Bỗng dưng mất chỗ khai thác titan

Tháng 7-2007, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đồng ý cho Công ty TNHH Tân Quang Cường và Công ty Cổ phần Thương mại và đầu tư Hợp Long được lập hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác titan tại khu vực Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Theo bản đồ khu vực thăm dò, mỗi công ty có diện tích thăm dò 120 ha nằm liền kề nhau.

Ủng hộ hết mình

Sau khi được đồng ý, Công ty Tân Quang Cường đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để lập đề án, thuê tư vấn. Công ty này cũng lập một đội bảo vệ mỏ để tránh bị khai thác trái phép. Theo chỉ thị của UBND tỉnh về việc hạn chế đưa quặng thô ra ngoài tỉnh và xây dựng nhà máy chế biến tại địa phương, năm 2008, Công ty Tân Quang Cường đã di dời nhà máy chế biến titan tại Bà Rịa-Vũng Tàu về đặt tại thị xã La Gi. tổng vốn đầu tư hơn 30 tỉ đồng.

Từ 2007 đến 2009, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có ít nhất 10 văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị tạo điều kiện cho công ty này trong việc thăm dò, khai thác khoáng sản. Tháng 5-2009, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận còn đề nghị Thủ tướng có ý kiến chấp thuận cho công ty này được thăm dò, khai thác trên 120 ha đất nói trên bởi theo tỉnh, công ty đã xây dựng nhà máy, hoạt động có năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả.

Bỗng dưng mất chỗ khai thác titan ảnh 1

Rồi… gạt bỏ

Thế nhưng cuối tháng 4-2010, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lại có công văn gửi Thủ tướng, Bộ Công thương và Bộ TN&MT đề nghị xem xét, chấp thuận cho Công ty Hợp Long được lập hồ sơ thăm dò titan, trong đó lấy hết diện tích 120 ha của Công ty Tân Quang Cường giao luôn cho Công ty Hợp Long!

Theo đại diện Công ty Tân Quang Cường, điều trớ trêu là họ lại không hề được nhận văn bản trên dù họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Do đó, ông Phan Văn Khoan, Giám đốc Công ty Tân Quang Cường, đã làm đơn khiếu nại gửi đến Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan. Theo Công ty Tân Quang Cường, nếu không có diện tích đất trên để khai thác, hoạt động của nhà máy chế biến mà họ đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để di dời và đầu tư mới tại Bình Thuận sẽ bị ảnh hưởng.

Đáng nói là Công ty Hợp Long chưa hề đầu tư xây dựng nhà máy và đã có diện tích hơn 190 ha khác được cấp phép. Công ty Hợp Long cũng đã chuyển nhượng lại giấy phép cho đơn vị khác và hiện chủ yếu là bán quặng thô.

Ngày 17-5, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với tỉnh Bình Thuận rà soát, xác định rõ ràng việc phân chia ranh giới mỏ, đảm bảo tính hợp lý cũng như quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Theo Bộ Công thương, trong công văn đề nghị ghép chung 240 ha giao cho Công ty Hợp Long, tỉnh Bình Thuận đã không nêu rõ cơ sở lý do  tước bỏ diện tích đất khai thác mỏ của công ty Tân Quang Cường, chẳng hạn như không đủ năng lực, có biểu hiện vi phạm pháp luật, không tuân thủ chỉ đạo hoặc không thực hiện đầy đủ các cam kết với tỉnh… Vì vậy, Bộ Công thương không đủ căn cứ để có ý kiến về tính hợp lý của việc thay đổi chủ trương từ việc giao cho hai doanh nghiệp cùng thăm dò sang giao tất cả cho một doanh nghiệp.

Theo Bộ Công thương, xét trên góc độ quy hoạch, Bộ ủng hộ đẩy nhanh việc thăm dò chuyển sang khai thác, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đã đầu tư...

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm