Cảnh giác với trò… trúng thưởng

Khoảng 8 giờ ngày 9.3, SV Nông Thị Thu Hiền (21 tuổi, quê Kon Tum) tiếp hai cô gái khoảng 22 đến 26 tuổi, nói giọng Bắc, ăn mặc lịch sự tại dãy trọ tổ 45, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Sau khi tự nhận là nhân viên siêu thị, họ giới thiệu sản phẩm trà, mời Hiền dùng thử với chương trình trúng thưởng toàn hàng hiệu: tivi màn hình phẳng, laptop, điện thoại, đồng hồ...

Vừa mở gói trà, Hiền thấy mẩu giấy nhỏ hình chữ nhật thông báo trúng giải thưởng lớn bao gồm: 1 máy lạnh, 1 laptop và một số giải thưởng khác có tổng giá trị lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để nhận giải, Hiền phải chứng minh được khả năng đóng thuế thu nhập 10%, đóng thêm 20% tổng giá trị giải thưởng để góp vào quỹ từ thiện như cam kết của nhãn hàng.

Biết Hiền không có nhiều tiền mặt, nhân viên siêu thị “hiến kế” cho Hiền thế chấp tài sản để công ty định giá, nếu tài sản đảm bảo đủ số tiền thì Hiền có thể nhận giải ngay. Nói rồi họ đưa mẫu giấy để Hiền khai tài sản gồm 1 laptop, 1 điện thoại, 1 thẻ ATM kèm… mật khẩu, niêm phong toàn bộ vào một túi giấy lớn. Hoàn thành “thủ tục” ký giấy, đóng dấu xác nhận, hai nhân viên mang theo toàn bộ tài sản của Hiền và hứa hẹn 15 phút sau sẽ có nhân viên khác mang giải thưởng đến tận nhà. 15 phút trôi qua, Hiền mới sực tỉnh biết mình bị lừa.
Đầu giờ chiều cùng ngày tại xóm trọ tổ 18 KDC Quang Thành 3A P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, SV Nguyễn Thị Nga (trường CĐ Kinh tế Kế hoạch TP Đà Nẵng) cũng bị lừa lấy laptop và điện thoại di động. Lần này, nhân viên siêu thị cho Nga trúng máy lạnh trị giá 10 triệu đồng, đồng thời Nga có cơ hội trúng thưởng số tiền trị giá gấp đôi tài sản hiện có với điều kiện phải kiểm định giá trị tài sản của Nga.  

Cảnh giác với trò… trúng thưởng ảnh 1
Các đối tượng lừa đảo dùng chiêu trúng thưởng, nhân đôi tài sản để lừa - Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Lưu Văn Hùng - Đội trưởng Dân phòng cơ động P.Hòa Khánh Bắc, cho biết khi Nga chạy theo để ngăn cản thì cô gái leo lên xe gắn máy của một nam thanh niên chờ sẵn và phóng đi mất. “Những vụ lừa SV như vậy năm nào cũng xuất hiện và càng ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Kiểm tra gói trà, chúng tôi phát hiện gói trà đã bị rạch trước đó bằng dao lam, có khả năng phiếu trúng thưởng được bỏ vào bằng cách này” - ông Hùng nói. Một ngày trước đó, chiều 8.3, hai cô gái có ngoại hình tương tự cũng đã lấy đi 2 điện thoại di động, 900 ngàn đồng, thẻ ATM, dây chuyền, nhẫn và đôi bông tai với tổng trị giá khoảng 12 triệu đồng của Dương Thị Thúy Hằng (23 tuổi, nhân viên Công ty CP du lịch Huế) và Phạm Thị Bích (19 tuổi, trú TX Buôn Hồ, Đắk Lắk) trọ tại 28/35 Điện Biên Phủ (P.Trường An, TP Huế). Các đối tượng này còn chuẩn bị thủ tục rất chuyên nghiệp, xuất trình CMND, giấy xác nhận của siêu thị, giới thiệu các hồ sơ danh sách những người đã trúng thưởng… Các SV còn mờ mắt bởi phong cách làm việc và ghi chép, phỏng vấn như thật kiểu: “Bạn dự định sẽ làm gì với số tiền này? Cảm nhận của bạn như thế nào khi được là khách hàng may mắn của siêu thị?...”. Đợi SV kê khai xong, “nhân viên” thường viện cớ sinh viên thiếu giấy tờ cá nhân, thiếu tiền mặt chứng minh khả năng tài chính nên buộc phải thế chấp tài sản… Nhiều SV tính toán số tài sản mình hiện có ít hơn rất nhiều so với trị giá giải thưởng sắp nhận được nên đã dễ dàng bị lừa. Đây cũng là bài học để các sinh viên cảnh giác.
Theo Nguyễn Tú- Đỗ Anh (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm