Cân nhắc việc cho con nuôi trọn vẹn

Chiều 16-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Nuôi con nuôi.

So với các quy định hiện hành về nuôi con nuôi, dự luật Nuôi con nuôi có một số điểm mới, đó là điều chỉnh thống nhất các vấn đề nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong một luật. Tăng cường giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, việc trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài chỉ là biện pháp thay thế cuối cùng sau khi đã áp dụng biện pháp cần thiết mà không thu xếp được được cho trẻ em làm con nuôi trong nước.

Về hình thức nuôi con nuôi, dự luật phân chia việc nuôi con nuôi ở Việt Nam được thực hiện dưới hai hình thức “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, hình thức “nuôi con nuôi đơn giản" không làm chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con được cho làm con nuôi. Còn “nuôi con nuôi trọn vẹn” thì chấm dứt hoàn toàn các quyền nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ (nếu còn) và con đã cho làm con nuôi, đồng thời con nuôi trọn vẹn ở trong nước được thay đổi dân tộc theo dân tộc cha, mẹ nuôi.

Dự luật theo hướng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được tập trung thống nhất vào một đầu mối là Bộ Tư pháp. Giải pháp này nhằm đảm bảo sự tách bạch giữa việc tiếp nhận trẻ em của cơ sở nuôi dưỡng với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, phù hợp với yêu cầu của Công ước La Hay về nuôi con nuôi mà Việt Nam chuẩn bị tham gia.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ bản đồng tình với mục tiêu, quan điểm của dự luật.

Tuy nhiên, liên quan đến hình thức nuôi con nuôi, một số ý kiến đề nghị không mở rộng phạm vi trẻ em được nhận làm con nuôi trọn vẹn mà chỉ áp dụng đối với trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không xác định được danh tính.

Về cơ quan có thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi, các ý kiến cho rằng dự thảo chưa không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Ngay cả việc quy định trách nhiệm của Sở Tư pháp trong giải quyết các công việc liên quan đến nuôi con nuôi như dự luật là chưa phù hợp, bởi đây là vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh.

Theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, việc để Bộ Tư pháp giới thiệu nuôi con nuôi phù hợp với điều ước quốc tế. Hơn nữa Bộ Tư pháp có Cục Nuôi con nuôi, việc tìm hiểu hồ sơ, nắm thông tin từ địa phương tập trung ở Bộ Tư pháp sẽ sát thực và bảo đảm. Nếu để tổ chức xã hội giới thiệu mặc dù cũng khách quan nhưng tổ chức xã hội không phải là cơ quan có chức năng công quyền. Qua thảo luận, Ban soạn thảo thống nhất phải là cơ quan có chức năng công quyền mới được giới thiệu con nuôi.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét lại trình tự xử lý hồ sơ và ra quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài. Với quy trình trong dự luật thì Bộ Tư pháp lại trở thành cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh, trong khi quyết định của UBND cấp tỉnh chỉ là hợp thức hóa việc giới thiệu của Bộ Tư pháp. Hơn nữa trong trường hợp UBND cấp tỉnh không đồng ý với giới thiệu của Bộ Tư pháp và không ra quyết định thì việc giải quyết xung đột này chưa được làm rõ.

Dự luật sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Theo QUỲNH HOA (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm