà phê có hành vi hành hung, cản trở tác nghiệp của phóng viên sẽ chuyển cấp trên xử lý” - ông Thanh nói.

Bình Dương: Phóng viên bị đánh khi tác nghiệp ảnh 1

Người của quán cà phê xỉ tay phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương sáng 5-4. (Cắt từ cảnh quay hiện trường của PV Thái Duy)

Bà Vi Liên, Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương, cho biết: “Phóng viên của đài chưa bị thương tích nặng nhưng cách hành xử của chủ quán cà phê đáng lên án. Sau khi nhận tin phóng viên của đài bị đánh, chúng tôi đã báo tin cho Công an phường Phú Hòa, Công an thị xã Thủ Dầu Một yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc”.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng phòng Khoa giáo Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương, nói đã có công văn đề nghị công an giải quyết vụ việc vì không thể chấp nhận việc cản trở tác nghiệp của phóng viên như thế được.

l “Nhiều vụ cản trở, hành hung nhà báo đang tác nghiệp, hành nghề hợp pháp, đặc biệt đang thực hiện những điều tra, phản ánh, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng… có chiều hướng gia tăng. Hội đang lo ngại về việc này”. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung phát biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình công tác 2009, chuẩn bị chương trình công tác 2010 của hội ngày 5-4.

Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam không đồng tình việc cản trở, hành hung nhà báo. Hội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan thi hành pháp luật phải có những biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời những đối tượng vi phạm Luật Báo chí và các luật khác để bảo vệ nhà báo hành nghề. Theo Luật Báo chí, không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

VÕ BÁ - VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm